Kết hôn giả để... xuất khẩu lao động "chui"
Với khát vọng đổi đời, mong có thu nhập cao, nhiều lao động ở Hà Tĩnh liều mình đi xuất ngoại "chui”. Hệ lụy đằng sau những lời hứa có cánh là tiền mất, nợ mang…
- 14-03-2019NLĐ có thể vay 100 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động
- 10-01-2019Phó Chủ tịch xã xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động?
- 10-06-2018"Dẹp loạn" xuất khẩu lao động
- 18-01-2018Có nên xuất khẩu lao động chất lượng cao khi trong nước vẫn thiếu?
Theo nhẩm tính của ông Hoàng Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), trong số 2.700 lao động của địa phương đang làm ăn ở nước ngoài thì có khoảng gần 1.500 lao động đi theo đường bất hợp pháp.
Đủ kiểu "xuất ngoại" chui
Ông Tiến cho biết: Ngoài thực trạng đổ vỡ hôn nhân, hiện xã đang đau đầu vì tình trạng kết hôn giả với người nước ngoài để hợp thức hóa con đường xuất ngoại. Phong trào này bắt đầu nở rộ ở Cương Gián từ những năm 2007. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm Cương Gián có khoảng 10 - 15 trường hợp kết hôn theo hình thức này.
"Không ít lao động kết hôn xong bay sang Hàn Quốc "vượt" ra làm việc thì bị bắt, trục xuất về nước mà chưa hoàn thành thủ tục ly hôn. Khi về địa phương vẫn lấy vợ, lấy chồng, làm đám cưới nhưng không thể đăng ký kết hôn. Con cái sinh ra phải khai sinh họ mẹ, thậm chí nhiều đứa trẻ sắp đến tuổi đi học, song vẫn chưa được khai sinh vì vướng phải thủ tục pháp lý" - một cán bộ xã Cương Gián thông tin thêm.
Việc kết hôn với người nước ngoài đang xảy ra phổ biến ở Cương Gián
Trường hợp của chị Hoàng Thị Th. (SN 1986, ở thôn Song Hải) là một ví dụ. Năm 2008, thông qua "cò", chị Th. sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động theo con đường du lịch. Cuối năm 2017, chị có ý định về Việt Nam rồi trở lại Hàn Quốc làm việc nhưng do là lao động bất hợp pháp nên để hợp thức hóa con đường quay lại "xứ sở Kim chi", chị Th. đã kết hôn giả với một nam thanh niên Hàn Quốc.
"Giữa năm 2018, tôi và nam thanh niên Hàn Quốc chính thức là vợ chồng. Không lâu sau đó tôi về Việt Nam lập gia đình, tuy nhiên không được cán bộ tư pháp xã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn vì hiện tại tôi đang có hôn nhân hợp pháp với người Hàn Quốc " - chị Th. nói.
Còn ở Lộc Hà, theo anh Nguyễn Tiến Dần - Bí thư Đoàn xã Thạch Kim: Tính đến đầu năm 2019, xã có gần 1.000 trường hợp đi xuất khẩu lao động ở các nước Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản... Tuy nhiên, trong số này chỉ có 300 người đi chính ngạch; số còn lại đi tự do, bất hợp pháp, chủ yếu thông qua kênh môi giới cá nhân, kết hôn giả hoặc đi du lịch.
Vỡ mộng đổi đời nơi đất khách
Tốt nghiệp THPT, không tham gia thi đại học hay học nghề như bao bạn bè cùng trang lứa mà Nguyễn Văn T. (xã Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) nuôi mộng đổi đời bằng con đường xuất ngoại. Trong lúc tìm kiếm cơ hội lập nghiệp ở nước ngoài, T. được "cò" lao động tìm đến tận nhà "tư vấn" sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc theo con đường du lịch.
Phía sau những đồng ngoại tệ gửi về để xây nhà cửa khang trang là những ngày làm việc cơ cực nơi đất khách quê người của các lao động.
Phía sau những đồng ngoại tệ gửi về để xây nhà cửa khang trang là những ngày làm việc cơ cực nơi đất khách quê người của các lao động.
Nhớ lại hành trình gian truân những ngày trên đất khách, T. vẫn chưa hết hoàn hồn: "Ban đầu họ đã vẽ ra biết bao là viễn cảnh tươi sáng, nào là việc nhẹ lương cao, được hưởng đầy đủ các chế độ của người lao động … Thế nhưng, thực tế lại trái ngược hoàn toàn.
