MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết quả phiên giám đốc thẩm vụ bị đơn đòi tự tử tại TAND TPHCM

25-07-2020 - 08:36 AM | Xã hội

Sau khi HĐXX cấp phúc thẩm TAND TP HCM tuyên án, phía bị đơn đòi tự tử vì cho rằng bản án không đúng với các quy định của pháp luật.

Chiều 24.7, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM, tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và sơ thẩm đối với tranh chấp dân sự 674 m2 đất tại quận Gò Vấp (TP HCM) giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý và 3 bị đơn Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ.

HĐXX Giám đốc thẩm tuyên giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết theo thủ tục chung.

Trước đó, kháng nghị của TAND Cấp cao tại TP HCM nhìn nhận bản án phúc thẩm của TAND TP HCM xác định quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất là không đúng. Bởi tranh chấp nêu trên xuất phát từ quan hệ hợp đồng, do đó quan hệ tranh chấp trong trường hợp này là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử đụng đất.

Về thời hiệu khởi kiện, kháng nghị cho rằng trong vụ tranh chấp này thời hiệu vẫn còn bởi vì điều 132 Bộ luật dân sự 2015 quy định trường hợp giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật thì thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế.

 Kết quả phiên giám đốc thẩm vụ bị đơn đòi tự tử tại TAND TPHCM  - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Dư tại TAND Cấp cao tại TP HCM

"Về mặt nội dung các bên đã giao đủ đất, nhận đủ tiền và hợp đồng đã thực hiện xong. Theo quy định, khi các bên đã thanh toán xong thì hợp đồng này không bị xem là vô hiệu. Thời điểm khởi kiện nguyên đơn cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc tách thửa, hiện nay thực tế 3 phần đất (tổng diện tích 674m2) đều được chuyển nhượng cho ông Lê Văn Dư, đảm bảo điều kiện tách thửa theo quyết định 190 của UBND TP (đất nông nghiệp phải từ 500m2 trở lên mới được tách thửa). Do không vi phạm về điều kiện tách thửa nên hợp đồng không được xem là vô hiệu" - kháng nghị nêu.

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty TAT LAW FIRM, Đoàn Luật sư TP HCM) - người bảo vệ cho bị đơn chỉ ra rằng: "Trong thông báo thụ lý vụ án ở các cấp xét xử, cho đến giấy triệu tập cuối cùng tôi đã nhận, vụ án được tòa xác định là "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất". Tại phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đã bất ngờ đưa ra quan điểm, để xác định lại quan hệ tranh chấp là: tranh chấp quyền sử dụng đất".

Việc HĐXX phúc thẩm xác định quan hệ "Tranh chấp quyền sử dụng đất" là không đúng, bởi theo luật Đất đai "Tranh chấp đất đai" là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai, nghĩa là những loại tranh chấp có đối tượng là đất đai nhưng không xuất phát từ hợp đồng.

Trong khi đó, "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" là những bất đồng giữa các bên phát sinh trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trên cơ sở hợp đồng. Trong vụ án này, nguồn gốc phát sinh tranh chấp, bất đồng giữa các bên là trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất".

Luật sư Trương Anh Tú (bảo vệ các bị đơn) nhìn nhận: "Trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, các bên chỉ tập trung đánh giá hình thức, nội dung, hiệu lực của hợp đồng. Nguyên đơn yêu cầu tòa tuyên "Hợp đồng vô hiệu", bị đơn đề nghị tòa "Công nhận hợp đồng", thực tế khi tuyên án tòa dùng Bộ luật dân sự để phân tích hợp đồng, chứ không phải áp dụng Luật Đất đai vốn là công cụ để phán xét về tranh chấp đất đai, nhưng HĐXX lại tuyên "Hợp đồng vô hiệu". Rõ ràng, đây là điển hình của việc áp dụng pháp luật một cách méo mó, tùy tiện, cưỡng từ đoạt lý, để xử".

Theo Phạm Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên