MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kẻ thắng người thua - Đại dịch đang khiến kinh tế thế giới phân hóa một cách sâu sắc!

18-10-2020 - 10:14 AM | Tài chính quốc tế

Sự đổ vỡ đã xảy ra đồng thời. Tuy nhiên, khi quá trình phục hồi diễn ra, có một khoảng cách lớn về năng lực giữa các quốc gia — và điều này có thể sẽ dẫn tới việc định hình lại trật tự kinh tế thế giới.

 Vào tháng 2, đại dịch covid-19 đã tấn công nền kinh tế thế giới bằng một cú sốc lớn nhất kể từ sau thế chiến thứ thứ hai. Tình trạng phong tỏa và sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng đã dẫn đến sự sụp đổ của thị trường lao động, trong đó tương đương gần 500 triệu công việc cố định biến mất gần như chỉ sau một đêm. Thương mại thế giới rung chuyển khi các nhà máy đóng cửa và các quốc gia đóng cửa biên giới. 

Thậm chí, một thảm họa kinh tế còn tồi tệ hơn đã tránh được chỉ nhờ vào những biện pháp can thiệp chưa từng có vào thị trường tài chính bởi các ngân hàng trung ương, cùng với viện trợ của chính phủ dành cho người lao động và các doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản, điều này dẫn tới thâm hụt ngân sách mở rộng đến gần mức thời chiến tranh.

Sự đổ vỡ đã xảy ra đồng thời. Tuy nhiên, khi quá trình phục hồi diễn ra, có một khoảng cách lớn về năng lực giữa các quốc gia — và điều này có thể sẽ dẫn tới việc định hình lại trật tự kinh tế thế giới. Vào cuối năm tới, theo dự báo của OECD, nền kinh tế của Mỹ sẽ có quy mô bằng năm 2019 nhưng Trung Quốc sẽ phát triển thêm 10%. Châu Âu vẫn sẽ suy yếu và ở dưới mức trước đại dịch và tình trạng này có thể kéo dài nhiều năm – Nhật Bản có thể cũng sẽ cùng chia sẻ số phận như thế này, với vị thế là quốc gia đang phải chịu sức ép về nhân khẩu học. 

Nó không chỉ là câu chuyện về các khối kinh tế lớn nhất đang phát triển với tốc độ khác nhau. Trong quý 2 năm nay, theo ngân hàng UBS, chênh lệch tỷ lệ tăng trưởng của 50 nền kinh tế đã mở rộng nhất trong ít nhất 40 năm trở lại đây.

Sự khác biệt này là kết quả của sự khác nhau giữa các quốc gia. Quan trọng nhất là tốc độ lây lan của dịch bệnh. Trung Quốc đã ngăn chặn được chúng, trong khi châu Âu, và có lẽ sắp tới là cả Mỹ, vẫn đang chiến đấu với làn sóng thứ hai một cách tốn kém. Trong tuần qua, Paris đã đóng cửa các quán bar và Madrid đã phải tiến hành phong tỏa một phần. Trong khi đó, ở Trung Quốc, giờ đây bạn có thể tận hưởng những ly Sambuca trong các hộp đêm. 

Một điểm khác biệt nữa là cấu trúc nền kinh tế đã tồn tại từ trước. Việc vận hành các nhà máy trong điều kiện giãn cách xã hội sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc vận hành các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ mà chủ yếu dựa vào các hoạt động tiếp xúc trực tiếp. Sản xuất chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế Trung Quốc so với bất kỳ quốc gia lớn nào khác. 

Yếu tố thứ ba là việc phản ứng với chính sách. Điều này một phần là vấn đề về quy mô: Mỹ đã bơm nhiều kích thích vào nền kinh tế hơn châu Âu, bao gồm duyệt chi trị giá tới 12% GDP và cắt giảm 1,5 phần trăm lãi suất ngắn hạn. Nhưng chính sách cũng bao gồm cách mà các chính phủ ứng phó với những thay đổi mang tính cấu trúc và sự tàn phá mà đại dịch đang gây ra.

Những điều chỉnh này sẽ rất lớn. Đại dịch sẽ khiến các nền kinh tế trở nên ít toàn cầu hóa hơn, chú trọng vào số hóa nhiều hơn và bất bình đẳng hơn. Khi các quốc gia cắt giảm rủi ro trong chuỗi cung ứng và khai thác tự động hóa, các nhà sản xuất sẽ đưa sản xuất về gần quốc gia của mình hơn. Khi nhân viên văn phòng tiếp tục làm việc trong nhà bếp và phòng ngủ của họ trong ít nhất một khoảng thời gian trong tuần, thì những người lao động được trả lương thấp hơn, những người trước đây làm bồi bàn, dọn dẹp và trợ lý bán hàng, sẽ đi tìm kiếm công việc mới tại các vùng ngoại ô. Cho đến khi họ làm như vậy, họ có thể phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài. Ở Mỹ, tình trạng mất việc làm cố định đang gia tăng ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống.

Khi hoạt động được chuyển sang trực tuyến nhiều hơn, hoạt động kinh doanh sẽ bị chi phối nhiều hơn bởi các công ty có sở hữu các tài sản mang hàm lượng chất xám tiên tiến cùng kho dữ liệu lớn nhất; Sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ trong năm nay đã mang đến cảm giác điều gì sắp xảy ra, cũng như sự bùng nổ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Và lãi suất thực tế thấp sẽ giữ giá tài sản cao ngay cả khi các nền kinh tế vẫn trong trạng thái yếu kém. 

