MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết nạp thêm thành viên, BRICS sẽ vô cùng lớn mạnh nhưng vẫn còn một điều khiến "bó đũa" có thể bị suy yếu

31-08-2023 - 00:23 AM | Tài chính quốc tế

Kết nạp thêm thành viên, BRICS sẽ vô cùng lớn mạnh nhưng vẫn còn một điều khiến "bó đũa" có thể bị suy yếu

Đó chính là sự khác nhau khá lớn giữa các quốc gia thành viên.

Chiến thắng của Trung Quốc

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 đã quyết định mời 6 quốc gia, bao gồm Ai Cập, Argentina, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trở thành thành viên mới. Các thành viên ban đầu của BRICS bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga và Nam Phi.

Đây là Hội nghị thượng đỉnh lớn nhất mà BRICS từng tổ chức với hơn 60 quốc gia tham dự. CNN viết: “Bên cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là những nhà lãnh đạo hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển đến từ châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh”.

Sự mở rộng của BRICS có thể đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, CNN nhận định. Được biết, đây là lần đầu tiên BRICS mời thêm thành viên kể từ khi Nam Phi ra nhập vào năm 2010. Sự kiện này dự kiến tăng gấp đôi thành viên và mở rộng đáng kể phạm vi toàn cầu của nhóm, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông.

Kết nạp thêm thành viên, BRICS sẽ vô cùng lớn mạnh nhưng vẫn còn một điều khiến "bó đũa" có thể bị suy yếu - Ảnh 1.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15

Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại Đại học London cho biết: “Việc mở rộng này là một chiến thắng lớn đối với Trung Quốc”. Theo CNN, đối với Bắc Kinh hay Moscow, việc BRICS thêm thành viên là một phần trong nỗ lực giúp khối này có thể trở thành đối trọng với phương Tây hay nhóm G7.

Ngoài ra, chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng nói rằng việc mở rộng thêm thành viên có ý nghĩa cột mốc lịch sử và là điểm khởi đầu mới cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong nhóm BRICS.

Ông Happymon Jacob, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi cũng nói việc này đã làm nổi bật sự thay đổi trong cấu trúc địa chính trị toàn cầu.

“Việc trở thành người dẫn đầu trong các diễn đàn đa phương không do phương Tây chi phối sẽ tạo điều kiện giúp Trung Quốc trở thành đối trọng với Mỹ và có thể phần nào thay đổi trật tự thế giới”, ông Jacob nhận định.

"Sự gắn kết" của các thành viên ra sao?

Kết nạp thêm thành viên, BRICS sẽ vô cùng lớn mạnh nhưng vẫn còn một điều khiến "bó đũa" có thể bị suy yếu - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi

Bên cạnh nhiều lợi ích của việc gia tăng thêm thành viên, một vài chuyên gia cũng đặt câu hỏi về sự gắn kết của BRICS+ bởi các quốc gia thành viên hiện tại đang có nhiều sự khác biệt lớn về hệ thống chính trị, sức mạnh kinh tế hay các mục tiêu ngoại giao.

Ông Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết: “Tôi có sự hoài nghi về tính hiệu quả của BRICS sau khi mở rộng. Càng có nhiều thành viên thì khối này càng cần phải dung hòa và đáp ứng nhiều lợi ích lớn hơn”.

Điều đó đặc biệt đúng đối với một tổ chức dựa trên sự đồng thuận như BRICS, nơi các quyết định chỉ được đưa ra nếu tất cả các thành viên đều đồng thuận.

Ngoài ra, những quốc gia thành viên mới tham gia là một nhóm hơi khác biệt. Ví dụ Argentina đang gặp tình cảnh vỡ nợ, phải đương đầu với cuộc chiến lạm phát và khủng hoảng tiền tệ. Quốc gia này cũng vay nhiều nhất từ IMF. Ai Cập cũng đang đối mặt với nhiều biến động kinh tế. Ngoài ra cũng có sự gia nhập của Saudi Arabia - một đồng minh thân cận với Mỹ.

Điều này có sự trái ngược với một khối có sự thống nhất và tương đồng mạnh mẽ như G7 - các nền dân chủ có cùng tư tưởng hay các nền kinh tế công nghiệp hóa lớn.

Bà Helena Legarda, chuyên gia phân tích chính tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator đánh giá rằng vẫn chưa rõ việc BRICS mở rộng sẽ mang lại giá trị và ảnh hưởng ở mức độ nào.

Tham khảo CNN

Bạch Linh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên