Khách du lịch tăng cao, hàng loạt dự án khách sạn cao cấp đổ bộ vào TP.HCM
Theo savills Hotel châu Á Thài Bình Dương, lượt khách đến Tp.HCM trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 5,45 triệu lượt, tăng 21.25% so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm (CAGR) của lượt du khách quốc tế đến Tp.HCM đạt mức 11% trong suốt giai đoạn 2010-2017. Chính nhu cầu nghỉ dưỡng của khách quốc tế gia tăng đã kéo theo sự nhộn nhịp của thị trường khách sạn cao cấp tại Tp.HCM.
Nguồn cung khách sạn Tp.HCM đang tăng lên?
Theo ghi nhận, nhiều khách sạn tại Tp.HCM đang được xây dựng và một số khách sạn hiện hữu mở rộng để nắm bắt cơ hội trong mảng kinh doanh khách sạn đang khá nhộn nhịp. Dự kiến, vào năm 2020 Tp.HCM sẽ có thêm 13 khách sạn với 3.500 phòng trung và cao cấp đi vào hoạt động.
Các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu đón sóng nhu cầu nghỉ dưỡng của đối tượng khách khách quốc tế tại Tp.HCM bằng việc đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp. Mới đây, Công ty phát triển BĐS Indochina Kajima đã khởi công xây dựng khách sạn Wink Hotel tại Nguyễn Bỉnh Khiêm, trung tâm Q.1, Tp.HCM. Khách sạn thuộc phân khúc sang trọng tầm trung, gồm 237 phòng được thiết kế theo phong cách đương đại. Khách sạn này dự kiến sẽ mở cửa vào quý 1/2020, mở đường cho một loạt những Wink Hotel khác tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và thị trường khác.
Hay Tập đoàn khách sạn Mandarin Oriental đã công bố kế hoạch phát triển khách sạn 5 sao Mandarin Oriental Saigon ngay tại trung tâm quận 1 và dự kiến khai trương vào năm 2019. Khách sạn này có 228 phòng, 6 nhà hàng và bar, spa, phòng gym cùng hồ bơi ngoài trời theo chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, theo khảo sát của Tập đoàn quản lý đầu tư và dịch vụ chuyên nghiệp Jones Lang LaSalle (JLL), hàng ngàn phòng nghỉ mới sẽ được đưa vào sử dụng tại TPHCM trong các năm tới. Chẳng hạn, khách sạn cao cấp Ascott Waterfront Saigon đã mở cửa với 217 phòng cao cấp. Năm 2018 có thêm khách sạn Citadines Regency Saigon với 200 phòng cao cấp; khách sạn Majestic mở rộng với 325 phòng cao cấp; Holiday Inn & Suite Saigon Airport với 350 phòng trung cấp...
Năm 2019 sẽ có Dragon Tower với 120 phòng cao cấp và Hilton Saigon với 350 phòng cao cấp. Đến năm 2020 sẽ có 500 phòng cao cấp từ Okura Prestige Saigon và Ritz-Carlton Saigon...
Theo JLL, hàng loạt thương hiệu khách sạn quốc tế cao cấp đã vào TPHCM. Số lượng khách sạn cao cấp do các tập đoàn trong nước quản lý cũng nhiều hơn nên mức cạnh tranh cho các nhà vận hành khách sạn tại TPHCM cao hơn so với Hà Nội. Tương tự một số quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan... phân khúc khách du lịch có ngân sách vừa phải tại TPHCM đang tăng trưởng nhưng số lượng các doanh nghiệp tham gia đầu tư cho phân khúc này còn ít.
Còn theo báo cáo của Savills Việt Nam trong quý 3/2017, dự báo từ quí 3/2017 đến năm 2020, Tp.HCM sẽ có gần 3.200 phòng khách sạn của 14 dự án gia nhập thị trường.
Lạc quan đến năm 2019
Những tín hiệu tích cực từ lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những năm qua là đòn bẩy cho thị trường khách sạn trung tâm Tp.HCM phát triển.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM, cùng với lượng khách quốc tế và trong nước đến Tp.HCM ngày càng gia tăng đã kéo theo nhu cầu sử dụng khách sạn, nhất là phân khúc trung cao cấp tăng cao. Điều này đã giúp thị trường khách sạn trung cao cấp của Tp.HCM thu hút nhiều nhà đầu tư trong thời gian gần đây.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, thị trường khách sạn Tp.HCM hoạt động khá tốt trong những năm gần đây với số lượng nguồn cung của các dự án cao cấp và hạng sang không quá nhiều, nguồn cầu vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt.
Lượt khách đến Tp.HCM trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 5.45 triệu lượt, tăng 21.25% so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm (CAGR) của lượt du khách quốc tế đến Tp.HCM đạt mức 11% trong suốt giai đoạn 2010-2017. Là trung tâm kinh tế của cả nước, đối tượng du khách công vụ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách đến Tp.HCM.
Cũng như các điểm đến nghỉ dưỡng khác tại Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, thị trường khách sạn Tp.HCM cũng chứng kiến sự xuất hiện các thương hiệu khách sạn quốc tế như Mandarin Oriental, Melia, Indigo, Movenpick…. Với số lượng nguồn cung trong phân khúc 4-5 sao quốc tế không quá nhiều. "Chúng tôi vẫn có nhận định lạc quan về hoạt động của thị trường khách sạn Tp.HCM trong năm 2019", Mauro Gasparotti nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM, hiện nay, thành phố đang khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào loại hình cơ sở lưu trú từ 5 sao trở lên. Để thu hút nhà đầu tư, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, công bố quy hoạch địa điểm các cơ sở lưu trú, các vấn đề liên quan đến thuế, giá thuê đất… kèm theo các giải pháp quảng bá, xúc tiến về du lịch để thu hút du khách đến thành phố.
Theo Sở Du lịch TP, cũng đã có nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch sẽ mở thêm khách sạn cao cấp để phục vụ lượng khách du lịch đến thành phố ngày càng tăng cao. Theo tính toán của Sở Du lịch TP, với những dự án đã và đang được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký, đến năm 2020 lượng khách sạn cao cấp này sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của khách du lịch đến Tp.HCM.
Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital cho biết: "Hơn hai mươi năm làm việc trong ngành BĐS, tôi đã chứng kiến và trực tiếp tham gia vào sự phát triển không ngừng của nền kinh tế Việt Nam, và được chứng kiến vai trò, vị thế của Việt Nam đã thay đổi một cách ngoạn mục trên trường quốc tế. Do đó, việc các doanh nghiệp quốc tế phát triển các dự án khách sạn tại Việt Nam là lời khẳng định cho sự trưởng thành của Việt Nam trên bức tranh du lịch toàn cầu".