Khách Trung Quốc, Hàn Quốc đổ đến Việt Nam: Tăng nóng và hệ lụy
Ngành du lịch còn nhiều dư địa, có thể tăng tốc hơn nữa nên mục tiêu đạt 13 triệu khách quốc tế năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chung tay hành động - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.
- 12-10-2017UBND TP HCM nói gì về đề xuất thu tiền khách du lịch qua đêm?
- 21-07-2017Để phát triển BĐS nghỉ dưỡng thành công, cần phải biết trong 10 năm tới nguồn khách du lịch thay đổi thế nào
- 18-07-20173.500 khách du lịch mắc kẹt tại đảo Cô Tô: Thông tin mới nhất
Phát triển nóng và hệ lụy
Tại Hội nghị doanh nghiệp lữ hành 2017 ngày 17/10, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết, 9 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 9,45 triệu lượt, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Khách từ hầu hết thị trường trọng điểm đều tăng: Hàn Quốc tăng 51%, Trung Quốc tăng gần 48%, Nga 41%, Hongkong 36%, Tây Ban Nha 22%, Philippines và Đài Loan tăng 20%,... Tổng thu du lịch đạt 376.000 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, phát triển nóng luôn kèm theo nhiều hệ lụy, và ngành du lịch không nằm ngoài quy luật đó. Đà Nẵng là một ví dụ điển hình. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận, đây là điểm sáng về tăng trưởng khách du lịch nhưng cũng là điển hình về những rắc rối do phát triển nóng gây ra.
Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam có thể đạt 4 triệu lượt trong năm nay
Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đón 1,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, riêng khách trên đường bay thẳng đã là 1,2 triệu lượt. Thành phố dự kiến đạt kế hoạch được giao, với mức tăng trưởng 38%.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, có sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào thị trường khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Cụ thể, khách Trung Quốc 9 tháng đầu năm là 440.000 lượt khách, tăng 23%, xếp vị trí thứ 2. Đứng đầu là khách Hàn Quốc, với 680.000 lượt khách, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái nhờ có 3 đường bay thẳng từ Đà Nẵng đến Seul, Pusan và Jeju, với 85 chuyến/tuần. Lượng khách tàu biển 6 tháng đầu năm cũng tăng 64%.
Nhưng, những vấn đề nóng mà Đà Nẵng gặp phải khiến cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương lúng túng.
Điển hình là tình trạng người nước ngoài nhập cảnh để kinh doanh lữ hành và làm hướng dẫn viên, tất cả đều trái phép, chủ yếu diễn ra tại thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc.
Năng lực và nguồn lực tài chính của các DN lữ hành Việt lại yếu nên bị các đối tác nước ngoài, dựa vào lượng khách đông, ép giá và chi phối. Thậm chí, có DN còn cấu kết, tiếp tay cho người nước ngoài núp bóng kinh doanh điều hành. Xung đột lợi ích gia tăng giữa các nhóm tổ chức, cá nhân tham gia đón khách.
Đáng cảnh báo là tình trạng hướng dẫn viên. Các DN kẹt cứng hướng dẫn viên tiếng Hàn và tiếng Hoa. Giải pháp tạm thời là chọn phiên dịch, hướng dẫn viên nói tiếng khác. Song, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, nguy hiểm hơn là cơ quan chức năng phát hiện ra 300 thẻ hướng dẫn viên giả mạo, thậm chí số lượng còn nhiều hơn.
Theo ông Tuấn, phát triển nóng như vậy tất yếu sẽ gây ra sự mất cân đối, xung đột do cầu vượt cung, Đà Nẵng cũng như các điểm đến khác cần có các biện pháp linh hoạt, tránh các biện pháp gây tổn thương. Các DN lữ hành cũng cần bình tĩnh, sáng suốt trong việc lựa chọn hướng dẫn viên.
Nỗ lực cán đích 13 triệu
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay, 9 tháng đầu năm tăng trưởng du lịch đóng góp 6,7% vào GDP cả nước, nếu ngành du lịch tăng 13% thì đóng góp được 1% vào tỷ lệ tăng trưởng.
Năm 2017, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành đạt 13 triệu lượt khách, tăng trưởng 30% - là một áp lực, nhưng với thực tế đạt được thì khoảng cách không còn xa, song vẫn đòi hỏi phải có sự bứt phá.
Năm 2017, Việt Nam phấn đấu đón 13 triệu lượt khách quốc tế
Trong số các thị trường khách trọng điểm của Việt Nam, đứng đầu là Trung Quốc và Hàn Quốc. Chúng ta phấn đấu đón 4 triệu khách Trung Quốc, 2 triệu khách Hàn Quốc, nhưng 4 triệu khách Trung Quốc còn rất nhỏ bé so với 10 triệu của Thái Lan, 8 triệu của Hàn Quốc hay 9 triệu của Nhật Bản,... Trong khi, các nước khác đều có chính sách tăng cường thu hút khách nước ngoài, đặc biệt từ hai thị trường này.
Ông Trịnh Đăng Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cũng cho hay, riêng khách du lịch Trung Quốc, cần nhìn nhận từ hai phía, không nên nói khách thế này thế kia mà là phần lớn là do các công ty du lịch.
Chính vì thế, 3,3 triệu lượt khách Quảng Ninh đón được trong 9 tháng đầu năm trên tổng số 3,6 triệu khách đề ra, đạt gần 90% kế hoạch cả năm của tỉnh, phần lớn là nhờ dòng khách này.
Còn ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist, nói rằng, qua việc tham gia các hội chợ ở nước ngoài, ông nhận thấy hiện Việt Nam không phải là một trong những thị trường du lịch trọng điểm để khách quốc tế chú ý, như Myanmar chẳng hạn, nhưng chúng ta vẫn có những điểm đến được quan tâm như Phú Quốc.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận, Phú Quốc còn nhiều dư địa khi các tập đoàn lớn đổ vào đây đầu tư khách sạn. Vì thế, điểm đến này có thể đón được lượng khách lớn hơn. Do vậy mà tuần tới, Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan sẽ họp với các nhà cung ứng lớn ở Phú Quốc để bàn tính giải pháp.
Ngoài ra, theo ông Tài, một trong những lượng khách lớn Việt Nam nên quan tâm là khách charter (thuê cả chuyến bay), nhưng đòi hỏi chính sách visa phải ổn định, thuận tiện và có đường bay thẳng. Hơn nữa, giá tour cũng phải hợp lý để khách có thể xuống tiền lựa chọn, mua tour.
Về hướng dẫn viên, trước tốc độ tăng trưởng nóng của ngành hiện nay, không thể một sớm một chiều đáp ứng được. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phối hợp với các trường đào tạo, thậm chí, đối với tiếng hiếm có thể nhận sinh viên đại học năm thứ tư các trường ngoại ngữ để bổ sung tạm thời.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay, mục tiêu đạt 13 triệu lượt khách quốc tế năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được nếu cơ quan quản lý, các công ty lữ hành và các DN cung ứng dịch vụ cùng chung tay hành động.
Vietnamnet