MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kế hoạch đồng hành cùng doanh nghiệp Việt của Alibaba.com

06-01-2022 - 13:30 PM | Thị trường

Kế hoạch đồng hành cùng doanh nghiệp Việt của Alibaba.com

Năm 2022 sẽ mở ra những bước tiến mới của Alibaba.com trong quá trình quảng bá và nâng tầm thương hiệu Việt Nam trên thế giới bằng cách sử dụng các giải pháp kỹ thuật số. Chia sẻ của ông Roger Lou - Giám đốc Quốc gia Alibaba với bạn đọc về kế hoạch của Alibaba.com tại thị trường Việt Nam.

Nhận định của ông về định hướng chiến lược kinh doanh năm 2022 của các DNVVN Việt Nam thông qua thương mại điện tử? 

Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống của mọi người, từ cách làm việc đến cách kết nối với thế giới bên ngoài. Năm 2020, hầu hết các triển lãm thương mại truyền thống đã được thay thế bằng hình thức trực tuyến. Đại dịch đã đẩy nhanh quá trình số hóa, đồng thời cho chúng ta thấy sức mạnh của thương mại điện tử.

Điều đó còn được thể hiện mô hình kinh doanh cũng được thay đổi. Các công ty B2B sẽ có xu hướng chuyển sang giao dịch số thay vì truyền thống. Theo khảo sát của chúng tôi, giao dịch hay đàm phán trực tiếp đã giảm từ 61% xuống còn 29%. Trong khi cách thức làm việc mới như họp video và trò chuyện trực tuyến tăng lên 41% và 23%. Đặc biệt, trong sự kiện khuyến mãi Siêu tháng 9 (Super September) do Alibaba.com tổ chức vừa qua, các nhà cung cấp TRẺ sử dụng tính năng livestream (phát trực tiếp) để tương tác với khách hàng đã tăng 383%.

Bên cạnh đó, so với thương mại truyền thống, thương mại kỹ thuật số có ưu điểm dễ dàng lập lịch trình, và quan trọng nhất là cơ sở dữ liệu trên nền tảng có thể giúp các nhà cung cấp biết thêm về nhu cầu thị trường, và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Có gần 80% các nhà cung cấp B2B chọn cách tương tác trực tuyến hoặc tự phục vụ kỹ thuật số. Theo chúng tôi, số hóa không còn là lựa chọn nữa mà là bắt buộc.

Trong quá trình chuyển đổi số, không ít DNVVN Việt Nam gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Ông có thể chia sẻ những giải pháp của Alibaba.com để tháo gỡ, giải quyết vấn đề này?

Để tháo gỡ những vướng mắc mà các doanh nghiệp gặp phải, trong năm tài chính2021, chúng tôi đã tạo ra một lộ trình giải pháp thương mại số quốc tế B2B cho Việt Nam, xây dưng dựa trên góc độ nhu cầu của nhà cung cấp.

Đó là, khi các nhà cung cấp muốn tìm thêm người mua hoặc muốn bán trên toàn cầu, khi là thành viên của Alibaba.com sẽ được cung cấp thêm các giải pháp hỗ trợ kinh doanh. Như tạo thêm các buổi hội thảo trực tuyến, khóa học giúp nhà cung cấp hiểu hơn về nền tảng cũng như những câu chuyện thực tế đã chuyển đổi số thành công.

Thêm nữa, nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com sẽ hỗ trợ các nhà bán hàng bằng các công cụ tiếp thị, như RFQ, trưng bày giới thiệu sản phẩm, KWA, cùng với dịch vụ đa ngôn ngữ và triển lãm thương mại trực tuyến… để giới thiệu sản phẩm đến nhiều người hơn và nhận được đơn đặt hàng từ người mua. Khi giao dịch thành công, các giải pháp hậu cần cũng được hỗ trợ nhanh chóng và thuận tiện.

Xin ông cho biết các hoạt động sắp tới của Alibaba.com tại Việt nam nhằm thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới và hậu Covid-19?

Ưu tiên của Alibaba.com Việt Nam trong năm 2022 là tiếp tục hỗ trợ các DNVVN Việt Nam khám phá các cơ hội kinh doanh trực tuyến toàn cầu, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi kỹ thuật số để biến những bất ổn của đại dịch thành sự ổn định.

Năm nay, Alibaba.com đẩy mạnh phát triển mô hình kinh doanh bền vững do nhu cầu của nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng thương mại xuyên biên giới thông qua TMĐT B2B sẽ mang lại cơ hội và tạo điều kiện cho nhiều DNVVN Việt Nam phục hồi và thậm chí có được sự tăng trưởng bền vững liên tục.

Để trả lời câu hỏi này, Alibaba.com xác định 3 mục tiêu tại Việt Nam trong thời gian tới. Thứ nhất, đến năm 2025 sẽ cung cấp các giải pháp kỹ thuật số cho hơn 10.000 DNVVN Việt Nam xuất khẩu thành công thông qua nền tảng.

Thứ hai, nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bằng cách giảm bớt rào cản cho các doanh nghiệp xuất khẩu và phát triển nguồn nhân lực có kiến thức và năng lực trong thương mại điện tử xuyên biên giới. Để làm được điều này, chúng tôi đang tăng cường đào tạo nhân lực, chất lượng dịch vụ khách hàng để khi doanh nghiệp tham gia vào Alibaba.com, có thể sử dụng toàn bộ các tiện ích của nền tảng.

Và cuối cùng, cũng khá quan trọng đó là quảng bá và nâng tầm thương hiệu Việt Nam trên thế giới bằng cách sử dụng các giải pháp kỹ thuật số như triển lãm thương mại trực tuyến, phát trực tiếp livestream. Như gần đây các doanh nghiệp về nông nghiệp Việt Nam phát trực tiếp và thành công trong việc bán các loại rau quả.

Chúng tôi tin rằng, hình thức này sẽ mang lại thành công khi áp dụng đối với thị trường quốc tế nếu nhà cung cấp sử dụng công cụ dịch tự động (AI) (sang 17 ngôn ngữ chính trên toàn thế giới) vào sản phẩm của mình.

Đánh giá của ông về tiềm năng xuất khẩu trực tuyến qua các nền tảng TMĐT của các DN VVN Việt Nam? Và theo ông ngành hàng nào sẽ "lên ngôi" sau đại dịch?

Dưới tác động của đại dịch, hành vi của người mua B2B truyền thống đã nhanh chóng thay đổi sang trực tuyến. Chỉ trong vòng 1 năm (từ tháng 9/2019 đến 9/2020), người mua trên Alibaba.com đã tăng 84% và GMV tăng hơn 110%. Trong số tất cả các ngành hàng, nông nghiệp và ăn uống (F&B) luôn nằm trong top những ngành có người bán tích cực nhất trên Alibaba.com Việt Nam. Những con số này cho thấy giao dịch quốc tế trên nền tảng Alibaba.com ngày càng tăng cao.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, cơ hội của F&B trên Alibaba.com là rất lớn. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm theo khảo sát là 20%. Người mua tăng 40% mỗi năm. Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có nhu cầu cao nhất với mức tăng trưởng 10% và nhu cầu của Nam Phi tăng hơn 70% so với năm ngoái. Tuy nhiên, ngành hàng này hiện đang bị thiếu hụt nguồn cung. Do đó, đây đang là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng Alibaba.com.

Xin cảm ơn ông!

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên