Khách Tây tim đập chân run ăn sâu Việt Nam: Vào rừng sâu Mù Cang Chải săn tìm, suýt xỉu khi thấy dọn mâm
Ngay khi nhìn thấy đám sâu trắng ngoe ngẩy, Andrew đã hoài nghi ý định vào rừng tìm món ngon của mình.
- 22-02-2024Khách Tây chấm điểm một loại xôi 1000/10: Món ăn này có gì đặc biệt đến thế?
- 16-02-2024Khách Tây tấm tắc với một món xương xẩu ở miền Nam Việt Nam, thừa nhận "ăn tay không mới ngon"
- 10-02-2024Khách Tây dậy sớm ăn bánh canh, uống cà phê trên chợ nổi, thích thú trải nghiệm không khí Tết miền Tây
Là một YouTuber, travel blogger người Úc chuyên đăng tải các video về du lịch văn hóa, trải nghiệm ẩm thực, Andrew Fraser tự nhận mình khá bạo dạn với các món ăn “kinh dị”. Anh chàng sở hữu kênh YouTube hơn 82.000 lượt theo dõi, đã đi nhiều nơi, thử nhiều món ăn bản địa và cởi mở với những trải nghiệm mới.
Thế nên, Andrew khá háo hức khi được đến thăm làng Màng Mủ đầy mê hoặc, nơi người dân chủ yếu là người H’Mông làm nghề nông, đi rừng và dựa vào thiên nhiên để sống.
Andrew nhận xét, Màng Mủ là một trong những ngôi làng đẹp nhất ở Việt Nam mà anh từng đặt chân đến. “Nó chỉ cách Mù Cang Chải khoảng chừng 2 hoặc 3km nhưng lại ở trên đỉnh núi. Chúng tôi đi bộ xung quanh, trượt trên các con đường đầy bùn đất. Mất khoảng 1 tiếng để đi bộ đến làng, thậm chí đi xe máy cũng khoảng chỉ 20 phút vì đường rất dốc và hẹp. Làng ở đây chủ yếu chỉ là đường đất và rừng tre, thực sự tuyệt đẹp.
Pao (một người bản địa - PV) dẫn tôi đi dạo qua làng để khám phá và tìm kiếm sâu tre trong những vạt tre khác nhau. Ngôi làng ngày thực sự đẹp đến nỗi khiến bạn mê mẩn. Đây là một ngôi làng nguyên sơ như trong truyện cổ tích, như thể hiện tại không khác gì 100 năm trước vậy”.
Andrew mô tả chuyến đi đến Màng Mủ - ngôi làng nằm trên một ngọn núi cao thuộc xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái - như thể đưa anh “xuyên không” về miền cổ tích, khi anh được đắm mình trong di sản văn hóa phong phú của cộng đồng người H'Mông, tìm hiểu ý nghĩa sâu sắc của cây tre trong cuộc sống của họ, từ việc chế tạo đồ dùng cho đến cách thức nuôi dưỡng cơ thể.
Được tận mắt xem những người bản địa chế tạo khèn từ tre, vào rừng tìm măng, tìm hiểu cách người dân làm các món ăn từ măng, với Andrew thế là chưa đủ.
“Tôi đến đây vì một điều gì đó mạo hiểm hơn - sâu tre”, Andrew tiết lộ. “Những con sâu tre trắng muốt và nhiều đốt đang ngoe nguẩy bên trong những thân cây, đó mới là thứ khiến tôi tò mò.
Thực ra sâu tre là loài cùng họ với sâu bướm. Những sinh vật này lẻn vào trong các cây tre và sống trong đó, rồi nó tạo kén và sẽ thành một con bướm với bề ngoài tẻ nhạt. Nhưng ở đây, rất ít sâu tre có thể hóa bướm, vì chúng là món ăn quý giá được mọi người yêu thích”.
