Kênh bơm tiền mới có khả năng dư thừa lớn?
Theo cơ chế hiện hành, kênh giao dịch này có đối tượng tham gia là các NHTM được NHNN xếp hạng theo mức độ an toàn (Ảnh minh họa)
Khả năng dư thừa lớn đặt ra khi tổng hạn mức dự kiến còn rất lớn so với mức độ hấp thụ của thị trường vừa qua.
- 05-09-2021Bắt đầu mở rộng “bơm tiền” trong tuần tới
- 10-08-2021Một lượng tiền lớn hơn 100.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường
- 05-08-2021Đánh dấu kênh “bơm tiền” mới
Kho bạc Nhà nước vừa công bố kết quả giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trong tháng 7 và 8, hai tháng đầu tiên khởi động kênh bơm tiền này sau phiên thí điểm vào 13/7.
Trong tháng 7, tháng đầu tiên triển khai, Kho bạc Nhà nước chỉ thực hiện giao dịch mua lại với kỳ hạn 14 ngày; tổng khối lượng giao dịch là 843,37 tỷ đồng; lãi suất bình quân là 1,28%/năm.
Nối tiếp sang tháng 8, đầu mối này đã mở rộng thêm các kỳ hạn dài hơn với tổng khối lượng giao dịch đạt 694,62 tỷ đồng; trong đó kỳ hạn giao dịch 14 ngày có tổng khối lượng giao dịch là 248,01 tỷ đồng, lãi suất bình quân là 1,05%/năm; kỳ hạn 21 ngày có khối lượng giao dịch là 346,94 tỷ đồng, lãi suất bình quân là 0,96%/năm; kỳ hạn giao dịch 01 tháng có khối lượng giao dịch là 99,67 tỷ đồng, lãi suất bình quân là 0,90%/năm.
Như vậy qua hai tháng đầu tiên mới chỉ có tổng cộng 1.538 tỷ đồng được Kho bạc Nhà nước bơm qua kênh mới này, trong đó phần lớn đã lần lượt đáo hạn do kỳ hạn ngắn.
Như BizLIVE cập nhật ở các thông tin vừa qua, đây là giai đoạn đầu Kho bạc Nhà nước thí điểm và từng bước triển khai hoạt động này. Tần suất đã chính thức bắt đầu mở rộng tất cả các ngày làm việc trong tuần từ đầu tháng 9 này, cũng như thực hiện đa dạng các kỳ hạn từ 7 ngày cho đến 3 tháng.
Tuy nhiên, với kết quả trên, quy mô tổng khối lượng giao dịch mới chỉ 1.538 tỷ đồng qua hai tháng nói trên bước đầu cho thấy sức hấp thụ và nhu cầu của thị trường còn hạn chế. Và so với 54.760 tỷ đồng dự kiến tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi cho kênh này mà Kho bạc Nhà nước đã tính toán riêng quý 3, khả năng dư thừa lớn đang đặt ra hoặc có thể dồn triển khai trong tháng 9.
Như trên, quy mô của kênh bơm tiền này còn phụ thuộc vào sức hấp thụ và nhu cầu của thị trường. Theo cơ chế hiện hành, kênh giao dịch này có đối tượng tham gia là các ngân hàng thương mại (trong danh sách được xếp hạng theo mức độ an toàn mà Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho Bộ Tài chính).
Ở thời điểm hiện tại nhu cầu đó có thể hạn chế khi vốn khả dụng của hệ thống có khả năng dư thừa, cân đối thanh khoản thuận lợi khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang ở vùng rất thấp với 0,6-0,9%/năm các kỳ hạn ngắn.
Dù vậy, sau hai tháng triển khai cũng như bắt đầu mở rộng tần suất và đa dạng kỳ hạn từ tháng 9 này, Kho bạc Nhà nước đã định hình một kênh bơm tiền mới trên thị trường, dẫn nguồn trực tiếp vào hệ thống các ngân hàng thương mại để họ có thêm lựa chọn.
Bizlive