Khách Tây thử phở phiên bản đặc biệt vùng Tây Bắc, bất ngờ nhận xét: "Không thể tin đây là phở Việt Nam"
Thưởng thức món ăn "tưởng lạ mà quen" trong chuyến du lịch Tây Bắc, chàng du khách nước ngoài vô cùng bất ngờ bởi hương vị và thành phần món ăn.
- 18-08-2024Khách Tây vượt dốc cao, đèo khúc khuỷu tới Hải Vân Quan
- 12-08-2024Khách Tây trầm trồ trước món đặc sản chưa tới 1 đô của tỉnh miền Trung, nhận xét "hiếm có trên thế giới"
- 04-08-2024Khách Tây thử đặc sản Hạ Long đắt ngang cua ghẹ, nhận xét: "Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi ăn nó"
Ẩm thực Việt Nam với sự đa dạng và phong phú luôn là một trong những yếu tố hàng đầu khiến các vị khách nước ngoài, đến từ mọi quốc gia hay châu lục khác phải mê mẩn. Đặc biệt phải kể tới những món đặc sản địa phương, vùng miền, mang hương vị riêng biệt, đặc trưng của từng điểm đến. Trong đó có cả những món "vừa lạ lại vừa quen".
Tức là món ăn này vốn đã rất quen thuộc với các du khách, tuy nhiên khi tới một địa phương nhất định, nó sẽ được thay đổi, biến tấu sao cho phù hợp với khẩu vị hoặc điều kiện tìm kiếm nguyên liệu của người bản địa.
Món ăn sau đây là một ví dụ, được chàng du khách Mỹ Max McFarlin thưởng thức trong chuyến du lịch đến Lào Cai cùng bạn của mình. Sau đó, chàng trai còn phải trầm trồ nhận xét: "Bạn không thể tin được đâu đây là phở Việt Nam đấy".
Cụ thể, Max và bạn đồng hành của mình tìm thấy quán ăn có món phở đặc biệt này trong phiên chợ Bắc Hà - Lào Cai. Anh chàng chia sẻ, do nhìn từ xa thấy quán ăn rất đông khách. Khi đến gần, anh mới nhận ra đây là một trong những "địa chỉ ẩm thực" nổi tiếng của địa phương mà anh đã từng xem được trên một kênh về du lịch Sa Pa khác.
Ấn tượng ngay từ đầu của 2 chàng Mỹ khi đến đây đó là nguyên liệu của món phở được bày ra rất gần với bàn ăn của thực khách. "Ở đây chúng tôi được ngồi sát với các nguyên liệu luôn này, mọi người cứ vào, thích gì thì chọn nấy thôi", Max nói.
Với đa phần du khách nước ngoài, phiên bản quen thuộc nhất của phở Việt Nam với họ chính là phở bò hay phở gà, ăn cùng nước xương hầm cùng quế, hồi, hành lá, ăn kèm quẩy giòn. Tuy nhiên phiên bản phở ở chợ phiên Bắc Hà lại rất khác.
Món phở mà quán ăn phục vụ chủ yếu là phở thịt lợn, bên cạnh đó cũng có phở thịt gà. Ngoài thịt, thực khách cũng có thêm nhiều lựa chọn là các loại nội tạng của lợn, gà, giúp gia tăng hương vị của bát phở.
Sau khi tham khảo các nguyên liệu cũng như quan sát người bán hàng 1 lúc, hai chàng trai quyết định gọi chung 1 bát phở thịt lợn. Bát phở bao gồm thịt lợn, bánh phở, hành và nước dùng được ninh từ nhiều loại xương trộn lẫn với nhau như xương bò, xương gà và tất nhiên có cả xương lợn.
Max nhanh chóng nhận ra sự đặc biệt này ở nước dùng phở, anh nhận xét những nguyên liệu đó giúp nước phở rất vừa phải. "Nó không quá ngậy, không quá ngọt nhưng cũng không hề nhạt nhẽo. Hương vị của nó không hề đơn giản như tôi nghĩ", Max nói thêm. Max cũng vô cùng tâm đắc với bánh phở vì đây là sợi bánh được người bán hàng tự tay làm, có độ dai nhất định, ăn rất thú vị.
