MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khắc phục chậm trễ, đôn đốc giải ngân đầu tư công

Một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư công là giao thông. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư công là giao thông. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công không chỉ khắc phục tình trạng chậm trễ của năm ngoái, mà còn giúp khai thông, kích hoạt thêm nguồn lực, cơ hội kinh doanh mới.

Hơn 711.000 tỷ đồng là số vốn đầu tư công năm nay. Còn 39 nhóm vấn đề vướng mắc liên quan đến 7 lĩnh vực cản trở tốc độ giải ngân đầu tư công. Trong khi đây là động lực quan trọng về nhiều mặt, giải quyết việc làm; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngày 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay.

Số vốn đầu tư công của năm nay là một con số lớn, tăng hơn 130.000 tỷ đồng so với năm 2022. Việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh không chỉ khắc phục tình trạng chậm trễ của năm ngoái, mà còn giúp khai thông, kích hoạt thêm nhiều nguồn lực, cơ hội kinh doanh mới, qua đó tạo xung lực và sự lan tỏa cho phát triển và tăng trưởng kinh tế cao trong năm nay.

Tăng tốc giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm

Chuẩn bị đầu tư tốt, đặc biệt tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng nên sau khi khởi công, nhiều dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bám sát được tiến độ đề ra. Thậm chí, nhiều dự án nhờ vậy đã có cơ sở để rút ngắn thời gian hoàn thành từ 3 đến 10 tháng so với kế hoạch.

"Chúng tôi tăng ca tăng kíp, làm 24/24 giờ. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường thêm 1 mũi nữa", ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chỉ huy trưởng, Công ty CP Sản xuất Công nghiệp xây lắp 3, cho biết.

Nhờ vậy, tháng đầu tiên của năm tuy có nhiều ngày nghỉ Tết, nhưng tỉnh Cà Mau vẫn giải ngân được hơn 9% kế hoạch đầu tư công, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và gần 7 lần so với bình quân chung cả nước. Có được kết quả này, bài học hàng đầu được rút ra là phải tập trung vào công tác chuẩn bị đầu tư.

"Chỉ đạo các chủ đầu tư phải chuẩn bị nguồn nguyên, vật liệu để khi giao vốn thì có thể đây nhanh tiến độ", ông Trần Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, cho hay.

Năm nay, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được bố trí nguồn vốn đầu tư cao hơn năm trước, nên hàng loạt các tuyến đường giao thông, đặc biệt các trục cao tốc có tính lan tỏa cho tăng trưởng sẽ được triển khai ngay từ đầu năm.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo và ý kiến phát biểu cũng đã chỉ cụ thể các tồn tại, hạn chế gồm: 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực: đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Thủ tướng nêu rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số tiền trên 28,6 nghìn tỷ đồng.

Nhiều dự án nguy cơ chậm tiến độ do thiếu cát

Một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư công là giao thông. Năm nay, Bộ Giao thông Vận tải được giao hơn 94.00 tỷ đồng vốn đầu tư công, lớn nhất từ trước tới nay, gấp 1,7 lần năm 2022.

Mới đây, Thủ tướng đã ký công điện phân công giải quyết vướng mắc, kiến nghị liên quan đến đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu rà soát, nâng công suất các mỏ cát, mỏ đá phục vụ xây dựng các tuyến đường cao tốc.

Đây là việc có ảnh hưởng lớn đến tổ chức triển khai thực hiện. Bởi đơn cử như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thành khoảng 400 km đường cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Giao thông Vận tải tính toán cần khoảng 39 triệu m3 cát để thi công những tuyến cao tốc này. Trong khi đó, toàn bộ lượng cát sông của khu vực chỉ có khoảng 26 triệu m3. Việc nghiên cứu tìm kiếm vật liệu thay thế cho cát sông là nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên nhanh nhất cũng phải đến cuối năm nay mới có kết quả nghiên cứu, trong khi đó việc thiếu cát đang liên tiếp xuất hiện ở nhiều công trình giao thông trọng điểm.

Tỉnh An Giang, một trong những địa phương có trữ lượng cát sông lớn nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính, trữ lượng sát sông trên địa bàn tỉnh này có khoảng 20 triệu m3 và hiện đã lên chương trình cung cấp cho các dự án khoảng 15 triệu m3, chính vì thế để nâng sản lượng cát rất khó khăn.

"Việc cân đối sản lượng cát để cung cấp cho các công trình trọng điểm rất căng và không còn khả năng cung cấp thêm, vì tổng lượng khai thác mỗi năm chỉ 7 triệu m3", ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết.

Với các địa phương không có nguồn cát tại chỗ càng khó khăn hơn, đặc biệt là các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km đi qua. Theo chủ đầu tư, dự án cần khoảng 18,5 triệu m3 cát, chính vì thế nhiều địa phương phải lên kế hoạch chủ động tìm nguồn cát.

Tại hội nghị ngày 21/2, Thủ tướng nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó yêu cầu tiếp tục rà soát các vướng mắc về thủ tục pháp lý, thẩm quyền đến đâu xử lý đến đó. Về nguyên vật liệu, Thủ tướng đề nghị các địa phương dự báo, cân đối lại nguồn và điều chỉnh giữa các địa phương dưới sự điều tiết của các bộ liên quan; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo PV

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên