MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách sạn Ấn Độ từ chối phục vụ người Trung Quốc

07-07-2020 - 15:01 PM | Tài chính quốc tế

Căng thẳng chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang leo thang.

Mới đây, Tổ chức khách sạn và nhà hàng tại Delhi (DHROA) đã tuyên bố sẽ không phục vụ bất kỳ du khách Trung Quốc nào trong khoảng 3.000 cơ sở của họ tại Ấn Độ giữa lúc căng thẳng 2 nước đang lên cao.

"Với những động thái của Trung Quốc thời gian gần đây, chúng tôi quyết định sẽ không phục vụ bất kỳ người Trung Quốc nào trong các cơ sở tại Delhi kể từ bây giờ trở đi", tuyên bố của DHROA ghi rõ.

Tổ chức DHROA vốn là liên đoàn của những khách sạn, nhà nghỉ giá rẻ với công suất khoảng 75.000 phòng tại thủ đô New Delhi-Ấn Độ. Họ cũng đã tuyên bố sẽ ngừng sử dụng các thiết bị hay dụng cụ nhà bếp được sản xuất tại Trung Quốc.

Tranh chấp biến giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã làm gia tăng phong trào tẩy chay hàng Trung tại Ấn Độ. Tuyên bố của DHROA được đưa ra đúng lúc Ấn Độ đang mở cửa dần trở lại ngành du lịch sau lệnh giãn cách vì dịch Covid-19.

"Chúng tôi đã chịu ảnh hưởng trong 3 tháng qua và giờ lại đến điều này", một nhân viên nhà hàng Trung Quốc tại một khách sạn ở New Delhi than vãn.

Mặc dù Ấn Độ chưa mở cửa trở lại các chuyến bay quốc tế sau dịch Covid-19 nhưng các chuyên gia nhận định du khách Trung Quốc sẽ không đến Ấn Độ nếu sự an toàn của họ bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị.

Liên đoàn môi giới Ấn Độ (CAIT), đại diện cho hơn 70 triệu thương lái, nhà môi giới tại quốc gia này đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm từ Trung Quốc kể từ giữa tháng 6/2020. Nguời tiêu dùng Ấn Độ được kêu gọi ngừng mua những sản phẩm từ Trung Quốc trong các lễ hội lớn sắp tới.

Truyền thông Ấn Độ cho biết những lô hàng của Trung Quốc như smartphone hay thiết bị y tế đã bị kẹt lại cửa khẩu từ tháng 6/2020. Theo nhiều nguồn tin, những lô hàng này sẽ bị giữ ngoài cửa khẩu 2-3 tuần do vướng những vấn đề về thủ tục.

Trong khi đó, hãng tin Nikkei cho biết chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh tạm ngưng hoàn thiện hồ sơ thông quan cho các lô hàng thiết bị điện tử viễn thông từ các nhà cung cấp Trung Quốc như Huawei hay ZTE.

Một số bang như Maharashtra đã xem xét lại thỏa thuận đầu tư với các doanh nghiệp Trung Quốc như hãng ô tô Great Wall Motor của Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều ứng dụng của Trung Quốc như Tik Tok đã chính thức bị cấm tại Ấn Độ.

Theo các nhà quan sát, Ấn Độ đang ở trong tình thế khá khó khăn khi khoảng 700.000 người tại đây đã nhiễm virus Sars nCov2, đặc biệt là trong giới người nghèo. Dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy nền kinh tế Ấn Độ sẽ giảm 4,5% trong năm nay, điều chưa từng xảy ra trong 40 năm qua.

Hiện Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang cố gắng cứng rắn với Trung Quốc để duy trì sự ủng hộ chính trị. Tuy nhiên những động thái tẩy chay trên có thể gây tổn hại cho nền kinh tế vốn đang chìm vào suy thoái của Ấn Độ.

Về phía Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh hiện vẫn chưa có các động thái đáp trả rõ ràng. Theo giới phân tích, Trung Quốc đang ưu tiên giải quyết căng thẳng với Mỹ và các quan chức đang cố tránh leo thang một cuộc xung đột toàn diện với Ấn Độ.

Theo AB

Trí thức trẻ

Trở lên trên