MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách sạn hạng sang Việt Nam đua nhau đổi chủ

Chỉ trong năm 2016 đã có tới 6 khách sạn hạng sang được sang tên đổi chủ. Hoạt động chuyển nhượng sôi động nhất từ trước đến nay.

Hầu hết những khách sạn hạng sang đều là những tài sản có giá trị ở những khu trung tâm Hà Nội hoặc Sài Gòn, đều là những khách sạn nổi tiếng lâu nay như Metropone Hà Nội, Sofitel Plaza Hanoi, Novotel Saigon Central, Kumho Asiana, Duxton Saigon,…

1.Metropone Hà Nội

Năm 2012, VinaCapital đã thông qua Jones Lang LaSalle đánh tiếng bán 50% cổ phần tại khách sạn hạng sang nổi tiếng 115 năm tuổi Metropole Hà Nội, tương đương giá trị sổ sách khoảng 58,7 triệu USD.

Nhưng kế hoạch này dường như đến nay mới thực hiện khi mới đây Quỹ VOF (do VinaCapital quản lý) cho biết đã ký một thỏa thuận bán một “tài sản” cho một nhóm nhà đầu tư mới thành lập. VOF không tiết lộ nhóm nhà đầu tư mới này, tuy nhiên, nhiều khả năng đó là một liên doanh chuyên về đầu tư và quản lý khách sạn gồm VinaCapital, Warburg Pincus và ông Don Lâm – CEO của Vinacapital vừa mới thành lập, có quy mô 300 triệu USD.

Thương vụ này dự kiến mang về cho VOF 100 triệu USD (bên mua đã thanh toán 37 triệu USD, số tiền còn lại sẽ được trả dần trong vòng 2 năm). Theo báo cáo cập nhật tình hình hoạt động tháng 10 của VOF, khoản đầu tư vào Metropole vẫn được VOF ghi nhận ở mức 60 triệu USD, chiếm 7,3% giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ.

2. Khách sạn Sofitel Plaza Hanoi

Một khách sạn hạng sang nổi tiếng khác nằm trên đường Thanh Niên (Ba Đình, HN) là Khách sạn Sofitel Plaza Hanoi cũng vừa được sang tên, đổi chủ.

Trước đây, một liên doanh được lập ra để đầu tư xây dựng khách sạn Khách sạn Sofitel Plaza Hanoi là Công ty Quốc tế Hồ Tây gồm đối tác nước ngoài nắm 75% là PID investments Ltd của Singapore và đối tác trong nước là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội nắm 25%.

Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động từ 1998 đến năm 2000, khách sạn hoạt động thua lỗ liên tục, con số lên tới 545 tỷ. Từ khi tập đoàn Accor vào quản lý khoảng năm 2001 thì Sofitel Plaza Hanoi đã có ông chủ mới là UOL Group. Báo cáo thường niên 2013 cho thấy UOL sở hữu 75% tại Công ty Quốc tế Hồ Tây.

Mới đây, thông tin từ CBRE Việt Nam cho biết Tập đoàn Khách sạn Pan Pacific(Singapore) đã thực hiện thành công thương vụ đầu tư vào khách sạn Sofitel Plaza Hanoi, được cải tạo lại và đổi tên thành Khách sạn Pan Pacific. Khách sạn này gồm 273 phòng và 56 căn hộ dịch vụ.

3. Sedona Suites Hanoi

Cũng trong năm 2016, Tập đoàn BRG đã mua lại khách sạn Sedona Suites Hanoi (Tây Hồ, Hà Nội) với giá 31,5 triệu USD từ Keppel Land Việt Nam. Khu tổ hợp khách sạn này có vị trí đắc địa ven Hồ Tây với quy mô 155 căn hộ và 20 biệt thự sang trọng.

4.Kumho Asiana

Hồi đầu tháng 6 vừa qua, thị trường địa ốc bất ngờ đón nhận thông tin Tập đoàn Mapleetree đã mua lại Tổ hợp Kumho Asiana Plaza từ liên doanh Hàn Quốc là Kumho Industrial và Asiana Airlines, tổng giá trị thương vụ này là 215 triệu USD.

Đây được xem là thương vụ lớn nhất mà Mapleetree đầu tư mua tài sản đã hoàn thành và đang hoạt động sinh ra dòng tiền tại Việt Nam.

Tổng diện tích sản vào khoảng 146.000 m2, gồm văn phòng hạng A, căn hộ dịch vụ và một khách sạn của InterContinental Hotels Group quản lý. Mapleetree cho biết hiện công suất cho thuê khối văn phòng và các căn hộ dịch vụ, cũng như khối đế F&B trong tòa nhà đạt trên 90%.

5. Duxton Hotel Saigon

Thương vụ này được Savills thu xếp và công bố nhà đầu tư Singapore Low Keng Huat chuyển nhượng lại với mức giá 49 triệu USD công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát là New Life

Duxton Saigon là khách sạn 4 sao tọa lạc tại khu phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) với quy mô 191 phòng ở hạng sang, 16 phòng họp và nhiều tiện nghi khác. Sau khi chuyển nhượng khách sạn có tên mới là Prince.

6. Novotel Saigon Centre

Một khách sạn hạng sang khác ở trung tâm Sài Gòn gần đây cũng đã sang chủ mới là Novotel Saigon Centre. Công ty cổ phần Quê Hương Liberty chuyển nhượng cho Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn Green View (SGGV Investment), một quỹ đầu tư mới thành lập cuối năm 2014 với vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là một khách sạn 4 sao với 247 phòng.

Theo báo cáo của Quê hương Liberty, giá trị công ty đầu tư vào Thiên Phúc là 670 tỉ đồng và lãi khoảng 380 tỉ đồng từ giao dịch này, như vậy khách sạn Novotel Saigon Centre được bán với giá khoảng 1.050 tỉ đồng (tương đương với 43 triệu USD).

Theo nhận định của Savills Việt Nam, thị trường khách sạn Việt Nam thời gian qua tăng trưởng đáng kinh ngạc. Lượng lớn khách sạn quốc tế gia nhập thị trường, các chuyến bay gia tăng nhanh, kèm theo chính khách cởi mở về thị thực nhập cảnh và mức đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng.

Khách quốc tế và khách trong nước đều tăng đột biến. Trong khi năm 2015 khoảng 7,9 lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì chỉ trong 11 tháng 2016 con số này đã đạt trên 9 triệu lượt (tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước), khách du lịch trong nước cũng tăng 48% vào năm 2015 và mức tăng trung bình đạt khoảng 14% mỗi năm trong vòng 10 năm trở lại đây.

Cùng với sự gia tăng nguồn cầu, các nhà đầu tư cũng hướng sự chú ý đến thị trường khách sạn ngày càng nhiều hơn. Điều này được minh chứng rõ ràng qua nhiều giao dịch thành công ở trên.

Nhật Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên