Khả năng thiếu điện vẫn có thể xảy ra trong các tháng 6 và 7 năm 2024
Theo Bộ Công Thương, các tháng cuối năm 2023 tình hình cung ứng điện sẽ được đảm bảo, nhưng sang đến năm 2024, khả năng thiếu điện vẫn có thể xảy ra vào tháng 6 và tháng 7/2024.
- 12-07-2023Công suất tăng cao kỷ lục, miền Bắc vẫn không thiếu điện
- 04-07-2023"Từ nay đến cuối năm sẽ không thiếu điện"
- 18-06-2023Nắng nóng gây thiếu điện, đây là 3 điều bạn cần lưu ý trước khi tính tới việc sắm máy phát điện
- 12-06-2023Vì sao xảy ra khủng hoảng thiếu điện ở miền Bắc?
Bộ Công Thương mới có báo cáo Thủ tướng cập nhật kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Theo đó, các tháng cuối năm 2023, cung ứng điện sẽ được đảm bảo, nhưng sang đến năm 2024, thiếu điện vẫn có thể xảy ra vào tháng 6 và tháng 7/2024.
Theo tính toán cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại (9-12/2023) ước đạt 95,6-97,2 tỷ kWh, tăng trưởng từ 9,9%-11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 281,9-283,6 tỷ kWh, tăng từ 5,1-5,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt từ 99,1-99,6% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Bộ Công Thương đánh giá, với việc đảm bảo cung ứng than cho phát điện, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục, mực nước hồ chứa thuỷ điện được cải thiện, việc cân đối điện năng, công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Tuy nhiên, do các tổ máy nhiệt điện miền Bắc phải thực hiện bảo dưỡng sửa chữa theo kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng cho phát điện mùa khô năm 2024, công suất dự phòng miền Bắc ở mức thấp tại một số thời điểm trong các tháng cuối năm 2023. Để chủ động ứng phó những điều kiện bất lợi trong cung ứng điện có thể xảy ra trong các tháng cuối năm 2023 như: nhu cầu phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về hồ tiếp tục thấp… Bộ Công Thương nhấn mạnh cần phải tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình nguồn, lưới truyền tải vào khai thác.
Để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định, đồng thời đảm bảo cung cấp điện trong các tháng còn lại của năm 2023, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp chặt chẽ với các Đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện cập nhật thường xuyên và bám sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để có kế hoạch vận hành hồ chứa tối ưu và hiệu quả, tuân thủ quy định và các quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ, đảm bảo an ninh cung cấp điện thời gian tới.
EVN chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị truyền tải điện tăng cường công tác ứng trực, kiểm tra, rà soát lưới điện truyền tải thuộc quyền quản lý nhằm phát hiện nhanh và xử lý kịp thời các bất thường thiết bị, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố hoặc phải tách thiết bị ra khỏi vận hành; rà soát đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thống rơ le bảo vệ, tự động của lưới truyền tải điện.
Các tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than - Khoáng sản và các đơn vị phát điện chỉ đạo tất cả các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý theo dõi, giám sát chặt chẽ vận hành thiết bị của nhà máy, không để xảy ra sự cố chủ quan; tăng cường kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện; rà soát đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thống rơ le bảo vệ, tự động của nhà máy điện; đảm bảo vật tư dự phòng cho các thiết bị của nhà máy điện; đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố và đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện bị sự cố dài ngày; khẩn trương khắc phục các sự cố ngắn ngày. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với EVN, các Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung cấp đủ than, khí cho sản xuất điện.
Theo tính toán cập nhật của EVN, việc cân đối cung-cầu điện năm 2024 được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở 8,96%, 2 kịch bản lưu lượng nước về: bình thường (tần suất nước về 65%); cực đoan (tần suất nước về 90%). Trong đó, cập nhật tiến độ các nguồn điện mới như Ialy mở rộng và các nguồn điện nhập khẩu từ Lào... Với phương án lưu lượng nước về bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, nhưng do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16h, 19h-22h) trong ngày của các ngày nắng nóng.
Đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420-1.770 MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và tháng 7.
Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ tập trung vào các giải pháp vận hành và đầu tư xây dựng để đảm bảo kế hoạch cấp điện cụ thể như trên. Đồng thời, Bộ này kiến nghị Thủ tướng xem xét một số giải pháp và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đảm bảo việc tích nước để đảm bảo cho các nhà máy thủy điện hoạt động linh hoạt, thông suốt; xem xét, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; sớm có quyết định đối với các công trình nguồn điện đã có chủ đầu tư, tuy nhiên, chậm triển khai công tác đầu tư xây dựng…
Ngoài ra, đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà đầu tư khi kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo EVN, TKV, PVN và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác đầu tư xây dựng các công trình điện đã được phê duyệt.
VOV