Họ áp dụng những quy định rất khó thực hiện (đơn vị sử dụng lao động ở Đài Loan - P.V) khiến chúng tôi dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể đáp ứng. Quy định đặt ra chỉ phải làm việc tối đa 12 tiếng/ngày, nhưng ở đây chúng tôi thường phải làm 14 giờ, thậm chí nhiều hôm tận 16 giờ/ngày.
Để nhận đầy đủ mức lương như giao ước, ngoài việc phải đảm bảo đủ khối lượng công việc thì phải tuyệt đối không "vướng" nội quy. Thế nhưng, "chạy trời không khỏi nắng", cứ thế đồng lương vốn ít ỏi lại càng hao hụt thêm vì bị trừ dần qua các lần vị phạm.
Những ai trải qua giây phút ấy mới thấm thía được tình cảnh bị ngược đãi và những tháng ngày quần quật trên đất khách quê người. Song, là vì lao động bất hợp pháp nên chúng tôi cũng chẳng biết kêu ai".
Về thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim (Lộc Hà), trong ngôi nhà nhỏ, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là nam thanh niên tàn phế đang ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ kỹ. Chị Nguyễn Thị Mai (mẹ Nguyễn Văn Khánh) kể: "Khánh sinh năm 1993, là con trai đầu của gia đình. Sau khi học xong THCS, tháng 1/2014, Khánh theo người anh họ trốn sang Thái Lan trông giữ xe cho một nhà hàng. Một đêm đi làm về, không may Khánh bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não.
Chiếc xe gây tai nạn bỏ mặc, song vì là lao động bất hợp pháp nên gia đình cũng đành ngậm đắng nuối cay. Khánh được bạn bè đưa vào bệnh viện phẫu thuật, chi phí ca mổ và viện phí điều trị trong gần 1 tháng hết hơn 700 triệu đồng. Thương hoàn cảnh nghèo khó của Khánh, chủ nhà hàng cùng bạn bè đồng hương Việt Nam tại Thái Lan quyên góp, hỗ trợ được 200 triệu đồng. Hơn 500 triệu đồng còn lại, chúng tôi phải cầm cố nhà cửa cho ngân hàng để trả tiền đưa Khánh về quê chữa trị".
Từ một thanh niên khỏe mạnh, sau khi đi xuất khẩu lao động "chui" trở về, Nguyễn Văn Khánh không còn lành lặn, mang một món nợ chưa biết khi nào mới trả xong.
"Suốt từ đó đến nay, tháng nào gia đình cũng đưa con đến bệnh viện phục hồi chức năng một vài tuần để chữa trị. Việc để con ra nước ngoài lao động bất hợp pháp đã khiến gia đình phải hứng chịu bao nhiêu hệ lụy" - chị Mai nghẹn ngào.
Đây là 2 trong rất nhiều câu chuyện "dở khóc dở mếu" về những trường hợp lao động bất hợp pháp ở nước ngoài mà chúng tôi có dịp tiếp xúc.
Theo tìm hiểu, đa phần những trường hợp xuất khẩu lao động "chui" ở Hà Tĩnh thời gian qua thường đi bằng visa du lịch hoặc thăm người thân, du học, kết hôn giả, sau đó trốn ở lại làm việc nên cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Để ngăn chặn tình trạng xuất khẩu lao động "chui", thiển nghĩ, trước hết cần tăng cường công tác quản lý lao động tự do. Khi người dân xin xác nhận tờ khai làm hộ chiếu, chính quyền địa phương cần xem nắm bắt thông tin, mục đích việc xuất cảnh.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng thường xuyên phổ biến những vấn đề liên quan đến xuất khẩu lao động, danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu lao động được cấp phép trên địa bàn; các thị trường lao động, điều kiện, thủ tục, mức phí đối với từng thị trường để người dân nắm bắt, tránh tình trạng bị "cò" môi giới lừa gạt.
Ngoài ra, ngành chức năng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động. Đối với người lao động, khi có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nên trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để được giải đáp các vấn đề liên quan, tuyệt đối không nghe theo "cò" môi giới.
Báo Hà Tĩnh