Một công ty du lịch không dám đưa khách lên Sapa
Tại "Diễn đàn cao cấp du lịch Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 5/12, ông Hà Minh Đức, Tổng giám đốc một công ty du lịch cho biết công ty không dám đưa khách đến Sapa nữa vì quá đông trong khi hạ tầng dịch vụ chưa đáp ứng kịp.
Tự giới thiệu mình có 12 năm kinh nghiệm làm du lịch lữ hành chuyên phục vụ khách châu Âu, ông Đức cho biết hiện công ty không dám đưa khách đến Sapa nữa vì quá đông. "Việt Nam có tài nguyên tuyệt vời, vị trí tuyệt vời nhưng lại gặp khó khăn khi hạ tầng không đáp ứng được lượng khách", ông nói.
Vị khách mời này cũng đề xuất về chiếc lược du lịch không nên đặt số lượng khách làm mục tiêu tăng trưởng mà cần nhấn mạnh vào chất lượng, làm thế nào để gia tăng tỷ lệ đóng góp vào GDP, kết hợp du lịch với bảo vệ môi trường, công tác quản lý.
"Không phải vấn đề số lượng khách mà là thu được tiền từ khách. Thậm chí tôi cho rằng Việt Nam có thể cần thu được tiền từ visa, tăng phí visa từ du khách", anh này nói.
Còn theo ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam, một trong những yếu tố cản trở du lịch Việt Nam là cơ sở hạ tầng. Mặc dù Việt Nam đã có những thay đổi nhất định nhưng cần nhiều hơn nữa để đón được nhiều du khách hơn. Thị trường Việt Nam cũng đang xếp sau nhiều thị trường khác về tiêu dùng. Tiếp nữa là về công suất của các sân bay, rất nhiều thông tin về các sân bay ở TP HCM, Nha Trang, Phú Quốc giờ đều quá tải.
Ông Kenneth Atkinson khẳng định: "Trong 7, 8 năm tới, Việt Nam sẽ thu hút 30 triệu lượt khách, nhưng chúng ta phải sẵn sàng về cơ sở hạ tầng".
Cùng quan điểm với ông Kenneth Atkinson, ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch Công ty Cổ phần HG khẳng định: "Chúng ta cần tinh chỉnh về nhận thức "du lịch là ngành mũi nhọn", trong khi đó nhiều nơi còn chưa làm tốt từ công tác vệ sinh... khiến khách hàng không quay lại. Thậm chí, một trong những thách thức lớn của Việt Nam là chỉ 10% khách quay lại, trong khi Thái Lan con số này là 80% quay lại".
Đặc biệt, theo ông Đức hiện nay cơ sở hạ tầng, sân bay đều đã quá tải, phải làm sao để tăng công suất như xếp hàng, tăng quầy, tăng tốc độ giải tỏa khách đi qua... nói chung là tối đa hóa công suất sử dụng sân bay.
Đưa ra giải pháp thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam, ông James A.Kaplan - Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor đánh giá ngành du lịch Việt Nam cần tham gia vào kỷ nguyên số để thúc đẩy sự phát triển
"Để thành công trong việc tăng lượt khách đến thì các yếu tố về cơ sở hạ tầng, công suất sân bay, nhân lực... cũng là những yếu tố đóng vai trò quan trọng. "Chúng ta phát triển du lịch nhưng cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường cần được tôn trọng", ông nhấn mạnh.
Theo James, để giải quyết điều đó, Việt Nam cần tham gia vào kỷ nguyên số cùng khu vực tư nhân, thông qua giải pháp số, dữ liệu nhân tạo, Big Data để thúc đẩy Việt Nam làm điểm đến. Ông dẫn chứng ngành du lịch phải tiếp cận hàng triệu nhóm khách hàng, do đó, Chính phủ cần xem đến giải pháp số, marketing số.