Kẻ thắng người thua khi giá dầu và hàng hoá tăng
Những ai phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, nguyên liệu sẽ gặp vô số khó khăn trong việc phục hồi kinh tế, chống lạm phát trong khi các cường quốc xuất khẩu lại mở cờ trong bụng.
- 11-03-2021Thị trường ngày 11/3: Giá dầu bật tăng trở lại, vàng cao nhất 1 tuần, sắt thép tiếp tục giảm mạnh
- 08-03-2021Giá dầu vượt ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ đầu đại dịch Covid-19
Thế giới đang bước đầu thoát khỏi đại dịch Covid-19 là tin tốt cho các nền kinh tế. Tuy nhiên, hậu quả của nó là sự tăng giá chóng mặt của năng lượng, kim loại và thực phẩm. Một số nền kinh tế được hưởng lợi từ điều này, trong khi một số khác đã khó lại càng thêm khó.
Giá dầu đã tăng 75% kể từ đầu tháng 11/2020 khi các nền kinh tế bắt đầu mở rộng tiêm vaccine ngừa Covid-19 và "mở cửa" trở lại. Đồng - loại vật liệu quan trọng bậc nhất để chế tạo thiết bị, công cụ - đang giao dịch ở mức cao chưa từng thấy trong một thập kỷ qua. Giá thực phẩm cũng tăng đều kể từ tháng 5/2020.
Tăng, tăng và tăng
Đây là tín hiệu tích cực cho các nước xuất khẩu. Dòng tiền đổ về các gã khổng lồ năng lượng như Ả-rập Saudi và Nga. Tuy nhiên, luôn có 2 mặt của một vấn đề. Một số quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu đang cảm thấy "khó thở" trên thị trường trái phiếu và tiền tệ. Giá nhiên liệu tăng khiến lãnh đạo công ty dầu khí quốc gia Brazil mất việc. Nó khiến Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới phải kêu gọi OPEC tăng lượng sản xuất dầu. Nó cũng đẩy tỷ lệ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ lên mức trên 15%.
Ấn Độ kêu gọi OPEC tăng lượng sản xuất dầu.
Goldman Sachs và nhiều gã khổng lồ tài chính phố Wall đang nói về một "siêu chu kỳ" mới. Ở đó, bóng ma lạm phát sẽ trở lên tệ hại hơn - và các quốc gia giàu có cũng không miễn nhiễm. Chính phủ Anh đã phải tạm dừng tăng thuế xăng dầu để không gây ảnh hưởng đến ngành vận tải. Tại Mỹ, các công ty dầu khí có thể được hưởng lợi nhưng những người khác - bao gồm các tỷ phú công nghệ lại gặp khó khăn. Elon Musk đã yêu cầu thợ mỏ khai thác thêm niken - loại kim loại cần để sản xuất pin cho xe điện Tesla.
Kẻ thắng
Tình trạng phong toả cùng cuộc suy thoái hàng hoá đã gây nhức nhối cho Australia. Chính phủ nước này kỳ vọng vào một cuộc lột xác vào năm 2021. Doanh số quặng sắt – mặt hàng xuất khẩu hàng đầu nước này – đạt kỷ lục vào tháng 12/2020 trong khi giá lúa mì đang tăng dần còn nhu cầu thịt bò cũng tăng vọt. Tỷ giá đồng AUD của Australia tăng 5% so với USD kể từ cuối tháng 11.
Australia cũng gặp một vài rào cản, chẳng hạn xung đột ngoại giao khiến Trung Quốc chặn hàng hoá Australia, từ than đá đến đồng, rượu vang, tôm hùm.
