MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kẻ săn kho báu trong thùng rác: Từ cử nhân luật đến người ‘nhặt rác kiếm sống’, phá vỡ khuôn mẫu xã hội để lập nghiệp độc lạ

13-04-2022 - 15:02 PM | Tài chính quốc tế

Kẻ săn kho báu trong thùng rác: Từ cử nhân luật đến người ‘nhặt rác kiếm sống’, phá vỡ khuôn mẫu xã hội để lập nghiệp độc lạ

Wu Kaisi được nuôi dạy trưởng thành để trở thành một công chức điển hình ở Trung Quốc với cuộc sống ổn định. Nhưng anh từ bỏ tất cả để theo đuổi lý tưởng “nhặt rác kiếm sống”

Wu Kaisi chia sẻ rằng cha mẹ anh nói anh là nỗi ô nhục của gia đình. Anh nhắc lại lời cha mẹ mình: "Nổi tiếng từ việc thu gom phế liệu cũng xấu hổ như nổi tiếng từ việc khoả thân chạy trên phố".

Năm 2014, Wu lần đầu tiên được nhiều người ở Trung Quốc biết đến sau khi anh thực hiện hành trình đi bộ 1.800 km từ Quảng Châu đến Thành Đô chỉ với một đôi dép lê. Nhưng chính việc thu gom phế liệu đã trở thành một nghề kiếm sống và phần nào khiến anh nổi tiếng khắp Trung Quốc.

Một trong những lý do Wu thu hút được sự chú ý của nhiều người vì anh là một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học. Lý lịch của anh dường như không phù hợp với một người đi nhặt "rác" kiếm sống. Sáu năm trước, Wu tốt nghiệp trường luật thuộc Đại học Công nghệ Hoa Nam danh tiếng ở Quảng Châu.

Wu nói: "Cha mẹ muốn tôi trở thành một nhân viên công chức làm việc trong hệ thống, giống như nhiều bậc phụ huynh trong các gia đình truyền thống phía bắc Trung Quốc".

Kẻ săn kho báu trong thùng rác: Từ cử nhân luật đến người ‘nhặt rác kiếm sống’, phá vỡ khuôn mẫu xã hội để lập nghiệp độc lạ - Ảnh 1.

Niềm đam mê sưu tầm đồ cũ của Wu trở thành một công việc kinh doanh. Ảnh: Wu Kaisi.

Thay vào đó, người ta thường thấy Wu đào bới những đống đồ bỏ đi hoặc săn tìm "kho báu" tại các chợ trời gần nhà ở Quảng Châu vào mỗi sáng thứ Bảy và tối thứ Hai.

Nhưng đây không chỉ là cách anh kiếm tiền. Anh ấy đang cố gắng xây dựng lại nền văn hoá Trung Quốc, nơi chấp nhận và đón nhận thương mại đồ cũ, giống như chợ trời và garage sales (hàng hoá bày bán trong nhà để xe) phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia khác trên thế giới.

Đam mê "nảy mầm" từ một kỳ nghỉ

Niềm đam mê thu thập phế liệu và đồ cũ của Wu được khơi dậy từ chuyến đi 2 tháng đến Mỹ trong năm cuối đại học.

Wu kể lại rằng anh không tốn tiền thuê chỗ ở vì anh có thể ở tại sân bay, bến xe buýt hoặc công viên. Vì anh có kế hoạch du lịch bụi nên việc tìm một tiệm giặt là rất khó khăn. Do đó, Wu tìm đến chợ trời địa phương để mua những thứ cần thiết với giá siêu rẻ. Những đồ này có thể bỏ đi khi chúng bị bẩn.

Wu rất ngạc nhiên về cách các chợ đồ cũ của Mỹ phát triển. Anh bắt đầu tự hỏi tại sao anh không bắt gặp điều tương tự ở Trung Quốc. Wu giải thích: "Tôi đã sống ở Trung Quốc hơn 20 năm và không biết gì về chợ trời. Hầu như không có thông tin về chợ trời trên internet Trung Quốc".

Khi trở về Trung Quốc vào năm 2015, Wu bắt đầu tìm kiếm các khu chợ trời ở Quảng Châu, nơi anh sống. Tuy nhiên, quảng cáo gần đây nhất anh có thể tìm thấy là từ 8 năm trước. Một người cho biết rằng khu chợ đã đóng cửa.

Thay vì chán nản, Wu bắt đầu mở rộng tìm kiếm. Anh tìm thấy 30 địa điểm không chính thức, chẳng hạn như phía sau một khách sạn, hoặc gần một bến xe buýt. Cuối cùng, Wu phát hiện hàng chục khu chợ trời tương đối sôi động ở Quảng Châu.

Wu chia sẻ rằng toàn thân anh nổi da gà khi lần đầu tiên nhìn thấy chợ trời. Anh ngay lập tức đắm chìm vào khu chợ như thể có ma lực thu hút.

Wu lớn lên trong một gia đình thu nhập thấp. Hầu hết các vật dụng trong nhà đều là đồ cũ. Anh thừa nhận rằng thiết bị đã qua sử dụng thường hay có vấn đề. Nhưng những bất tiện đó trở thành những kỷ niệm nhắc nhở anh sống tiết kiệm. Chúng cũng góp phần tạo nên mối quan hệ đặc biệt của anh với những khu chợ trời.

Trong năm cuối đại học, Wu phát triển sở thích sưu tầm đồ cũ sau một thời gian tham quan các khu chợ ở Quảng Châu.

Kẻ săn kho báu trong thùng rác: Từ cử nhân luật đến người ‘nhặt rác kiếm sống’, phá vỡ khuôn mẫu xã hội để lập nghiệp độc lạ - Ảnh 2.

