MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách hàng mất gần 47 tỷ ở Sacombank, ngân hàng có phải đền bù thiệt hại?

21-03-2023 - 22:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Trường hợp khách hàng mất tiền, các cán bộ, nhân viên ngân hàng phải chịu trách nhiệm ra sao? Ngân hàng có phải liên đới bồi thường thiệt hại bởi người lao động của mình gây ra không?

Tháng 5/2022, bà Hồ Thị Thùy Dương (ở TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) phát hiện tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hoà bị mất tiền nên đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Kết quả, có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ 4/5/2022 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỷ đồng.

Khách hàng mất gần 47 tỷ ở Sacombank, ngân hàng có phải đền bù thiệt hại? - Ảnh 1.

Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh - nơi xảy ra vụ tham ô tài sản (nguồn cand.com.vn)

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh, đã bị khởi tố về tội Tham ô tài sản) cùng các cấp dưới đã chiếm đoạt 46,9 tỷ đồng từ tài khoản của bà Dương. Sau nhiều tháng không được ngân hàng trả lại tiền, bà Dương đã gửi đơn kêu cứu tới Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Anvi cho rằng việc cơ quan chức năng khởi tố Phó phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh – Nguyễn Thị Thanh Hà về tội tham ô tài sản với những dấu hiệu ban đầu là chính xác và hợp lý. Bởi Phó phòng giao dịch Cam Ranh là người giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp còn các cán bộ, nhân viên ngân hàng khác là những người được giao thực hiện các nhiệm vụ tại ngân hàng, trong đó có việc bảo đảm tiền gửi cho khách hàng và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó. Việc họ tự ý rút gần 47 tỷ đồng, theo cáo buộc của bà Dương, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị xử lý về tội Tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo luật sư Trương Thanh Đức: về nguyên tắc, những người làm trong ngân hàng nói riêng là làm theo sự phân công, ủy quyền, giao việc của ngân hàng nên sai thì ngân hàng phải chịu. Nếu nhân viên ngân hàng làm không đúng quy trình, không đúng quy định của pháp luật và quy định nội bộ thì thuộc về trách nhiệm nội bộ trong ngân hàng, chứ nguyên tắc là ngân hàng sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với khách hàng nếu cán bộ của mình làm sai khiến khách hàng mất tiền, tài sản hay những thiệt hại khác.

Tuy Nguyễn Thị Thanh Hà (nguyên Phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh) đã bị khởi tố về tội Tham ô tài sản nhưng người nào chưa bị Tòa án kết tội thì vẫn không thể coi là có tội. Trường hợp này, mới chỉ là khởi tố vụ án, khởi tố bị can, còn cần quá trình điều tra, xem xét.

Khách hàng mất gần 47 tỷ ở Sacombank, ngân hàng có phải đền bù thiệt hại? - Ảnh 2.

“Trong vụ việc khách hàng phát hiện tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hoà bị mất tiền, sau quá trình điều tra, nếu xác định rõ khách hàng không có sai phạm gì thì ngân hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nếu có bằng chứng rằng khách hàng có sơ suất thì họ sẽ phải chịu một phần trách nhiệm. Hoặc nếu khách hàng cố tình sai trái hoặc thông đồng với cán bộ ngân hàng thì câu chuyện sẽ hoàn toàn chuyển theo hướng khác, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của một phía.” – Luật sư Trương Thanh Đức cho biết thêm.

Sacombank cho rằng bà Dương cung cấp thông tin một chiều, chưa đầy đủ và phản ánh không đúng bản chất sự việc. Kiểm tra hồ sơ, ngân hàng này phát hiện có bằng chứng vay mượn, hợp tác làm ăn ngoài xã hội giữa bà Dương và một số cá nhân nguyên là cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Cam Ranh trong nhiều năm.

Các bằng chứng đã được những người liên quan cung cấp và Văn phòng Thừa phát lại Khánh Hòa lập vi bằng ngày 16/10/2022.

Đối với 12 giao dịch mà bà Dương tố bị mất tiền, Sacombank khẳng định có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi. Các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa.

Sacombank cũng khẳng định không thoái thác trách nhiệm với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại Phòng giao dịch Cam Ranh nói chung. Mọi việc cần xử lý tuân thủ quy trình và chờ kết luận từ cơ quan chức năng.

Ngày 17/3, Ngân hàng thương mại CP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ra thông cáo báo chí liên quan việc khách hàng Hồ Thị Thúy Dương bị mất số tiền 46,9 tỉ đồng khi gửi tại Phòng giao dịch ngân hàng Sacombank Cam Ranh.

Số tiền bà Hồ Thị Thùy Dương bị mất là 46,9 tỷ đồng nhưng hiện nay, Sacombank vẫn đang chờ ý kiến từ phía công an để có hướng giải quyết. Nhiều người cho rằng đây là cách xử lý chưa hợp tình, hợp lý, nhất là khi ngân hàng đã trả tiền cho một số khách hàng bị rơi vào trường hợp giống bà Hồ Thị Thùy Dương.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Đã chuyển sang cơ quan công an thì có dấu hiệu vụ án hình sự. Trường hợp nào không liên quan, có thể xử lý nhanh. Trường hợp nào có dấu hiệu liên quan đến tội phạm hình sự, pháp luật cho phép dừng lại để chờ kết luận của cơ quan điều tra, thậm chí là Viện kiểm sát, Tòa án.

Đặc biệt, nếu sau này, cơ quan chức năng xác định Sacombank đúng thì đương nhiên, họ không phải chi trả khoản tiền đấy, thậm chí có thể thu hồi lại số tiền đã trả cho khách hàng. Nhưng nếu Sacombank sai toàn bộ thì ngoài việc trả toàn bộ số tiền gốc, tiền lãi trong hạn mà khách hàng bị mất, ngân hàng còn phải trả lãi quá hạn khi không trả tiền đúng hạn theo đúng quy định của pháp luật"./.

Theo Việt Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên