Khả năng sinh lời của TPBank cao hơn so với nhiều ngân hàng lớn
Vốn chủ sở hữu chưa bằng một nửa của Eximbank nhưng lợi nhuận của TPBank lại cao hơn. Riêng ROE đang cao hơn không chỉ nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối mà cả các ngân hàng mạnh như MB, ACB hay HDBank.
- 19-03-2018HOSE yêu cầu TPBank hoàn thiện hồ sơ đăng ký niêm yết
- 05-02-2018TPBank giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại 24,9%
- 22-01-2018Năm 2017: TPBank lãi ròng gần 1.000 tỷ, tổng tài sản vượt 120.000 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để trình lên Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) cho việc niêm yết cổ phiếu trong năm nay, mà rất có thể là ngay trong đầu quý 2 tới.
Trong hệ thống, TPBank là ngân hàng có quy mô khá nhỏ với vốn điều lệ chỉ 5.842 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chưa đến 6.700 tỷ đồng. Nếu so với nhóm ngân hàng đã niêm yết trên HoSE thì vốn của TPBank ít nhất, còn nếu so với nhóm ngân hàng đã lên sàn thì thấp thứ ba sau Kienlongbank và Eximbank.
Dẫu vậy, các chỉ tiêu tài chính và kết quả kinh doanh của ngân hàng này lại đnag ở mức "đáng mơ ước". Chẳng hạn lợi nhuận trước thuế và sau thuế năm vừa qua đạt lần lượt hơn 1.200 tỷ và 960 tỷ, cao hơn nhiều so với mức 820 tỷ của Eximbank dù Eximbank có vốn cao gấp hơn 2 lần của TPBank.
Dư nợ tín dụng của ngân hàng chỉ hơn 62 nghìn tỷ và tiền gửi khách hàng là hơn 70 nghìn tỷ nhưng thu nhập lãi thuần mang về lên đến gần 3.200 tỷ. Trong khi đó HDBank dư nợ và huy động vốn trên 100 nghìn tỷ lại chỉ đạt lãi thuần chưa đến 1.400 tỷ, hoặc như Eximbank có con số tương tự HDBank nhưng lãi thuần cũng chỉ hơn 2.600 tỷ.
Hai chỉ số quan trọng khác là khả năng sinh lời trên vốn (ROE) và trên tổng tài sản (ROA) đều ở mức cao hơn so với nhiều ngân hàng. Không chỉ cao hơn ba ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối là BIDV, Vietcombank và VietinBank mà ROE của TPBank còn cao hơn cả một số ngân hàng tư nhân lớn như MB hay ACB, HDBank và tất nhiên là cả Eximbank. Còn tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản cũng nhỉnh hơn của ACB, VietinBank, BIDV, Eximbank.
Trong cơ cấu doanh thu hiện nay, thu nhập từ tín dụng vẫn chiếm đa số với tỷ trọng gần 88% ở TPBank. Ngân hàng không chỉ đẩy mạnh cho vay vào các mảng sinh lời tốt như bán lẻ, cho vay mua nhà, ô tô mà song song đó còn kiểm soát nợ xấu ở mức thấp trong hệ thống. Riêng năm 2017 vừa qua thu nhập lãi thuần của TPBank tăng gần gấp rưỡi năm trước. Và nếu tính 3 năm liên tiếp từ 2015 tới hết 2017 thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức thấp nhất trong hệ thống khi chỉ dao động từ 0,7 – 1,06%.
Bên cạnh tín dụng thì TPBank cũng có mảng phi tín dụng phát triển khá ấn tượng. Trong năm vừa qua lãi từ dịch vụ cao gấp đôi so với năm trước còn lãi từ mua bán chứng khoán cao hơn gấp trên 3 lần.
Ngoài các hoạt động kinh doanh, TPBank còn được đánh giá là đi đầu trong mảng ngân hàng số, trong đó có nhiều dịch vụ mà chưa ngân hàng nào ở Việt Nam làm được.
Có thể với những lợi thế đáng kể so với mặt bằng chung nên TPBank đang dần trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Cổ phiếu của ngân hàng này trên OTC hiện cao hơn gấp hơn hai lần so với cách đây một năm khi đã chạm ngưỡng 28.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2017, ngân hàng còn hút được nguồn vốn khổng lồ tới gần 40 triệu USD từ quỹ đầu tư ngoại PYN Fund Management để sở hữu 5% vốn TPBank. Mức giá mà PYN Fund Management đưa ra cao gấp hơn 2 lần so với khoản tiền IFC đổ vào TPBank chỉ cách đó một năm để sở hữu lượng cổ phần tương tự.
Trí Thức Trẻ