Điều này sẽ mở rộng khoảng cách giữa Phố Wall và Phố Chính vốn xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đã trở nên tồi tệ hơn trong năm nay. Thách thức đối với các chính phủ dân chủ sẽ là thích ứng với tất cả những thay đổi này trong khi vẫn duy trì sự đồng thuận của công chúng đối với các chính sách của chính phủ cũng như với thị trường tự do.

Đó không phải là mối lo ngại đối với Trung Quốc, quốc gia cho đến nay dường như đang trỗi dậy sau giai đoạn đại dịch một cách mạnh mẽ nhất - ít nhất là trong ngắn hạn. Nền kinh tế của quốc gia này đã phục hồi nhanh chóng. Vào cuối tháng này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nhất trí về một kế hoạch 5 năm mới với trọng tâm là  mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước công nghệ cao của chủ tịch Tập Cận Bình và gia tăng khả năng tự sản xuất của mình. 

Tuy nhiên, virus đồng thời cũng phơi bày những lỗ hổng mang tính dài hạn trong bộ máy kinh tế của Trung Quốc. Nền kinh tế này không có mạng lưới an sinh xã hội đáng kể và trong năm nay đã phải tập trung các gói kích thích kinh tế cho các doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng hơn là nâng cao thu nhập hộ gia đình. Và về lâu dài, hệ thống giám sát và kiểm soát nhà nước của quốc gia này, vốn khiến cho các biện pháp phong tỏa cực đoan có thể xảy ra, có khả năng sẽ cản trở quá trình ra quyết định cũng như sự di chuyển tự do của người dân và những ý tưởng duy trì sự đổi mới và nâng cao mức sống.

Khu vực châu Âu đang tụt lại về sau. Cách mà khu vực này phản ứng với những rủi ro của đại dịch đang phá hủy các nền kinh tế của khu vực, thay vì để tự bản thân cac quốc gia này điều chỉnh. Trong năm nền kinh tế lớn nhất của khu vực, 5% lực lượng lao động vẫn làm việc các công việc mang tính chất ngắn hạn, trong đó chính phủ trả tiền cho họ để chờ đợi việc làm trở lại và cũng có thể công việc sẽ không bao giờ quay trở lại. Ở Anh, tỷ lệ này cao gấp đôi. 

Trên khắp lục địa, các quy định về phá sản bị đình chỉ, sự trì hoãn trả nợ ngầm của các ngân hàng và dòng lũ viện trợ tự do của chình phủ có thể kéo dài tuổi thọ của các công ty "vật vờ" mà đáng lẽ đã được cho phá sản. Điều này càng đáng lo ngại hơn vì trước cuộc khủng hoảng, các quốc gia Pháp và Đức đã áp dụng một chính sách về công nghiệp nhằm thúc đẩy các công ty hàng đầu của các quốc gia này. Nếu châu Âu coi đại dịch là một lý do nữa để nuôi dưỡng mối quan hệ ấm cúng giữa chính phủ và các doanh nghiệp hàng đầu, thì sự suy thoái trong dài hạn của các quốc gia này có thể tăng nhanh hơn.

Một quốc gia cần phải đặt hoài nghi là Hoa Kỳ. Trong phần lớn thời gian của năm, quốc gia này đạt được một sự cân đối thỏa đáng trong các chính sách. Những chính sách đã cung cấp một mạng lưới an toàn mang tính rộng rãi hơn cho những người thất nghiệp và các gói kích thích lớn hơn những gì có thể mong đợi tại quốc gia sân nhà của chủ nghĩa tư bản. Một cách khôn ngoan, điều này cũng cho phép thị trường lao động điều chỉnh và đồng thời cho thấy Hoa Kỳ ít có xu hướng như khối châu Âu trong việc cứu trợ các công ty có nguy cơ khi nền kinh tế thay đổi. Vì vậy, một phần kết quả đạt được, không giống như châu Âu, là Hoa Kỳ đã tạo ra nhiều việc làm mới.

Thay vào đó, điểm yếu của Mỹ là ở nền chính trị độc hại và chia rẽ. Tổng thống Donald Trump dường như từ bỏ các cuộc đàm phán về việc gia hạn các biện pháp kích thích nền kinh tế, điều này có nghĩa là nền kinh tế có thể rơi thảm cảnh tài khóa cạn kiệt. Những chính sách cải cách quan trọng, cho dù là tái thiết kế lại mạng lưới an toàn cho một nền kinh tế được thúc đẩy bởi công nghệ hay cải thiện thâm hụt ngân sách bằng một lộ trình bền vững, đều là bất khả thi trong khi mà cả hai đảng phái của Hòa Kỳ đều xác định thỏa hiệp là điểm yếu. Covid-19 đang áp đặt một hiện trạng kinh tế mới. Mọi quốc gia sẽ được kêu gọi thích ứng, nhưng với Mỹ thì họ sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Nếu muốn lãnh đạo thế giới hậu đại dịch, quốc gia này sẽ cần phải thiết lập lại nền chính trị của mình.

Lục Trúc

Tổ Quốc

Trở lên trên