Kết quả kinh doanh kỳ vọng khởi sắc hơn trong năm 2024, thúc đẩy niềm tin vào thị trường chứng khoán
Theo chuyên gia, về tổng thể, TTCK Việt Nam vẫn đi lên như cách mà các doanh nghiệp kinh doanh đang phục hồi dần.
Thị trường chứng khoán đang bước vào những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023. Điều được không ít nhà đầu tư quan tâm lúc này là triển vọng kinh tế cũng như cơ hội đầu tư trong năm 2024. Tại Talkshow Phố tài chính trên VTV8, ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS) đã có những chia sẻ, dự báo về diễn biến thị trường năm mới.
BTV Mùi Khánh Ly: Nền kinh tế đã tăng trưởng tích cực trong 3 quý đầu năm 2023 này, và cũng còn khoảng 2 tuần nữa là sẽ kết thúc năm 2023, ông đánh giá như thế nào về kinh thế trong quý 4 và cả năm 2023?
Ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS)
Theo đánh giá của chúng tôi, kinh tế trong 11 tháng năm 2023 ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình sản xuất, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiếp tục cải thiện. Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt chỉ còn tăng 2,95% (tính đến ngày 30/11/2023), mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm theo đúng định hướng của Chính phủ, thậm chí lãi suất huy động một số ngân hàng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục nhiều năm. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng vẫn tăng chậm 8,21% tính tới ngày 22/11/2023. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận chuyển biến tích cực, quy mô phát hành mới duy trì tương đối tốt so với các tháng đầu năm, tình hình gia hạn thanh toán gốc và lãi trái phiếu với các trái chủ diễn ra suôn sẻ hơn. Trong khi đó, số lượng mã trái phiếu đăng ký trên HNX tăng nhanh, đây là tiền đề nâng cao tính thanh khoản, minh bạch của thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn lớn, thanh khoản và khả năng chi trả nợ gốc và lãi của một số doanh nghiệp hạn chế trong khi nghị định 08 sắp hết thời hạn có hiệu lực, cũng là một vấn đề cần quan tâm.
K inh tế ở trong nước vẫn tăng trưởng tích cực dù phải đối mặt với những khó khăn nhất định, tuy nhiên thị trường chứng khoán sau khi sự phục hồi tích cực hồi nửa đầu năm, lại điều chỉnh giảm và phần lớn là đi ngang, cũng như thanh khoản trồi sụt không bền vững trong giai đoạn vừa qua, theo ông vì sao?
Diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) phụ thuộc và chính sách kinh tế vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp. Giai đoạn TTCK tăng mạnh với thanh khoản tăng cao là thời điểm khi đó có sự thay đổi chính sách vĩ mô, và đợt tăng giá đó của TTCK đã kích hoạt dòng tiền đầu cơ. Khi tăng lên mặt bằng giá cao, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa cải thiện như kỳ vọng khiến thị trường điều chỉnh và dòng tiền đầu cơ thu hẹp lại. Chúng tôi cho rằng đây là hiện tượng tương đối bình thường. Về tổng thể, TTCK Việt Nam vẫn đi lên như cách mà các doanh nghiệp kinh doanh đang phục hồi dần.
Chính sách để thẩm thấu vào nền kinh tế luôn có độ trễ từ sáu tháng tới một năm. Chúng ta đang trong giai đoạn bước đầu khắc phục sự khó khăn. Với triển vọng như vậy, rõ ràng nhà đầu tư cũng cần thời gian quan sát thành quả của sự giải quyết khó khăn và họ thận trọng cũng không phải là điều ngạc nhiên. Tuy nhiên, tổng thể trong năm nay, TTCK vẫn đang trong xu hướng tăng so với năm ngoái khi mặt bằng giá cổ phiếu, đặc biệt là nhóm Midcap có xu hướng cao hơn năm ngoái.
Vậy theo ông, cần những giải pháp như thế nào để tiếp tục thúc đẩy chi tiêu, tiêu dùng, tạo động lực cho nền kinh tế trong năm 2024?
Trên cơ sở những chính sách đã và đang thực hiện, theo tôi có thể bổ sung những chính sách như đẩy mạnh đầu tư công vào phân khúc kinh tế số, đặc biệt là về hạ tầng số, khuyến khích tập trung vào 5G, Internet vạn vật, trung tâm điện toán thông minh, trung tâm dữ liệu, Internet vệ tinh...Về các mảng kinh tế số, khuyến khích tập trung vào trung tâm dữ liệu, Internet công nghiệp, dữ liệu lớn, bảo mật dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…Kích hoạt mạnh thị trường vốn bằng cách tăng cung hàng chất lượng và mở rộng cấp phép thành lập các công ty quản lý quỹ, các nhà đầu tư tổ chức...cũng như tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa và đưa lên sàn sớm, giúp thị trường vốn sôi động và bền vững hơn…
Đối với thị trường chứng khoán, đâu sẽ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy niềm tin nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường thị trường tích cực hơn trong năm 2024?
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi nghĩ rằng các yếu tố như giải pháp nâng hạng thị trường mà chúng ta vẫn mong chờ hay phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống KRX sẽ giúp thanh khoản thị trường tiếp tục gia tăng, cũng như các doanh nghiệp nỗ lực cải thiện hoạt động kinh doanh sẽ là các yếu tố thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán trong năm 2024. Trong đó, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn sẽ tốt lên trong năm 2024, do đó thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn trong năm tới.
Nhịp Sống Thị Trường