Khai mạc kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ hai, quyết định những vấn đề cấp bách
Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách
Hôm nay (5/1), kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội.
Trong bốn ngày họp tập trung, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.
Trước đó, vào chiều 4/1, Quốc hội đã họp phiên trù bị, biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
Theo dự kiến chương trình, trong ngày khai mạc, các thành viên Chính phủ sẽ trình bày tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Tờ trình về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; tờ trình một số nội dung về tài chính, ngân sách nhà nước…
Các báo cáo thẩm tra cũng được các ủy ban của Quốc hội trình bày sau đó.
Cũng trong ngày khai mạc, dự kiến từ 11 giờ đến cuối ngày 5/1, Quốc hội sẽ họp riêng, dự kiến xem xét, quyết định về công tác nhân sự.
Trao đổi với báo chí trước kỳ họp, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại kỳ họp bất thường này, có ba nội dung về công tác nhân sự: Cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự mới thay thế.
Tại kỳ họp này, cùng với việc thông qua ba nghị quyết, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Trao đổi với phóng viên về vấn đề tài chính bệnh viện, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, đây là vấn đề rất khó, đã tiếp thu tối đa các ý kiến để quy định nguyên tắc cơ bản nhất. Sau đó Chính phủ sẽ có các hướng dẫn chi tiết trong các nghị định.
Về cơ chế tự chủ bệnh viện, dự thảo luật quy định rõ nguyên tắc Nhà nước đảm bảo ngân sách chi cho các hoạt động mà Nhà nước giao nhiệm vụ cho bệnh viện. Các bệnh viện công khi tự chủ sẽ được tự chủ về tổ chức nhân sự, tổ chức hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác.
Đáng lưu ý, dự thảo mới nhất bổ sung chính sách ưu đãi đối với các hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.
Dự thảo quy định cụ thể về yếu tố hình thành giá, chi phí cấu thành giá cũng như nguyên tắc định giá và thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ban hành phương pháp định giá khám bệnh, chữa bệnh.
Về thẩm quyền quyết định giá, dự thảo luật quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được tự quyết định giá trên cơ sở phương pháp định giá của Bộ Y tế và kê khai giá theo Luật giá.
Tuy nhiên, đối với cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước, theo ông Mai, hiện vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau, sẽ được trình để Quốc hội, xem xét, quyết định.
Tiền Phong