Theo thông tin trên báo Lào Cai, quán phở mà Max và bạn của mình ghé tới là một trong những quán phở lâu đời và nức tiếng ở phiên chợ Bắc Hà. Chủ quán phở chia sẻ, bí quyết để có bát phở ngon quan trọng nhất là các loại thịt. Chúng đều thịt lấy từ gà, lợn, được người bản địa trực tiếp nuôi. Trong quá trình nuôi không sử dụng thức ăn công nghiệp mà chủ yếu dùng cám gạo, ngô, cây chuối hay các loại rau rừng, vì vậy thịt sẽ không bị hôi.
Ngoài ra ở phần bánh phở, bên cạnh bánh phở màu trắng thì còn có bánh phở "hồng". Sở hữu tên gọi như vậy là do màu sắc của sợi bánh đúng là có màu hồng nhạt, làm từ loại gạo riêng được gieo trồng dài ngày trên nương ruộng. Cũng bởi thế mà sợi bánh phở thay vì mềm sẽ có vị dai, đậm đà hơn so với bánh phở trắng.
Bánh phở hồng còn được sử dụng trong nhiều món đặc sản khác của người dùng vùng núi như phở chua, phở trộn xá xíu.
Như đã nói ở trên, 2 chàng du khách Mỹ tìm và thưởng thức bát phở phiên bản đặc biệt trong phiên chợ Bắc Hà - Lào Cai. Từ lâu, phiên chợ này đã được biết đến là một trong những phiên chợ mang đậm bản sắc văn hóa nhất của mảnh đất vùng Tây Bắc. Những nét này được tạo nên bởi chính những người đồng bào các dân tộc tham gia phiên chợ, như người Mông, người Tày, người Nùng, người Dao hay người Phù Lá.
Từ trung tâm thành phố Lào Cai, du khách sẽ cần di chuyển quãng đường khoảng 70km để tới được chợ Bắc Hà, nằm ngay trung tâm thị trấn Bắc Hà. Nhìn từ xa, khung cảnh phiên chợ đã hiện lên vô cùng rực rỡ và nhiều sắc màu bởi chính những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc tham gia.
Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trước kia, chợ phiên Bắc Hà được họp trên một quả đồi thoải. Sau này chợ được xây mới trên nền bê tông và được chia thành từng khu vực riêng biệt, bao gồm: Khu bán gia súc, gia cầm; khu bán đồ tạp hóa như cày, cuốc, xẻng, dao; khu bán đồ thổ cẩm, đồ trang sức; khu bán các mặt hàng rau củ quả nông sản; khu ẩm thực với những món đặc sản địa phương...
Hiện nay, chợ phiên Bắc Hà không chỉ là nơi trao đổi, buôn bán, gặp mặt của người dân bản địa, mà còn trở thành nét đẹp văn hóa, thu hút đông đảo du khách khi đến với vùng Tây Bắc.
Ngoài thời gian họp duy nhất 1 ngày trong tuần là ngày chủ nhật, chính quyền địa phương đã và đang xây dựng thêm các hoạt động khác vào các ngày như tối thứ 7 để thu hút khách tham gia phiên chợ hơn nữa. Ví dụ như các cuộc thi hát giao duyên, dân ca dân vũ, máy gậy sênh tiền...
Theo thống kê của huyện Bắc Hà, chợ phiên Bắc Hà qua từng năm luôn là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách, góp phần lớn vào doanh thu của ngành du lịch địa phương. Trong thời gian tới, địa phương còn có kế hoạch xây dựng và thúc đẩy thêm ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ cơ sở lưu trú hay các bán các sản phẩm mang đặc trưng riêng biệt của Bắc Hà, nhằm đem lại những trải nghiệm thú vị cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Đời sống Pháp luật