MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách hàng mua dự án của Alibaba liệu có mất trắng quyền lợi?

20-09-2019 - 14:05 PM | Bất động sản

Ngày 19.9, tức sau một ngày Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty Cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan, đồng thời bắt giữ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện, Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh, hàng trăm khách hàng trót xuống tiền mua sản phẩm dự án của công ty này như đang “ngồi trên đống lửa vì lo mất trắng quyền lợi và không biết ai sẽ giải quyết quyền lợi cho họ.

Khách hàng mua dự án như “ngồi trên lửa”

Trong ngày 19.9, hàng trăm khách hàng đã tìm đến trụ sở Công ty CP địa ốc Alibaba trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh và ai cũng có tâm trạng hoang mang, lo lắng về số tiền mà họ đã đầu tư nguy cơ bị mất.

Khách hàng Phan Tài (ngụ tại quận 5) cho biết, ông đã đầu tư một số lô đất thuộc dự án Long Phước 5 của Alibaba vào cuối năm 2018 nhưng từ đó đến nay không được giao đúng mảnh đất cam kết. Trước thời điểm lãnh đạo công ty bị bắt, ông đã nhiều lần đến công ty đòi giao đất cũng như tiền lãi chậm bàn giao nền. “Lúc này công ty thông báo dừng trả lãi vì đang hoàn tất thủ tục bàn giao nền đất và yêu cầu tôi làm đơn xin nhận bàn giao đất nền gửi đến phòng quản lý đất đai và cơ sở hạ tầng” - ông Tài bức xúc. 

Tuy nhiên, đến tháng 6 vừa qua, ông Tài làm đơn xin nhận nền thì được nhân viên dẫn xuống hiện trường chỉ một thửa đất trên cánh đồng trống, không có cơ sở hạ tầng như công ty đã cam kết, chỉ cắm tạm bợ 4 trụ đá làm ranh giới. Sau khi hay tin lãnh đạo công ty địa ốc Alibaba bị bắt, ông tỏ ra hoang mang về số tiền đóng mua đất có lấy lại được không? Ông đã gửi hồ sơ giấy tờ cho cơ quan chức năng và mong sớm được thu hồi tiền.

Cùng chung số phận với ông Tài, vợ chồng chị Hoa ở Bình Thuận đã đầu tư vào dự án của Công ty Alibaba tại Vũng Tàu từ năm 2017. Khi được dẫn đi xem dự án và mời chào ký hợp đồng, nhân viên của Alibaba đã liên tục đưa ra những lời chào hấp dẫn và khẳng định rằng lô đất sẽ được tách sổ riêng. Tuy nhiên, hơn một năm sau, công ty vẫn không ra được sổ như lời hứa nên vợ chồng chị Hoa đã quyết định lên Công ty để đòi lại tiền. 

Thế nhưng, việc đòi lại tiền lại không dễ như vợ chồng anh tưởng. Rất hoang mang trước việc Cty địa ốc Alibaba bị bắt, sáng ngày 19.9, có mặt tại Công ty Alibaba cầm trên tay chiếc điện thoại, vợ chồng chị Hoa liên tục gọi điện cho nhân viên môi giới đã bán đất nền cho mình, nhưng kết quả nhận được chỉ là những hồi chuông dài, không ai bắt máy.

Hàng trăm khách hàng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... đều mong muốn giờ đây không phải là những khoản lời lãi hấp dẫn như những lời hứa hẹn bay bổng của Alibaba, mà có lẽ chỉ cần lấy lại được số tiền đã bỏ ra đã là may mắn rồi.

Khách hàng mua dự án của Alibaba liệu có mất trắng quyền lợi? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba nghe đọc lệnh kiểm tra công ty. Ảnh: P.V

Để đảm bảo quyền lợi nên trình báo cơ quan công an

Có trường hợp như bà N.T.N đầu tư vào dự án của Cty Alibaba, sáng 19.9 đến thẳng trụ sở Cty để đòi tiền mà trước đây Cty hứa ngày 21.8 sẽ thanh toán, nhưng đến nay vẫn không thanh toán. Bà Huỳnh Thị Ngọc Như - Phụ trách đối ngoại và đào tạo của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba - giải thích rằng, việc Cty không toán cho khách hàng đúng hẹn là vì vừa qua tài khoản của Cty đã bị công an phong tỏa nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Còn về thời gian khi nào trả tiền cho bà N.T.N, thì bà Huỳnh Thị Ngọc Như cho rằng: Khi nào trả được tiền cho khách hàng thì chỉ có công an mới trả lời được thôi, vì hiện tại công an đã giữ hết hồ sơ, giấy tờ, tài sản của Cty.