Trước và sau khi Wu cải tạo cửa hàng của mình. Ảnh: Wu Kaisi

Từ một nhà sưu tập, anh chuyển sang việc bán những món đồ để kiếm sống sau khi tốt nghiệp.

Wu cho biết: "Ban đầu, tôi còn do dự khi bán, nhưng thời gian trôi qua, tôi nhận ra rằng ‘nhìn thấy là đã nhận được’. Tôi đã trở nên thoải mái hơn khi bán các món hàng".

Giờ đây, sở thích của anh đã trở thành một công việc kinh doanh hiệu quả. Anh thường kiếm được từ 10.000 đến 15.000 nhân dân tệ (1.500 - 2.300 USD) mỗi tháng.

Nhà để xe, được gọi là "Kho đồ cũ Yongxu", nằm trong một khu thương mại của Quảng Châu và mở cửa công khai. Để ngăn những người không thực sự yêu thích những món đồ cũ, mọi người cần trả một khoản phí 9 nhân dân tệ (1,40 USD) khi vào Kho.

Cơ hội mở mang hiểu biết và gặp gỡ nhiều người từ công việc

Kẻ săn kho báu trong thùng rác: Từ cử nhân luật đến người ‘nhặt rác kiếm sống’, phá vỡ khuôn mẫu xã hội để lập nghiệp độc lạ - Ảnh 3.

Wu cho biết chỉ cần nhìn qua anh cũng có thể biết những món đồ nào có giá trị. Ảnh: Wu Kaisi.

Công việc đã cho phép Wu gặp gỡ nhiều người và lắng nghe nhiều câu chuyện thú vị trong suốt 7 năm.

Anh nhớ lại lần anh đã mua một túi thư của một người phụ nữ tên là Zhu Min. Chiếc túi chứa những bức thư cô nhận được khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Nó giống như nhìn vào một phần cuộc đời của một ai đó.

Wu đã chia sẻ một bức thư trên nền tảng mạng xã hội của mình. Và rồi thật tình cờ người phụ nữ họ Zhu đã phát hiện ra lá thư. Sau đó, cô Zhu đã liên hệ với anh để hỏi xem liệu cô ấy có thể mua lại chúng hay không.

Wu đã mời cô đến cửa hàng của mình và trả lại những lá thư mà không lấy tiền. Wu cho biết anh thích sưu tập những bức thư nhưng không bao giờ bán chúng. Wu nói: "Những kỷ niệm này là vô giá và không thể đo được bằng tiền. Thật là một may mắn lớn khi tôi có thể trả lại chúng cho chủ nhân đích thực của chúng".

Niềm tin vào con đường đúng đắn đã lựa chọn

Nhiều người tìm đến Wu qua sự nổi tiếng của anh ấy hoặc được bạn bè giới thiệu. Một số người thậm chí còn mời Wu đến nhà của họ để phân loại đồ đạc của những thành viên gia đình vừa qua đời. Điều này được coi là xui xẻo trong văn hóa Trung Quốc.

Wu nói: "Tôi nghĩ cái chết là điều tự nhiên nhất trên thế giới và tôi không ngại lấy những thứ đó. Có cả linh vị, bia mộ, và thậm chí cả bình đựng tro trong bộ sưu tập của tôi".

Wu thu thập món đồ dựa trên chất liệu, kỹ thuật thủ công, thiết kế và lịch sử của chúng. Anh cho biết sau nhiều năm thực hành, anh có thể phân biệt được món đồ nào có giá trị trong vòng 3 giây. Ngoài ra, anh còn thu thập đồ vật dựa trên cảm xúc mà chúng mang lại.

Anh cũng săn lùng các vật dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày, lục tung các thùng rác và phế liệu để thu thập đồ cho nhu cầu sinh hoạt như áo sơ mi, tất, giày dép, dầu gội đầu và xà phòng. Anh khẳng định mình đã không mua bất kỳ bộ quần áo mới nào kể từ năm cuối đại học.

Wu nói: "Hàng trăm nghìn món đồ cũ đã qua tay tôi trong 7 năm, và nếu có thứ mà tôi trân trọng nhất, thì đó sẽ luôn là thứ tiếp theo vì nó khiến tôi khao khát khám phá".

Kẻ săn kho báu trong thùng rác: Từ cử nhân luật đến người ‘nhặt rác kiếm sống’, phá vỡ khuôn mẫu xã hội để lập nghiệp độc lạ - Ảnh 4.

Có một sự hoài niệm đặc biệt trong những món đồ cũ. Ảnh: Wu Kaisi

Ước mơ của Wu là được đi thăm các khu chợ trời trên khắp thế giới và học hỏi thêm từ các nước khác cách phát triển văn hoá chợ trời ở Trung Quốc. Anh tin rằng thị trường hàng hoá qua sử dụng ở Trung Quốc vẫn còn sơ khai.

Theo quan điểm của Wu, những gì anh ấy đang làm không chỉ là một trò tiêu khiển và anh hy vọng nền văn hóa này có thể phát triển. Anh tin rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho cả đất nước. Anh giải thích rằng Trung Quốc còn nhiều người nghèo cần đến hàng hoá giá rẻ.

Mặc dù bố mẹ Wu có thể không tán thành sự lựa chọn của anh trong cuộc sống, doanh nhân trẻ này tự tin rằng anh đã tìm thấy con đường đúng đắn.

Theo SCMP

https://cafef.vn/ke-san-kho-bau-trong-thung-rac-tu-cu-nhan-luat-den-nguoi-nhat-rac-kiem-song-pha-vo-khuon-mau-xa-hoi-de-lap-nghiep-doc-la-20220412165449123.chn

Khánh Ly

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên