Khai thác đất hiếm: Không để lãng phí, “chảy máu” khoáng sản
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khai thác đất hiếm là một trong những đòi hỏi rất quan trọng, không để lãng phí, “chảy máu” khoáng sản.
- 25-08-2023Vì sao cả 2 dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu và Long An đều chậm tiến độ?
- 25-08-2023Đơn hàng trở lại, doanh nghiệp phía Nam dần hồi phục
- 25-08-2023Vốn đầu tư công ngành Giao thông liên tiếp lập kỷ lục giải ngân
Không để “chảy máu” khoáng sản
Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu vừa trực tiếp làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương; kết hợp khảo sát tình hình triển khai Dự án khai thác đất hiếm tại Đông Pao (Xã Bản Hon, Huyện Tam Đường).
Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho thấy, đây là địa phương có tiềm năng đất hiếm rất lớn (đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản), với tổng diện tích mỏ là 2.779,4 ha. Tổng trữ lượng tính được khoảng 21 triệu tấn.
Theo giới phân tích, tiềm năng đất hiếm tại tỉnh Lai Châu là rất quan trọng. Việc phát triển công nghiệp và công nghệ liên quan đến đất hiếm có thể mang lại nhiều cơ hội cho kinh tế địa phương, tạo việc làm và đóng góp vào sự đa dạng hóa kinh tế tỉnh Lai Châu.
Chia sẻ với Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đất hiếm là một trong những khoáng sản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển công nghệ sản xuất chip điện tử, bán dẫn... Vì vậy, việc khai thác khoáng sản này là một trong những đòi hỏi rất cấp bách mà chúng ta phải xem xét trong thời gian tới.
Nhưng vì là tài nguyên hiếm và quý nên phải tập trung máy móc, công nghệ khai thác, lọc quặng, làm sao để đảm bảo chất lượng đạt yêu cầu xuất khẩu của thế giới; song cũng phải tránh mất mát, hao hụt, đảm bảo phù hợp để có hiệu quả cao nhất trong việc khai thác sử dụng khoáng sản mà chúng ta phải thực thi.
“Việc khai thác như thế nào cũng là cả vấn đề, vì nó không phải là dễ. Đây là nguồn khoáng sản quý hiếm, nếu khai thác không hiệu quả thì không chỉ là lãng phí mà tạo ra nguy cơ chảy máu khoáng sản mà còn là nguy có dẫn đến tệ nạn xã hội, nhiều thứ đằng sau. Đây là những vấn đề cần phải lựa chọn và tính toán, để trên cơ sở đó có bài toán tốt nhất cho quá trình khai thác, sàng lọc lựa chọn, kinh doanh cho phù hợp”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Đồng quan điểm, trả lời báo chí trước đó, TS Đỗ Văn Lĩnh - Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho hay, đã gọi là hiếm thì khó, từ nghiên cứu đến quyết định thăm dò là cả một quá trình. Khi thăm dò xác định có giá trị kinh tế thì cần có nguồn lực để khai thác…
"Quy trình thường nghiên cứu, điều tra, phát hiện, khoanh vùng triển vọng, đánh giá rồi chuyển sang thăm dò. Tìm được mỏ đất hiếm là câu chuyện dài, nhất là tìm được mỏ đất hiếm xác định nó có giá trị rất lớn. Khó khăn rất nhiều, việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa xứng với tiềm năng", TS Đỗ Văn Lĩnh nhận định.
Việc khai thác đất hiếm có ý nghĩa quan trọng nhưng vậy nhưng theo đại diện Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm. Các quốc gia có công nghệ cũng chưa thật sự mong muốn chia sẻ, chuyển giao công nghệ. Trên thế giới, trong việc hợp tác để khai thác, chế biến đất hiếm, công nghệ chế biến đất hiếm được coi là yếu tố chủ chốt, mang lại ưu thế cho quốc gia.
Thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp, đối tác nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... quan tâm, nghiên cứu và bày tỏ quan điểm muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đất hiếm. Tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài vẫn chưa có đề xuất, hợp tác cụ thể và trao đổi với các doanh nghiệp thực hiện dự án khai thác, chế biến khoáng sản đất hiếm tại Việt Nam.
Đánh thức kho báu đất hiếm bằng công nghệ tiên tiến
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mới đây đã ký phê duyệt "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, quy hoạch đưa dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm.
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2030, sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu). Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.
Song song đó, đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm đã cấp phép khai thác tại các mỏ như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái).
Ngoài ra, cũng sẽ hoàn thành nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú (H.Văn Yên, Yên Bái).
Sang giai đoạn 2031 - 2050, tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng khai thác giai đoạn này đạt khoảng 2,112 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.
Quy hoạch nêu rõ, phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản suất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO), công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm, đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ.
Liên quan đến khai thác, chế biến đất hiếm, tháng 12/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu (Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam) cùng đối tác Nhật Bản khai thác mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Lý do mỏ này có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác ngay theo quy mô công nghiệp.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu, mặc dù dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Đông Pao được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại quyết định số 2096/QĐ-BTNMT ngày 3/12/2012.
Tuy nhiên, đến nay Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu – Vimico chưa xây dựng các công trình bảo vệ môi trường để phục vụ giai đoạn khai thác, chế biến được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoặc cấp giấy phép môi trường.
Lý giải nghịch lý được cấp phép, nhưng không thể khai thác, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu cho hay, từ năm 2016 đối tác Nhật Bản nắm công nghệ bản quyền đã rút khỏi liên danh. Công ty chỉ có thể chế biến sâu đất hiếm đạt 40% trong khi quy định xuất khẩu tối thiểu của Bộ Công Thương là 95% và yêu cầu của Chính phủ không được bán đất hiếm dạng thô.
Những năm qua, công ty đã làm việc với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để có thể khai thác. Tuy nhiên, các nỗ lực đều không thành công do đối tác không chứng minh được năng lực công nghệ.
Theo số liệu thống kê của Cục Khảo sát địa chất Mỹ năm 2022 công bố, trữ lượng khoáng sản đất hiếm tại Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới, khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc với trữ lượng 44 triệu tấn.
Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn trong số đó đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, công nghệ hóa chất, bán dẫn, pin xe điện, tuabin điện gió, điện thoại, máy bay.
Vì vậy, thời gian gần đây các kênh truyền thông nước ngoài liên tục đưa tin Việt Nam đang trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, là thị trường có thể cung ứng đất hiếm top đầu thế giới.
Công thương