Trước những thắc mắc của khách hàng về giải quyết quyền lợi ra sao, bà Huỳnh Thị Ngọc Như liên tục trấn an khách hàng: “Công ty đang tìm cách giải quyết. Người nào có đất xin gửi lại công ty để bán...”.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã - Văn phòng luật DBS - các giao dịch của Alibaba được điều chỉnh bằng hợp đồng trên cơ sở tự nguyện giao kết của khách hàng. Theo hợp đồng này, với lợi tức mang lại cho khách hàng rất cao nên thu hút người dân giao dịch. Lãi suất mà Alibaba quảng cáo là phi thực tế, khó ngành kinh doanh bán lẻ nào mà đạt tỉ suất lợi nhuận hơn cả 38%/năm. Nếu kiểm toán số liệu tài chính của Alibaba sẽ cho thấy sự bất hợp lý khi đưa ra mức cam kết lãi suất này. Để duy trì khả năng thanh toán, chỉ còn cách công ty này phải liên tục huy động vốn, lấy của người sau trả cho người trước. Với mô hình này, đến một thời điểm nào đó, Alibaba không huy động được thì dễ xảy ra sụp đổ dây chuyền.

Trước mắt, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng của Công ty Alibaba nên trình báo với Cơ quan cảnh sát điều tra về tất cả các giao dịch đối với công ty địa này. Nếu khách hàng nào “may mắn” ký hợp đồng mua được các thửa đất do Công ty Alibaba bán có đầy đủ hồ sơ pháp lý rõ ràng phù hợp với luật định (nếu có) thì quyền lợi khách hàng sẽ được bảo đảm. Ngược lại, nếu khách ký hợp đồng mua các thửa đất không hồ sơ pháp lý do Công ty Alibaba làm giả để nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản các khách hàng thì các hợp đồng đó coi như bị vô hiệu.

Người dân có đòi lại được tiền mua đất?

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Văn Quynh - Đoàn Luật sư Hà Nội - cho rằng: Đối với vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Cty Cổ phần Địa ốc Alibaba, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh đang khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. Do đó theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì toàn bộ vật chứng, tang vật công cụ phạm tội đều được niêm phong, bảo quản để làm rõ trong quá trình điều tra, kết luận vụ án. Trước khi khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng đã phong tỏa tài khoản cá nhân của một số đối tượng trong vụ án nhằm ngăn chặn tẩu tán gây hậu quả khó khắc phục được. Do đó, việc người dân có đòi được lại khoản tiền đã nộp cho Cty CP Địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan hay không còn phụ thuộc vào quá trình điều tra Cơ quan có thu lại được tài sản để khắc phục hậu quả do các đối tượng phạm tội gây ra hay không. Nếu không thu được tài sản thì trong quá trình xét xử vụ án, bên cạnh trách nhiệm hình sự, tòa án vẫn tuyên về trách nhiệm dân sự do các bị cáo phải trả lại cho người đã nộp tiền. Nam Dương ghi

"Khách hàng" địa ốc Alibaba được mời lên nhưng không hợp tác

Ngày 19.9, lãnh đạo công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết, khi Bộ Công an có yêu cầu danh sách khách hàng đã mua sản phẩm đất nền "ảo" của Alibaba ở huyện Long Thành và mời lên cung cấp thông tin nhưng nhiều trường hợp không hợp tác. Thượng tá Nguyễn Anh Hiển - Phó Trưởng Công an huyện Long Thành - cho biết, có nhiều biểu hiện cho thấy nhiều trường hợp khách hàng cũng là nhân viên của địa ốc Alibaba, phải đóng tiền để được vào làm việc, sau đó tiếp tục "dụ" người nhà tham gia và tiếp tục "dụ" nhiều người khác, hoạt động như "đa cấp". Do đó, khi sự việc xảy ra thì tìm cách tránh né, không hợp tác với cơ quan chức năng. MINH CHÂU

Theo Bảo Chương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên