MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách Tây đúc kết cẩm nang cách sống chuẩn Việt: Cử chỉ nào sẽ đóng băng cuộc trò chuyện?

18-06-2023 - 17:11 PM | Sống

Khách nước ngoài đúc kết cách dùng các cử chỉ sao cho đúng khi ở Việt Nam.

Cây bút Matthew Pike - người Canada - của trang Culture Trip đã có khoảng thời gian sống ở Việt Nam nhiều năm. Trong quá trình sinh sống tại đây, anh đã đúc kết ra cách dùng những cử chỉ cho chuẩn, không khiến người địa phương hiểu nhầm. Dưới đây là bản dịch bài viết của anh.

"Khi nói đến ngôn ngữ cơ thể, không phải mọi thứ đều giống nhau ở mọi quốc gia. Những cử chỉ được coi là bình thường ở một quốc gia này có thể sẽ lại là thứ gây ra sự khó chịu ở một quốc gia khác. Tuy nhiên, đừng lo lắng, chúng tôi ở đây để giúp đỡ mọi người. Dưới đây là hướng dẫn về các cử chỉ bạn có thể dùng ở Việt Nam - và tất nhiên là những cử chỉ bạn nên tránh.

Xua tay

Điều này quen thuộc đến mức bạn thậm chí có thể thấy mình đang vô tình xua tay ngay cả khi đang không ở Việt nam. Một số người mô tả cách làm này trông như đang vặn bóng đèn, chỉ khác là lúc xua tay, bạn thả lỏng các ngón. Hãy giơ cổ tay lên, chờ vài giây rồi xua bàn tay. Cử chỉ này có nghĩa là "không", "tôi không biết" hoặc là "tôi không hiểu".

Gọi taxi

Nếu bạn đang ở trong một khu vực có đông khách du lịch, rất có thể bạn đã đang được các tài xế taxi săn đón. Còn nếu không, hãy giơ tay lên cao và vẫy như một cánh chim nhỏ. Cử chỉ này cũng được áp dụng nếu bạn muốn gọi món trong một số nhà hàng. Tuy nhiên, hãy thử nói "Em ơi" theo cách thật nồng nhiệt - cách này có lẽ sẽ hiệu quả hơn.

Không chạm vào đầu

Thực ra hầu hết mọi người đều tránh chạm vào đầu của người lớn, tuy nhiên nhiều người trong chúng ta lại hay thích xoa đầu trẻ con. Ở một vài nơi tại Việt Nam cũng như một vài nơi ở các nền văn hóa khác ở châu Á, phần đầu là nơi rất quan trọng. Vì vậy, bạn có thể cần phải lưu ý chi tiết này nếu như xoa đầu trẻ con là thói quen của bạn.

Ngoài ra, tôi quan sát thấy, trong một số trường hợp, chỉ tay bằng ngón trỏ đối với người đối diện là một hành động hơi thiếu lịch sự, nhất là đối với người lớn tuổi. Để tránh những tình huống như vậy, bạn có thể dùng cả bàn tay để chỉ vào vật muốn đề cập tới.

photo-1

Bắt chéo ngón trỏ và ngón giữa

Ở phương Tây, mọi người thường làm hành động này khi muốn cầu may. Tuy nhiên, ở Việt Nam không làm như vậy. Một số người còn coi hành động này là khiếm nhã. Hãy chú ý tới điểm này.

Úp lòng bàn tay xuống khi muốn gọi ai đó

Cử chỉ mở rộng lòng bàn tay, để ngửa khi muốn gọi mọi người lại gần được coi là một hành động thiếu tôn trọng người khác. Mọi người thường gọi con vật bằng cách như vậy hơn là gọi con người. Thay vào cách làm như vậy, để thể hiện sự tôn trọng, bạn hãy úp lòng bàn tay xuống. Và bạn cũng không nên dùng tay chân ra hiệu như vậy để gọi người lớn tuổi hơn mình.

Cười ngại

Đây không hẳn là một cử chỉ nhưng tôi nghĩ bạn nên biết về nó. Tương tự như phản ứng của một số người nước ngoài đối với những tình huống không thoải mái ở nền văn hóa khác mình, khi người Việt Nam ngại ngùng hoặc lo lắng - và đặc biệt là ở những người trẻ tuổi - họ có thể cười ngại. Hành động này thể hiện phần nào văn hóa của người Việt. Họ muốn giữ thể diện, họ không muốn mất mặt khi không biết câu trả lời cho câu hỏi của bạn. Như vậy, nếu ai đó cứ liên tục cười khi bạn đang cố giao tiếp với họ, thì rất có thể họ không biết cách giúp bạn.

Khách Tây viết cẩm nang cách sống chuẩn Việt: Đừng để người khác phải "đóng băng" khi chào hỏi! - Ảnh 2.

Cẩn thận khi muốn vỗ vào lưng ai đó

Không phải lúc nào hành động này cũng được coi là thô lỗ. Nhưng nếu như bạn không quá thân với người ta thì đây lại là câu chuyện khác. Đây thường là một cử chỉ thể hiện sự thân quen, nếu bạn chưa có được sự tin tưởng hoặc tôn trọng của người đó, thì hãy cẩn thận với hành động này. Đối phương có thể nghĩ bạn không tôn trọng họ và đây là một ấn tượng đầu không tốt đối với người Việt Nam.

Bắt tay

Và bây giờ, chúng ta sẽ đến với cái bắt tay. Hành động này phần nhiều phụ thuộc vào người mà bạn bắt tay. Nhiều người phụ nữ sẽ ngại bắt tay và có vẻ đàn ông Việt Nam lại "háo hức" bắt tay người khác hơn. Nhưng như tôi đã nói, nó có sự khác nhau giữa mỗi người.

Tuy nhiên, xin nhớ rằng ngoài cái bắt tay chào đón ra, thì người Việt không hôn lên má nhau hay ôm nhau lúc chào hỏi. Có lẽ bạn đã từng nhìn thấy một cuộc chào hỏi nhau hài hước nhất khi người nước ngoài cố gắng ôm nhau để chào hỏi người Việt Nam, còn người Việt thì như "đóng băng" và co rúm lại vì không quen."

Theo Duy Anh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên