Khách Trung Quốc tăng vọt, ngành du lịch chọn phát triển nhanh hay bền vững?
Gần 1,3 triệu lượt khách du lịch từ Trung Quốc đã chọn Việt Nam là điểm đến. Lượng khách lớn không du lịch Hàn Quốc vì những căng thẳng ngoại giao song phương Trung - Hàn có thể là một cơ hội tốt để ngành du lịch phát triển nhanh. Vấn đề là ngành du lịch Việt Nam cần hài hòa giữa việc đón được làn sóng lữ khách từ Trung Quốc với mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.
Làn sóng khách du lịch từ Trung Quốc
Trước việc các công ty lữ hành dừng bán các gói tour du lịch sang Hàn Quốc, Việt Nam và các điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á có thể sẽ trở thành nơi đón tiếp một lượng lớn du khách Trung Quốc.
Từ đầu năm tới nay, hơn 1,27 triệu lượt khách Trung Quốc đã đến du lịch Việt Nam. Tổng cục Du lịch cho biết, mức tăng trưởng lượng khách Trung Quốc đạt tới mức 61,1% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, Trung Quốc đang là nước đứng đầu trong danh sách khách du lịch quốc tế tới Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, chiếm tới 29,68% tổng số khách quốc tế.
Ghi nhận của các doanh nghiệp lữ hành cho thấy khách du lịch Trung Quốc rất thích các điểm đến có biển như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Bên cạnh đó, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng là những điểm đến hấp dẫn.
Để đón tiếp làn sóng du lịch từ Trung Quốc, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước chuẩn cần thiết. Khoảng 20 công ty du lịch tại Khánh Hòa đang cùng nhau xúc tiến thành lập câu lạc bộ đón du khách Trung Quốc. Nếu được thành lập, đây sẽ là nơi chia sẻ thông tin về thị trường, thực hiện các hoạt động quảng bá xúc tiến, quản ý nguồn nhân lực,... để phát triển thị trường.
Chọn phát triển nhanh hay bền vững?
PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, thành viên Ban cố vấn của chương trình Thương hiệu Quốc gia cho rằng phải tạo được những thương hiệu các các điểm đến du lịch mới mong thu hút du khách quay trở lại. Dẫn lại một khảo sát tự thực hiện, ông Thịnh đánh giá thành phố Hội An có thể đã làm được điều này.
“Tôi khảo sát khách du lịch tại Hội An. 42 khách du lịch nước ngoài tới Hội An được phỏng vấn, thì 24 người đến lần đầu tiên và 18 người đến từ lần thứ hai trở đi. Có 21 người nói chắc chắn sẽ quay trở lại Việt Nam lần nữa. Đấy là những thông tin rất đáng mừng” – ông Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ.
Theo PSG. TS Nguyễn Quốc Thịnh, để tạo được thương hiệu điểm đến du lịch, cần khai thác tài sản trí tuệ của địa phương. Muốn vậy, địa phương phải quan tâm đến khai thác tri thức truyền thống bản địa và thương mại được các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Về việc này, ông Thịnh cho rằng bài thuốc tắm của người Dao và quả vải thiều ở tỉnh Bắc Giang là những ví dụ cụ thể.
Trả lời câu hỏi về cách thức giúp ngành du lịch phát triển nhanh, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ khẳng định du lịch chỉ phát triển nhanh khi tạo lập được sự bền vững. Trong du lịch, nhanh và bền vững gắn bó với nhau rất quan trọng, không có mâu thuẫn.
“Có bền vững thì mới nhanh được. Du lịch trước hết là bền vững, bảo vệ môi trường, lành mạnh, với giá cả phải chăng. Các thứ khác có thể có những mâu thuẫn, nhưng riêng du lịch thì nhanh và bền vững gắn bó với nhau rất quan trọng” – ông Lưu Bích Hồ nói.
Tuy nhiên, vẫn có những khu du lịch không giải quyết được 2 vấn đề này. Theo ông Lưu Bích Hồ, Hạ Long đã trở nên nhếch nhác chỉ sau một vài năm phát triển du lịch. Một vài khu du lịch khác cũng gây nên nỗi thất vọng.
“Mấy kỳ nghỉ đi chơi, tôi chán lắm rồi. Chẳng có khu du lịch nào tử tế. Về đến nơi thất vọng đã đành mà cảm thấy muốn phát biểu quá. Mà phát biểu đề làm gì? Ai giải quyết cho? Một khu du lịch sinh thái mà đến chẳng sinh thái gì cả. Du lịch Việt Nam cần phát triển nhanh và cần cả bền vững” – ông Lưu Bích Hồ quả quyết.
Nghị quyết 08 của Trung ương đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.