Để có thể vào rừng săn tìm sâu tre, Andrew đi cùng Pao. Ngay khi thấy đàn sâu tre nhung nhúc, béo tròn đang bò lổm ngổm trong đốt tre vừa được chặt, Andrew “xây xẩm mặt mày”. Dù từng ăn nhiều loại côn trùng trước kia, Andrew vẫn ngỡ ngàng trước đám sâu tre núc ních.
Pao tiết lộ, để biết được cây tre nào có sâu, cần quan sát thật kỹ. Chúng luôn là những cây tre còn non nhưng đã bị héo phần ngọn, trên thân xuất hiện những lỗ đục nhỏ. Vừa hướng dẫn ông bạn người Úc, Pao vừa thị phạm, thoăn thoắn đốn hạ những cây tre nghi ngờ, chẻ dọc thân ra cho Andrew xem. Quả thực, bách phát bách trúng.
Pao đưa Andrew đi săn sâu tre cả buổi. Sự háo hức ban đầu của Andrew giảm xuống, khi nhìn thấy đám sâu tre nhiều thêm. “Tôi có chút dè chừng và bồn chồn. Nói thật thì, tôi đã sẵn sàng sẽ thưởng thức món ăn này khi đặt chân tới đây.
Nhưng khi thu hoạch sâu tre, tận mắt chứng kiến chúng bám đầy trong khúc tre bé xíu, tôi có chút quan ngại, không thể hình dung trong đó có bao nhiêu con và mình sẽ ăn chúng kiểu gì. Cảm giác hào hứng về việc được ăn sâu tre thực sự đã giảm theo từng giây phút trôi qua”, Andrew thú nhận.
Khi cùng Pao về nhà nấu ăn, vị khách Tây không giấu nổi sự hồi hộp, lo lắng. Vợ chồng Pao ra sức trấn an anh rằng sâu tre rất ngon và bổ dưỡng. Họ cũng tận tình chỉ cho Andrew cách chế biến sâu tre.
Theo vợ chồng Pao, sâu tre có thể chế biến thành nhiều món như sâu tre xào măng, trộn nộm hoa chuối, chiên giòn... nhưng ngon và hấp dẫn nhất vẫn là sâu tre rang lá chanh. Cách chế biến này sẽ làm nổi bật vị béo ngậy và thơm của sâu tre.
Pao rửa sâu qua nước sạch rồi để ráo. Sau đó, anh đem sâu rang trong chảo nóng, đảo cho chín đều rồi nếm gia vị vừa ăn, hoàn thiện bằng cách rắc lá chanh. Vị bùi, béo ngậy của sâu cùng mùi thơm của lá chanh hòa quyện vào nhau. Để giúp vị khách nước ngoài đỡ sợ, vợ chồng Pao đã ăn thử trước. Họ còn cho cả con trai nhỏ cầm sâu ăn.
Andrew thừa nhận, sâu tre sau khi chế biến trông ngon và đỡ sợ hơn khi chúng còn ngoe nguẩy. Sau phút ngần ngại, anh chàng quyết tâm nếm thử những miếng sâu tre đầu tiên. Từ lo lắng đến bất ngờ, Andrew vô cùng ngạc nhiên vì sâu tre có mùi thơm, vị ngon hơn nhiều so với tưởng tượng.
“Món ăn có vị như bỏng ngô nhưng đậm đà hơn. Tôi thậm chí còn thấy thích hơn cả món châu chấu rang mà mình từng ăn. Sâu tre rang thực sự ngon đến mức kinh ngạc”. Bữa cơm của gia đình Pao và Andrew hôm ấy toàn các món từ sâu tre. Mọi người đã ăn uống rất ngon lành.
Vì chỉ có thể khai thác tự nhiên, con người không thể nuôi hay can thiệp vào quá trình sinh trưởng, sâu tre khá hiếm. Khách Tây vô cùng xúc động khi biết sâu tre là món ngon mà người bản địa thường chế biến để chiêu đãi khách quý, đón bạn bè thân thiết ghé nhà chơi.
Nguồn: Andrew Fraser
Đời sống & pháp luật