Khách quốc tế phải hủy vé đến Việt Nam
Việt Nam tích cực thu hút khách quốc tế trở lại sau thời điểm mở cửa 15/3, tuy nhiên lại có thực trạng khách quốc tế buộc phải hủy chuyến đi tới Việt Nam do rào cản thủ tục.
- 11-05-2022Khách quốc tế tăng mạnh, trong tháng 4 bằng cả quý 1
- 09-05-2022Đề xuất bỏ xét nghiệm trước xuất cảnh, bớt rào cản để hút khách quốc tế
- 30-04-2022Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cao gấp 5 lần cùng kỳ năm 2021
Xác định khách quốc tế đến Việt Nam cao điểm vào dịp gần cuối năm, tuy nhiên một số doanh nghiệp lữ hành đón khách quốc tế gặp khó khăn khi khách vấp phải rào cản visa.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group chia sẻ với Tiền Phong, từ thời điểm mở cửa 15/3, đơn vị này đã phải hủy 10 đoàn khách quốc tế. “Khách đành phải hủy chuyến đi do không lấy được visa. Ngoài 13 thị trường quốc tế được miễn visa, nhiều khách ở các thị trường khác khó khăn khi xin cấp visa”, ông Hà nói.
Sau đại dịch COVID-19, các chuyên gia du lịch nhận thấy sự chuyển dịch đáng lưu tâm của cả xu hướng du lịch lẫn thị trường khách. Ông Phạm Hà nêu, sau đại dịch nhiều thị trường mới từ châu Mỹ, Đông Âu có nhu cầu du lịch Việt Nam nhưng lại vướng thủ tục. “Nhiều khách Úc, New Zealand không lấy được visa. Khách đến từ Sri Lanka cũng không lấy được visa điện tử”, ông Hà cho biết.
Thủ tục visa gây khó khăn cho du khách, nhiều khi khách chờ visa điện tử tới 12 ngày cũng chưa chắc được nhận. “Thực tế du lịch mở cửa nhưng chính sách visa còn chưa cởi mở nên khách quốc tế đến Việt Nam vẫn thưa vắng”, ông Hà phân tích. Dù biết mùa cao điểm khách quốc tế phải bước sang quý 4 mới nhộn nhịp, tuy nhiên thủ tục visa đang trở thành một trong số rào cản đối với việc thu hút khách quốc tế.
Khách du lịch quốc tế còn thưa vắng. Ảnh: HOÀI VĂN
Ông Cao trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phản ánh xu hướng khách lẻ đi du lịch nhiều lên sau đại dịch thay vì các đoàn đông người. Tuy nhiên họ lại gặp khó khi làm thủ tục visa do liên quan tới quy định về bảo lãnh. Khách quốc tế làm thủ tục visa điện tử phải chờ đợi lâu ngày không chủ động được thời gian khiến họ buộc phải hủy vé tới Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam bớt hấp dẫn, tính cạnh tranh thấp so với các quốc gia du lịch phát triển trong khu vực.
“Ta phải có chính sách phù hợp với xu hướng đó, làm sao để bắt được luồng khách lẻ này tránh để họ gặp khó khăn lại chọn du lịch nước khác”, ông Cao Trí Dũng đề xuất.
Nhận được phản ánh từ một số doanh nghiệp, mới đây Hội đồng Tư vấn du lịch đã tổ chức hội thảo trực tuyến để ghi nhận, đồng thời soạn báo cáo nhanh gửi Ban IV để đề xuất với Chính phủ.
Trong số các kiến nghị nhằm thu hút khách quốc tế, Hội đồng Tư vấn Du lịch đưa vấn đề thị thực lên ưu tiên hàng đầu cần được cải thiện: Mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước như Mỹ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan…; Áp dụng thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn (30 ngày); Thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục.
Tiền phong