Chile – nhà xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới – cũng thể hiện sức mạnh trên thị trường tài chính. Đồng peso là đồng tiền duy nhất tại Mỹ Latin tăng giá so với USD trong 3 tháng qua. Thị trường chứng khoán Chile cũng là một trong những thị trường sôi động nhất thế giới. Khi các nhà máy tại Trung Quốc hoạt động trở lại sau nghỉ Tết Nguyên đán, giá kim loại đỏ tăng trên 4 USD/pound (lần đầu tiên trong khoảng 10 năm qua), tình hình tài chính của Chile được cải thiện mạnh. Xuất khẩu đồng đạt 3,9 tỷ USD trong tháng 2, tăng 42% so với một tháng trước đó.
Tương tự là Zambia, quốc gia dựa vào xuất khẩu đồng (chiếm 80% giá trị xuất khẩu). Đây là quốc gia đầu tiên công bố vỡ nợ sau khi đại dịch bùng phát. Họ đang phải nhận gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cơ cấu các khoản vay từ Trung Quốc và ngăn chặn giá lương thực tăng cao.
Zambia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu đồng.
Năm 2020, tất cả các nước khai thác dầu khí đều thiệt hại, nổi bật nhất là Iraq. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế nước này sụt giảm khoảng 11%, nhiều hơn so với hầu hết nước xuất khẩu dầu lớn khác. Chính phủ không thể trả lương đúng hạn cho giáo viên, công chức. Người dân Iraq xuống đường phản đối việc cắt điện, bệnh viện xập xệ, đường xá đổ nát và tình trạng thiếu việc làm.
Khi thị trường dầu thô khởi sắc, doanh thu tài khoá hàng tháng của Iraq đã tăng lên 5 tỷ USD so với mức 2 tỷ USD trong các tháng của quý II/2020. Mặc dù vậy, mức này vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức cần thiết kể cân bằng ngân sách nhà nước.
Kẻ thua
Trung Quốc có thể sản xuất mọi thứ, từ dầu mỏ, kẽm đến thực phẩm nhưng cũng là người mua hàng quan trọng nhất. Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khỏi đại dịch là một trong những lý do chính khiến giá năng lượng, kim loại và hàng hoá nông nghiệp tăng trong thời gian này. Tuy nhiên, vấn đề an ninh lương thực và giá thịt lợn luôn là chủ đề nóng với Trung Quốc. Chính phủ nước này đã công bố một lộ trình 5 năm để thúc đẩy sản xuất cây trồng, vật nuôi.
Là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà nhập khẩu dầu, Ai Cập thiệt hại nặng nề bất cứ khi nào giá hàng hoá tăng. Chính phủ của Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi đang cố gắng kiềm chế lạm phát. Ai Cập tự bảo vệ mình trước tình trạng giá dầu tăng bằng cách mua nhiều hợp đồng bảo hiểm rui ro. Tuy nhiên, GDP sẽ chỉ phục hồi 2,9% trong năm nay, theo khảo sát của Bloomberg. Mức này thấp bằng 1 nửa mức dự kiến của kinh tế toàn cầu.
Nhiều người dân Ai Cập đang phải sống bằng bánh mì trợ cấp của chính phủ.
Giá thực phẩm và nhiên liệu cao đã gây ra bất ổn xã hội tại Pakistan khi các đảng đối lập tổ chức biểu tình trên toàn quốc kêu gọi thủ tướng Imran Khan từ chức. Chính phủ đã phản ứng bằng cách tăng lương cho nhân viên nhà nước lên 25% vào tháng trước.
Tác động của việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh, hạn chế tiếp xúc xã hội sẽ trầm trọng hơn nếu giá hàng hoá tiếp tục leo thang. Pakistan hầu như không sản xuất dầu hoặc khoáng sản.
Cộng hoà Dominica là nền kinh tế lớn nhất trong vùng Caribe. Giá nhiên liệu tăng khiến ngành du lịch của nước này chưa kịp phục hồi đã gặp cản trở lớn. Quốc gia 11 triệu dân này phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài xăng, dầu diesel, họ còn phải vận chuyển khí đốt thự nhiên, than đá, dầu nhiên liệu để sản xuất năng lượng.
Nguồn tham khảo: Bloomberg.