MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học quan trọng cho giới trẻ nhìn từ việc tay vợt số một thế giới từ giã sự nghiệp ở đỉnh cao

28-03-2022 - 22:11 PM | Lifestyle

Bài học quan trọng cho giới trẻ nhìn từ việc tay vợt số một thế giới từ giã sự nghiệp ở đỉnh cao

Mặc dù đạt được giấc mơ vô địch Wimbledon, Ashleigh Barty cảm thấy một phần nào đó trong cô cảm thấy không thoả mãn, thiếu vắng điều gì đó.

Các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tin rằng việc tay vợt tennis số một thế giới Ashleigh Barty từ giã môn thể thao này ở tuổi 25 lại mang đến một số bài học quan trọng cho giới trẻ.

“Thật khó nói nhưng tôi rất hạnh phúc và tôi đã sẵn sàng cho việc đó, biết nó sẽ phải xảy ra vào lúc này. Từ sâu trong trái tim tôi, đó là việc đúng”, Barty viết trên mạng xã hội vào ngày 23/3.

Trong một cuộc phỏng vấn đầy xúc động với cựu vận động viên tennis người Australia Casey Dellacqua, Barty nói rằng cô cảm thấy đã đến lúc bản thân theo đuổi những giấc mơ khác. Tay vợt tennis số một thế giới này cho biết cô đã suy nghĩ về quyết định này trong một thời gian dài nhưng việc giành được danh hiệu Grand Slam tại Wimbledon năm ngoái đã thay đổi quan điểm của cô.

Bài học quan trọng cho giới trẻ nhìn từ việc tay vợt số một thế giới từ giã sự nghiệp ở đỉnh cao - Ảnh 1.

Ashleigh Barty, tay vợt tennis số một thế giới. Ảnh: BBC.

Mặc dù đạt được giấc mơ vô địch Wimbledon, Barty cảm thấy một phần nào đó trong cô cảm thấy không thoả mãn, thiếu vắng điều gì đó. “Quan điểm của tôi đã thay đổi trong giai đoạn thứ hai của sự nghiệp, đó là hạnh phúc của tôi không phụ thuộc vào kết quả và thành công đối với tôi là biết được rằng tôi đã cống hiến hết mình”, Barty nói. Cô cho hay bản thân không còn ham muốn về thể chất hay cảm xúc để tiếp tục thử thách bản thân với ngôi vị cao nhất của làng quần vợt. “Tôi hết năng lượng rồi, tôi chỉ biết rằng về mặt thể chất, tôi không còn gì để cống hiến và điều đó đối với tôi là sự thành công”. 

Theo Barty, một số người có thể không hiểu quyết định lùi bước của cô, đặc biệt là khi cô vừa giành được danh hiệu Grand Slam lần thứ 3 tại giải Australia mở rộng hồi tháng 1. Tuy nhiên, cô cho biết bản thân có những mục tiêu khác muốn theo đuổi và những mục tiêu này không hẳn là kiểu đi du lịch khắp thế giới, xa gia đình, xa nhà, nơi mà cô luôn muốn trở về.

Đừng để bản thân bị bó buộc

Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tự do Emma Harrison cho biết Barty không phải là người đầu tiên trong gia đình của cô ấy thực hiện một sự thay đổi lớn trong sự nghiệp. Mẹ của Barty, Josie, từng là một người chơi golf chuyên nghiệp và sau này lại trở thành nhân viên chụp X quang.

Theo Harrison, điều quan trọng khi mọi người cân nhắc thay đổi nghề nghiệp là phải có sự ủng hộ từ những người thân thiết nhất. Nói rộng hơn, Harrison cho biết thật thú vị khi ngày càng nhiều người ở độ tuổi từ giữa đến cuối những năm 20 tuổi và đầu những năm 30 tuổi trải qua “cuộc khủng hoảng tuổi đôi mươi”, nói cách khác là suy nghĩ lại về các mục tiêu và ưu tiên của họ. Mọi người dễ cảm thấy bị bó buộc với một công việc hoặc nghề nghiệp đã chọn nhưng chúng ta thực ra không nên sợ hãi khi phải thay đổi hướng đi.

Harrison khuyến nghị mọi người nên dành thời gian để học các kỹ năng, tìm sở thích mới cũng như nói chuyện với người khác về kinh nghiệm nghề nghiệp của họ. “Việc thay đổi nghề nghiệp ngày càng phổ biến. Điều này có thể khiến mọi người thấy đáng sợ và nặng nề, song nó cũng có thể tiếp thêm sinh lực, giải phóng và dẫn đến sự hài lòng trong công việc hơn”, bà nói.

Tương tự, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Liz Sebag- Montefiore, đồng sáng lập công ty tư vấn 10Eighty, nói với CNBC rằng khi mọi người liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc sống, thì nên đánh giá lại con đường tốt nhất cho bản thân ở tương lai. Điều quan trọng là phải điều chỉnh lại mọi thứ theo hướng đi mới thay vì đi giật lùi.

Chủ động lựa chọn

Đối với chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và lãnh đạo Kat Hutchings, việc Barty thừa nhận rằng cô ấy cảm thấy thiếu vắng dù đã đạt được mục tiêu của mình mang đến một bài học quan trọng.

Hutchings nói với CNBC rằng chúng ta có thể phấn đấu để đạt được một chức danh trong nhiều năm, để rồi khi đạt được nó và thấy nó không hoàn toàn như những gì chúng ta mong đợi. Điều này xảy ra ở tất cả cấp lãnh đạo.

“Điều đó có nghĩa là việc tìm kiếm sự thoả mãn và thích thú trong suốt cuộc hành trình còn quan trọng hơn cả đích đến”.

Việc Barty thừa nhận rằng cô đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp và rằng đã đến lúc cô chuyển sang một thứ mới đều là điều tích cực, theo Hutchings. “Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp là một thực tế mà các thế hệ hiện tại và tương lai phải đối mặt. Chủ động lựa chọn nghề nghiệp thay vì cố chấp với một nghề nghiệp chính là trao quyền cho bản thân mình”.

Theo Thạch Lam

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên