MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết quả quan trắc báo động, người dân lo lắng nhiễm độc thuỷ ngân: Chuyên gia nói gì?

05-09-2019 - 16:02 PM | Sống

Theo PGS Trần Hồng Côn, hàm lượng thuỷ ngân cao ở khu vực cống xả nước của sông Tô Lịch không đáng lo ngại như người ta nghĩ.

Chiều qua Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã công bố kết quả quan trắc đo hàm lượng thuỷ ngân xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Kết quả có hàm lượng thuỷ ngân bị phát tán ra môi trường.

Sau khi có kết quả thông báo, nhiều người dân sống xung quanh khu vực nhà máy cảm thấy lo lắng vì có thể trước đó mình đã hít phải khí có chứa thuỷ ngân. Tuy nhiên, qua kết quả này, PGS Trần Hồng Côn – Khoa hoá học, trường Đại học Tự nhiên, Hà Nội cho biết kết quả hàm lượng này không quá cao và không lo ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người sống xung quanh.

PGS Côn cho biết thuỷ ngân trong không khí là nguy hiểm nhất nhưng thời gian xảy ra vụ cháy ngay sau đó liên tục có mưa lớn thuỷ ngân trong không khí sẽ rơi vào đất và nước. Khi gặp nước sẽ bị rửa trôi.

Đây chính là lý do vì sao điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của trụ sở chính Công ty Rạng Đông 1km có giá trị Hg cao nhất, vượt QCVN 43: 2017/BTNMT 6,1 lần. Tuy nhiên, khi lượng thuỷ ngân bị thải ra sông Tô Lịch nơi có hàm lượng sunfua rất cao sẽ tác dụng với sunfua tạo thành thuỷ ngân sunfua (HgS), chất này không độc hại.

Kết quả quan trắc báo động, người dân lo lắng nhiễm độc thuỷ ngân: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Thuỷ ngân tồn tại trong không khí là nguy hiểm nhất.

Mặt khác, hiện nay sau hơn 1 tuần xảy ra vụ cháy, hàm lượng thuỷ ngân ở khu vực xung quanh bán kính 500 mét chỉ còn tồn tại ở đất và khu vực sàn kho bởi vì khi cháy có sử dụng nước dập lửa. Còn đối với người dân ở xung quanh khu vực, nếu những ngày qua không có biểu hiện của phơi nhiễm ban đầu với các triệu chứng bao gồm tăng tiết nước bọt nhiều, viêm ruột thì không bị ngộ độc thuỷ ngân cấp tính. Thủy ngân nguyên tố độc hại chủ yếu thông qua việc hít phải hơi thủy ngân.

Trước câu hỏi băn khoăn về việc có hình thành một Minamata tại Việt Nam không? PGS Côn cho rằng sự việc Minamata tại Nhật là do vịnh này có lượng hải sản bị nhiễm thuỷ nhân và người dân vô tình ăn phải lượng thuỷ ngân trong một thời gian dài gây nên ngộ độc thuỷ ngân mãn tính.

Còn ở khu vực Hạ Đình, Thanh Xuân, hàm lượng thuỷ ngân trong không khí đã bị mưa làm cho rơi xuống đất và rửa rồi một phần sau những trận mưa lớn nên không khí không còn thuỷ ngân. Với ngộ độc thuỷ ngân ở dạng không khí là nguy hiểm nhất nhưng đã được mưa hoá giải.

Với hàm lượng thuỷ ngân trong đất, PGS Côn cho rằng người dân không nên sử dụng những loại đất xung quanh khu vực nhà máy đặc biệt vùng theo chiều gió thổi hôm xảy ra cháy để sử dụng trồng cây, chạm chân, tay vào vì có thể dẫn tới nhiễm độc thuỷ ngân qua đường tiếp xúc.

Nước uống xung quanh nhà không được che kín cần bỏ vì thuỷ ngân rơi vào trong nước nếu ăn phải, uống phải sẽ gây nhiễm độc thuỷ ngân.

Hiện nay, điều người dân băn khoăn là nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân mãn tính vì hiện tại người dân chưa có triệu chứng ngộ độc cấp tính nhưng sống tại xung quanh khu vực này sẽ có nguy cơ ngộ độc mãn tính, PGS Côn cho biết điều đó ít xảy ra vì hiện nay thuỷ ngân trong đất chỉ còn ở trong khu vực đám cháy. Việc cô lập khu vực cháy và khoanh vùng khu vực còn thuỷ ngân rất cần thiết. Thuỷ ngân chỉ bốc hơi khi có nhiệt độ cao nên người dân không quá lo lắng.

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên