Kế toán số 4.0: Ứng dụng công nghệ, tăng tốc hội nhập quốc tế
Ngày 25/6, hội thảo trực tuyến "Phòng kế toán 4.0" - Nâng cao hiệu suất làm việc cùng các giải pháp công nghệ được tổ chức bởi UBot - Giải pháp tự động hoá xử lý hoá đơn nằm trong hệ sinh thái công nghệ tự động hoá akaBot.
Buổi hội thảo có sự tham gia chia sẻ của các diễn giả với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - kế toán: PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA); Ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư Vấn Thuế Trọng Tín, Ủy viên ban chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam; Ông Đỗ Thành Công - Giám đốc sản phẩm UBot - akaBot, FPT Software và hơn 2000+ khán giả xem trực tuyến.
Bối cảnh và xu hướng tương lai ngành kế toán
Mở đầu buổi hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đưa ra nhận định tổng quát về câu chuyện kế toán trên toàn cầu với khái niệm "kế toán là nghệ thuật của sự ghi chép". Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập, toàn cầu hoá, nền kinh tế tri thức đang dần xoay chuyển với tốc độ nhanh chóng để thích ứng với thời đại khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghệ số 4.0. Từ góc độ của các nhà quản trị doanh nghiệp, hoạch định chính sách tài chính và các nhà điều hành kinh tế, các hoạt động kế toán không chỉ đơn thuần là ghi chép và nhập liệu dữ liệu mà "kế toán là ngôn ngữ của kinh doanh", đòi hỏi các con số tài chính là những con số biết nói.
Đón đầu xu hướng cách mạng công nghệ 4.0, nhiều sản phẩm, giải pháp khoa học-công nghệ được phát triển theo chuẩn mực quốc tế và áp dụng lên hoạt động khối kế toán bao gồm: Internet kết nối vạn vật (IoT); Điện toán đám mây (cloud computing); Trí tuệ nhân tạo (AI); Blockchain; Bigdata. Những thành tựu công nghệ này có tác động to lớn đến ngành kế toán, đặc biệt là trong quy trình vận hành và phương pháp xử lý kế toán. Theo đó, các giải pháp KH-CN giúp kế toán cải thiện năng suất và tối ưu việc xử lý dữ liệu từ xa, đồng thời tạo ra các chức năng mới như tư vấn, quản lý, quản trị và phân tích dữ liệu.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng tích cực đẩy mạnh ban hành chiến lược phát triển ngành kế toán tài chính nhiệm vụ đến 2030 - Tầm nhìn 2045, trọng tâm hướng đến chuyển đổi số phòng kế toán doanh nghiệp. Cụ thể, Việt Nam sẽ nhanh chóng hoàn thiện các khung pháp lý về kế toán, xây dựng báo cáo tài chính Việt Nam VFRS theo lộ trình. Chính phủ đòi hỏi doanh nghiệp Việt ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và nâng cao tính chuyên nghiệp của kế toán, yêu cầu cao hơn về kiến thức, năng lực, kỹ năng, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh: "Các doanh nghiệp Việt cần đổi mới quy trình kế toán, tập trung triển khai các thành tựu công nghệ số, hướng đến kế toán số 4.0 và bứt tốc hoàn thành chuyển đổi số doanh nghiệp, đáp ứng với các nghị định, thông tư mới của Chính Phủ như Nghị định 123, thông tư 78…"
Thực trạng chuyển đổi số và giải pháp gỡ rối
Không thể phủ nhận, bộ phận kế toán đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận hành, quản lý và cung cấp dữ liệu tài chính cho doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ cho bộ phận kế toán sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất, cắt giảm chi phí và cung cấp thông tin nhanh chóng để doanh nghiệp kịp thời ra quyết định điều hành. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp đang loay hoay trong bài toán chuyển đổi số bởi thói quen và quan điểm "theo lối mòn" trong điều hành quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí cho việc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ cũng là rào cản để doanh nghiệp tiếp cận do phải đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư, đào tạo cho nhân sự cũng như chi phí vận hành và bảo trì, bảo dưỡng. "Thách thức đáng kể nhất là cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đồng bộ và khoa học dẫn đến những rủi ro tiềm tàng, gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp" - Ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư Vấn Thuế Trọng Tín cho biết. Từ góc độ của kế toán viên vẫn mang tâm lý "ngại thay đổi", cả về tư duy và cách thức làm việc khi áp dụng công nghệ do cơ hội tiếp cận của nhân sự còn nhiều hạn chế.
Với kinh nghiệm đã triển khai và tư vấn cho hơn 1000 phòng kế toán của các doanh nghiệp, ông Đỗ Thành Công - Giám đốc sản phẩm UBot, akaBot (FPT Software) chia sẻ: "Với mục tiêu hội nhập quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp tại Việt Nam cần có sự chuyển mình kịp thời để thích nghi với thời cuộc và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tại Việt Nam có đến 70% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ SME, vì vậy, phát triển một hệ thống kế toán tự động, thay thế các nghiệp vụ thủ công tốn thời gian và dễ sai sót của kế toán, dễ sử dụng, không cần đầu tư hạ tầng và có chi phí phải chăng là lời giải tối ưu nhất cho các doanh nghiệp SME". Đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số được đánh giá là sự đầu tư dài hạn và có ý nghĩa quan trọng với sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0, góp phần làm tăng năng suất lao động từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường và tăng hiệu quả kinh doanh.
Ông Đỗ Thành Công - Giám đốc sản phẩm UBot, akaBot (FPT Software) chia sẻ về giải pháp UBot Invoice và cách thức vận hành
Daikin Việt Nam là một trong những khách hàng đồng hành cùng UBot từ những ngày đầu tiên, "khi chưa có Ubot Invoice, kế toán phải check thủ công hóa đơn đầu vào mất khoảng 2 phút/ 1 hóa đơn. Ứng dụng Ubot Invoice đã giúp chúng tôi giảm được 75% thời gian xử lý hóa đơn. Với số lượng hóa đơn đầu vào 1 năm khoảng hơn 40 nghìn hóa đơn, chúng tôi tiết kiệm được 130 ngày làm việc/ năm" - Bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Giám Đốc Khối Tài Chính Kế Toán Daikin Việt Nam đánh giá cao những hiệu quả mà giải pháp UBot Invoice mang lại trong công cuộc chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
UBot hiện có giải pháp UBot invoice hỗ trợ kế toán viên tự động xử lý hơn 1000 hoá đơn đầu vào trong 15 phút, đã giúp nhiều doanh nghiệp tiết kiệm đến 80% chi phí vận hành doanh nghiệp, loại trừ 100% các sai sót thủ công và đặc biệt, tăng 60% năng suất của doanh nghiệp. Hướng tới một hệ sinh thái tự động hóa toàn diện cho phòng kế toán (https://ubot.vn/), với phương châm bỏ thủ công, làm tự động, ông Đỗ Thành Công cũng giới thiệu sản phẩm mới nhất vừa ra mắt là UBot ePayment - Tự động hoá quản lý đề nghị thanh toán và hứa hẹn sớm cho ra bộ giải pháp toàn diện dành riêng cho phòng Tài chính - Kế toán trong năm nay.