MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách Trung Quốc ồ ạt vào Mỹ, doanh nghiệp đi theo tận thu lợi nhuận

12-12-2016 - 12:03 PM | Tài chính quốc tế

Sự hiện diện của khách du lịch Trung Quốc đang trở thành cảnh tượng ngày càng phổ biến tại các thành phố Mỹ, từ New York tới Honolulu, kéo theo các doanh nghiệp Trung Quốc tới Mỹ làm ăn thu lợi.

Theo thông kê, có khoảng 2 triệu khách du lịch Trung Quốc tới Mỹ mỗi năm. Tới cuối thập kỷ này, con số sẽ tăng lên 3 triệu người. Tuy nhiên, không chỉ có du khách Trung Quốc tới Mỹ để thưởng thức lòng hiếu khách của xứ cờ hoa, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã tới Mỹ để kiếm lời từ lĩnh vực du lịch, đặc biệt là kinh doanh khách sạn.

Tuần trước, HNA Group, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực hàng không của Trung Quốc, thông báo mua 25% cổ phần của Hilton Worldwide Holdings, công ty danh tiếng trong lĩnh vực khách sạn ở Mỹ và thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc HNA sẽ là cổ đông lớn nhất của công ty sở hữu nhiều thương hiệu khách sạn lớn như Embassy Suites, Hampton Inn và Conrad.


Khách sạn sang trọng trở thành khoản đầu tư ưa thích của doanh nghiệp Trung Quốc.

Khách sạn sang trọng trở thành khoản đầu tư ưa thích của doanh nghiệp Trung Quốc.

Đây là thỏa thuận mới nhất trong một năm mà các doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt nhảy vào lĩnh vực khách sạn của Mỹ. Trong tháng 4, HNA cũng thông báo đang mua Carlson Hotels, sở hữu Radisson và một số thương hiệu khác. Tháng 3, Tập đoàn Bảo hiểm Anbang Trung Quốc đã hoàn tất mua 15 khách sạn ở Mỹ theo hợp đồng trị giá 5 tỷ USD, bao gồm JW Marriott Essex House ở New York, Westin St. Francis ở San Francisco, InterContinental ở Chicago, Four Seasons ở Washington, DC và 2 khu nghỉ dưỡng Ritz-Carlton.

Trong tuần trước, xuất hiện thông tin cho biết một tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc đang dẫn đầu nhóm đầu tư xúc tiến mua lại 280 khách sạn ở Mỹ với trị giá 2 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ đình đám nhất vẫn là việc Anbang mua lại khách sạn Waldorf Astoria, công trình mang tính biểu tượng ở New York, với giá gần 2 tỷ USD cuối năm ngoái. Đây vẫn là mức giá cao nhất được trả cho một khách sạn ở Mỹ.

Mua khách sạn thực chất không phải đường lối kinh doanh trọng tâm của các công ty hàng không hay bảo hiểm. Các thương vụ mua bán xảy ra vì hai lý do. Thứ nhất, ngành khách sạn Mỹ được xem là nơi an toàn cho các nhà đầu tư Trung Quốc gửi tiền. Sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây gây ra sự bồn chồn với các nhà đầu tư trong nước, những người đang nói nhiều hơn tới đầu tư ra nước ngoài.

Họ đặc biệt quan tâm tới bất động sản sang trọng ở những nơi như New York hay Vancouver, kéo theo những công trình có chủ người Trung Quốc đang ngày càng phổ biến. Như một nỗ lực đa dạng hóa kết hợp với sự làm ăn tấn tới của ngành khách sạn Mỹ biến chúng trở thành lựa chọn lý tưởng cho các nhà đầu tư Trung Quốc.

Thứ hai là sự kiên kết dọc trong ngành công nghiệp du lịch, điều có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn với ngành này. HNA là một tập đoàn tham vọng. Chủ tịch HNA mong muốn nó lọt vào danh sách 100 công ty hàng đầu thế giới vào năm 2020 và lọt top 50 vào năm 2030. Các thương vụ mua bán được xem là phương thức để đạt được tham vọng này.

Ra đời năm 1993, HNA là hãng hàng không khu vực có trụ sở trên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, HNA có tài sản gần 100 tỷ USD với 200.000 nhân viên. Nó đã mua cổ phần trong khoảng 2.000 khách sạn và chuyên chở 90 triệu hành mỗi năm. Gần đây, HNA đã đạt thỏa thuận mua một loạt doanh nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực vận tải hàng không.

Sự liên quan nằm ở chỗ người Trung Quốc đang du lịch với số lượng lớn chưa từng có. Du khách từ Trung Quốc đại lục sẽ chi 70 tỷ USD cho các chuyến du lịch nội địa và nước ngoài. Các công ty Trung Quốc đang kỳ vọng tận thu số tiền mà người dân Trung Quốc bỏ ra đi du lịch, dù ở Trung Quốc hay nước ngoài. Các công ty như HNA có thể cung cấp toàn bộ dịch vụ cho du khách Trung Quốc, từ vé máy bay tới khách sạn. Điều đó đồng nghĩa với việc một du khách Trung Quốc tới Mỹ nhưng tiền lại chảy về túi các công ty Trung Quốc.

Linh Anh

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên