MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kẹt xe có phải lỗi tại xe?

01-05-2017 - 12:06 PM | Xã hội

Như Cháy là do lửa? Ngập là do nước?...

Dưới cái nhìn hệ thống thì trong hệ thống kinh tế- xã hội, giao thông không phải là một yếu tố độc lập, mà là sự kết nối giữa các yếu tố khác.

Phạm vi bài này không xét đến đối tượng hàng hóa- vốn lưu chuyển theo chuỗi cung ứng/ logistics phức tạp nhưng không liên quan nhiều đến Xe máy.

Chúng tôi chỉ xem xét đối tượng con người, tại TPHCM.

Dưới mắt một người dân bình thường, có thể dễ dàng nhận thấy hệ thống kinh tế- xã hội gắn liền với đời sống và sinh hoạt của con người ở TPHCM bao gồm các yếu tố thể hiện trong sơ đồ sau :

Trong đó mỗi yếu tố được diễn tả sơ lược như sau :

1. Ở : Khu dân cư, Cư xá, Nhà trọ,…

2. LÀM : Khu công nghiệp, Nhà máy, Cơ sở sản xuất, Công trường, Trang trại, Kho hàng, Cơ sở thương mại, Cơ sở dịch vụ, Vỉa hè...

3. ĂN (Nơi mua thực phẩm): Chợ, Siêu thị, Cửa hàng, Chợ “chồm hổm”,…

4. HỌC : Trường học các cấp, Cơ sở đào tạo nghề, Trung tâm ngoại ngữ, Cơ sở dạy thêm, …

5. CHƠI : Khu vui chơi giải trí, Nhà văn hóa, Quán nhậu, Quán cà phê …

6. SỨC KHỎE : Trung tâm TDTT, Phòng tập, Cơ sở y tế, Bệnh viện, …

7. GIẤY TỜ : Nơi người dân đến làm các thủ tục, giấy tờ : Cơ quan hành chính Nhà nước, Văn phòng Ủy ban các cấp, các Sở, Hải quan, Thuế, Công chứng…

Giao thông là sự di chuyển của con người kết nối các yếu tố trên, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Nếu các yếu tố đó được qui hoạch rõ ràng, hợp lý; thì hệ thống giao thông cũng dễ dàng được qui hoạch hợp lý theo; và phương tiện giao thông công cộng cũng dễ đáp ứng nhu cầu di chuyển hơn…

Nhưng,

Thực tế ở TPHCM đến nay, các yếu tố trên chủ yếu là kế thừa từ Sài Gòn xưa và phát triển theo kiểu tự phát là chính, chứ không thể hiện theo một qui hoạch hợp lý, khoa học; hệ thống giao thông chằng chịt với nhiều hẻm lớn nhỏ phủ khắp thành phố; kinh tế cá thể, hộ gia đình còn phổ biến; hầu hết mặt tiền đường là cơ sở kinh doanh; giao thông công cộng chưa đáp ứng cho việc đi lại hàng ngày nhiều nhất là đi học và đi làm; việc theo trường điểm, trường chuyên, trường tốt còn nặng nề, bất chấp cự ly; đa số học sinh học xong ở Trường còn phải học thêm các môn chính, học thêm Anh văn; bệnh nhân TPHCM và các tỉnh dồn về các bệnh viện lớn, ít tin tưởng các cơ sở y tế địa phương; thủ tục giấy tờ còn phức tạp, mà đa số là được xử lý kiểu cũ, chậm, chưa áp dụng CNTT nhiều, người dân phải tới lui nhiều lần; nhiều gia đình sắm xe hơi nhưng cũng phải dùng xe máy…

Thực tế đó tồn tại qua nhiều thập kỷ đã tạo thành một thói quen sử dụng xe máy của người dân TPHCM, như một lựa chọn bắt buộc- không có lựa chọn khác, và đã trở thành một đặc thù, một nét văn hóa của Thành phố này

Do đó, để cải thiện tình hình giao thông thì giảm nhu cầu di chuyển là hướng giải pháp hiệu quả nhất, ích nước lợi nhà nhất, lại có lợi cho môi trường.

Từ cơ sở thực tế trên và định hướng trên, chúng ta có thể xem xét các giải pháp sau :

1- Qui hoạch hoạt động kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình; không để tự phát tràn lan khắp mọi con đường. Thực tế, kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy, trên một đoạn đường hay một khu vực bán kính nhất định họ không cấp phép mở nhiều cửa hàng trùng lắp để tránh cảnh cùng ế ẩm, lãng phí cho xã hội và cho người dân.

2- Điều tra nhu cầu di chuyển đi học và đi làm hàng ngày trên từng lộ trình, tuyến đường, khu vực, để có phương án giao thông công cộng phù hợp đáp ứng đúng nhu cầu. Khi thấy dùng phương tiện GTCC khỏe hơn, lợi hơn thì người dân sẽ tự thay đổi. Từ đó từng bước “phủ sóng” kết nối toàn thành phố.

3- Cải cách giáo dục lần cuối cùng (!), đơn giản hóa chương trình theo các nước phát triển, tăng chất lượng dạy Anh văn trong trường đến mức khỏi học thêm (như thể học thêm Anh văn ngay trong chính khóa, phụ huynh chấp nhận trả thêm phí như học thêm bên ngoài nhưng đỡ mệt cho phu huynh và học sinh), dẹp bệnh thành tích, làm giảm nhu cầu học thêm. Qui hoạch và qui định địa bàn phục vụ của mỗi trường để giảm đến thấp nhất việc di chuyển đi học hàng ngày.

4- Tăng chất lượng các cơ sở y tế địa phương để giảm di chuyển đến các Bệnh viện lớn.

5- Và hơn hết, Nhà nước phải quyết tâm cắt giảm thủ tục hành chính; đồng thời với việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin; giảm tối đa số lượng thủ tục, giấy tờ cho từng thủ tục, và việc đi lại của người dân và giữa các cơ quan nhà nước với nhau.

Vậy, chúng ta thấy việc kẹt xe không phải tại xe, cũng như hỏa hoạn không phải tại lửa, ngập lụt không phải tại nước vậy. Vì thế, việc cấm xe, cấm lửa, cấm nước không thể là giải pháp căn cơ lâu dài.

Và việc giải quyết bài toán giao thông không thể riêng ngành giao thông giải quyết được.

Nguyễn Tiến Đại

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên