MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách bay đông, hàng không vẫn chật vật

21-02-2023 - 08:49 AM | Doanh nghiệp

Đón lượng khách bay nội địa kỷ lục nhưng các hãng hàng không vẫn đang chật vật phục hồi, chờ lực đẩy mạnh mẽ hơn từ thị trường quốc tế

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện một số hãng hàng không cho biết đang tiếp tục ngóng thông tin Trung Quốc mở cửa du lịch đối với Việt Nam, với kỳ vọng đây là sẽ cú hích góp phần phục hồi mạnh mẽ hơn thị trường hàng không.

Khách tăng kỷ lục, hãng hàng không vẫn lỗ

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết trong dịp cao điểm Tết 2023, có hơn 10,16 triệu lượt khách qua các cảng hàng không trong nước, tăng 66,9% so với cùng kỳ Tết năm trước. Trong đó, có hơn 7,83 triệu lượt khách nội địa, tăng 14% so với cùng kỳ Tết năm 2020 (giai đoạn chưa bị ảnh hưởng dịch COVID-19).

Theo ACV, sản lượng hành khách, số lượng chuyến bay cất hạ cánh Tết 2023 tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (kể cả Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán) cho thấy ngành hàng không đã phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, sản lượng hành khách quốc tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn do Trung Quốc mới mở cửa biên giới, chỉ có một số chuyến bay thuê bao (charter) đến Việt Nam, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19. Dịp Tết vừa qua, khách quốc tế qua các cảng hàng không trên cả nước đạt hơn 2,32 triệu lượt, vẫn giảm 36,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Các hãng hàng không ghi nhận lượng khách nội địa phục hồi vượt kỳ vọng nhưng doanh thu và lợi nhuận chưa đạt kỳ vọng. Vietnam Airlines Group gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO thông tin đã phục vụ 2,4 triệu lượt khách, tương ứng thực hiện hơn 14.500 chuyến bay trên toàn mạng nội địa và quốc tế trong dịp cao điểm Tết 2023. Kết quả cho thấy tín hiệu phục hồi của hàng không Việt Nam sau đại dịch. Lượng khách này còn vượt gần 20% so với cùng kỳ giai đoạn trước dịch COVID-19 là Tết 2020. Dù vậy, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) cho thấy lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế năm vẫn lỗ tới 10.452 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31-12-2022 là âm 34.199 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỉ đồng. Thậm chí, cổ phiếu HVN còn bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM lưu ý về khả năng bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

Một hãng hàng không khác là Vietjet đã vận chuyển 20,5 triệu lượt khách với trên 116.000 chuyến bay trong năm 2022, vận tải hành khách nội địa tăng tới 20% so với năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Vietjet cho thấy dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của hãng đạt hơn 11.800 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lỗ tới 2.359 tỉ đồng, mức lỗ cả năm là 2.171 tỉ đồng.

Khách bay đông, hàng không vẫn chật vật - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đón lượng khách tăng cao kỷ lục trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: TẤN THẠNH

Kỳ vọng phục hồi

Các hãng hàng không đều đang kỳ vọng thị trường hàng không sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn khi Trung Quốc mở cửa trở lại và đẩy mạnh khai thác các thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trước dịch COVID-19, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong khi thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 12-2022 và tháng 1-2023 chỉ có khoảng hơn 32.000 lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam. Vừa qua Trung Quốc đã công bố danh sách 20 quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn nhưng không có Việt Nam. Sau công bố này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có văn bản gửi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đề nghị sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên khôi phục và phát triển du lịch.

Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines, cho biết Trung Quốc là một trong những thị trường lớn của ngành hàng không, du lịch. Hiện thị trường vẫn đang chờ đợi thông tin phía Trung Quốc xem xét bổ sung thêm danh sách điểm đến đưa khách tới du lịch tiếp theo. "Nếu Trung Quốc nối lại du lịch, hàng không với Việt Nam trong tháng 3 này, dự kiến khi Trung Quốc mở cửa du lịch, lượng khách từ thị trường này có thể sẽ hồi phục từ tháng 4-2023, đặc biệt tăng cao vào dịp hè" - ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, nhận định.

Trong một báo cáo mới đây về du lịch, các chuyên gia phân tích của Ngân hàng HSBC cho rằng với tỉ lệ khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 30%, Việt Nam có thể sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận "cú hích" từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc. Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, tỉ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc có thể đạt 50%-80% so với mức trước đại dịch. Con số 3 triệu đến 4,5 triệu lượng khách là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2023. Dù vậy, vẫn có thách thức lớn như hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, sự bất ổn của giá nhiên liệu, sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn hàng không, việc phục hồi thị trường hành khách trọng điểm khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản chưa mạnh...

Hỗ trợ hàng không để thúc đẩy du lịch

Nếu du lịch không được phục hồi sẽ rất khó để hàng không bứt phá và ngược lại. Hiện các hãng hàng không của Việt Nam đều đang lỗ và sức khỏe tài chính rất yếu, dòng tiền chỉ đủ duy trì hoạt động kinh doanh, rất khó để tính tới việc chiếm lĩnh đường bay.

Vietjet kiến nghị Chính phủ xem xét tháo dỡ giá trần và cho phép phụ thu xăng dầu nhằm giúp tăng cường nội lực và cạnh tranh cho các hãng hàng không nội địa. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, việc có cơ chế hỗ trợ hàng không phục hồi sẽ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, có thể nghiên cứu áp dụng cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng cho hàng không, du lịch như việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho lĩnh vực thương mại, công thương lâu nay.

Theo Thái Phương

Người Lao động

Trở lên trên