Đơn hàng trở lại, doanh nghiệp phía Nam dần hồi phục
Sau một thời gian dài khó khăn do thiếu việc làm, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam đang hồi phục.
- 29-01-2023Bất ngờ loạt đơn hàng xuất khẩu Mỹ, Hà Lan đầu năm mới
- 18-11-2022Dệt may tiếp tục đối diện với thiếu đơn hàng, xuất khẩu sụt giảm
- 21-05-2020Thiếu đơn hàng, xuất khẩu dệt may tiếp tục giảm mạnh sau đại dịch
Đơn hàng tăng dần
Thời gian gần đây, xưởng sản xuất gỗ của Công ty Thanh Việt (quận Gò Vấp, TPHCM) hoạt động không ngừng nghỉ. Ông Lê Văn Đồng - Tổng giám đốc Công ty cho biết, hai xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất của công ty tại Hà Nội và TPHCM đều đang chạy hết công suất để hoàn thiện đơn hàng cho đối tác trong nước và thị trường xuất khẩu.
“Từ đầu tháng 7 này, chúng tôi bắt đầu nhận được các đơn hàng và có dấu hiệu tăng dần” - ông Đồng nói. Theo ông Đồng, những bất ổn của thị trường bất động sản thời gian qua khiến công ty gặp không ít khó khăn, đặc biệt khi các đơn hàng sụt giảm. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là lúc thị trường đã bắt đáy và theo quy luật, khi chạm đáy rồi sẽ từ từ lên. Do đó, dự báo năm 2024 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi.
Khảo sát sơ bộ của Hội mỹ nghệ - chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn hàng trong ngành giảm trung bình 30%. Tuy nhiên, trong tháng 7/2023, các DN bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Dẫn một nguồn thống kê, ông Đặng Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh cho hay, xuất khẩu ngành gỗ tháng 6 đem lại doanh thu là 1,09 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 5; tháng 7 có doanh thu là 1,12 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng 6. “Có thể thấy, về doanh thu xuất khẩu của ngành gỗ đã tăng nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Vì vậy, để đạt được kế hoạch trong năm 2023 sẽ có phần khó khăn nhưng các DN kỳ vọng từ nay đến cuối năm doanh thu sẽ khả quan hơn”, ông Hùng nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô cho rằng, để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu, các DN đang phải thích nghi với chính sách “thắt lưng buộc bụng” tập trung quản trị lại các khâu, cắt giảm các chi phí phát sinh từ hệ thống logistics đến nhân công, nhằm duy trì tính cạnh tranh để giành những đơn hàng xuất khẩu, không bị gián đoạn.
Hơn 3 tháng nay, công nhân Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI) tại KCN Long Đức (Long Thành, Đồng Nai) thường xuyên tăng ca để đảm bảo kế hoạch sản xuất của DN. Cũng từ đầu quý 2 năm nay, Công ty Hữu hạn Cơ khí Động lực Toàn Cầu (Đồng Nai) có đơn hàng trở lại, giúp ổn định việc làm cho người lao động.
Lãnh đạo công ty chia sẻ, trong lúc khó khăn nhất DN vẫn không cắt giảm lao động. Do vậy, khi có đơn hàng trở lại, công ty vẫn có đội ngũ lao động lành nghề, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công việc và sản xuất các đơn hàng mới.
Mặc dù gặp không ít khó khăn song hiện nay Công ty CP Tôn Đông Á (Bình Dương) vẫn ổn định việc làm cho gần 1.300 công nhân. Ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay, năm 2023 tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn hơn cả năm trước song doanh nghiệp tìm đủ mọi giải pháp không những để tồn tại mà còn phát triển. “Thị trường trong nước giảm khoảng 30%, chúng tôi bù đắp bằng cách tăng vị thế ở thị trường xuất khẩu. Đến nay, Tôn Đông Á đã tăng xuất khẩu trên 60%, giữ vững được công suất trên 95% hoạt động, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động” - ông Trung nói.
Dệt may cũng có nhiều dấu hiệu tươi sáng. Ông Bùi Hữu Trí - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH SX-XNK may mặc Thành Phát (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết tín hiệu vui là nhiều khách hàng cũ đã nối lại liên lạc và trở lại đặt hàng. Theo đó, mới đây Công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu với 250.000 sản phẩm cho 6 tháng cuối năm 2023 và đã có đơn hàng cho đầu năm 2024. Công ty còn tuyển dụng công nhân đã nghỉ việc trước dịch, mời họ quay trở lại nhà máy.
“Đơn hàng đang tốt dần lên. Chúng tôi ký được hợp đồng lớn với nhiều thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, châu Âu… Đồng thời đẩy mạnh thị trường nội địa bằng cách đưa hàng vào nhiều hệ thống siêu thị như Co.op Mart, Emart để tăng nguồn doanh thu cho đơn vị, đảm bảo cuộc sống cho người lao động” - ông Trí cho biết.
Chuyển hướng, phát triển theo chiều sâu
Để có được những kết quả trên, ông Bùi Hữu Trí cho rằng, do công ty không ngừng đổi mới máy móc thiết bị, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế nên gầy dựng được niềm tin với khách hàng ở những thị trường khó tính như Nhật Bản. Sắp tới, DN sẽ bắt nhịp sản xuất xanh để có thêm đơn hàng xuất khẩu. Đó là những tiền đề để DN này tin tưởng thị trường may mặc cuối năm sẽ có nhiều khởi sắc.
Nhằm thích ứng với tình hình mới, nhiều DN đã chuyển hướng kinh doanh và Công ty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (Bình Dương) là một ví dụ. Ông Hồ Phi Hải - Tổng giám đốc cho biết, công ty đang chuyển hướng xuất khẩu thay vì chỉ cung ứng nội địa như trước đây. “Chúng tôi xuất khẩu một số phụ kiện qua các nước Anh, Úc, Đức. Tới đây công ty sẽ sản xuất một số sản phẩm mới chuyên dùng xuất khẩu. Theo kế hoạch đến cuối năm 2024, công ty sẽ có đơn hàng đầu tiên xuất đi Mỹ”- ông Hải nói.
Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Gia Bảo, liên tục xúc tiến để mở rộng thị trường tại Nhật Bản, Trung Quốc, Dubai, đặc biệt là các thị trường Ấn Độ, Trung Đông vì nhu cầu về lâm sản, nông sản khá cao. Khu vực này người dân đạo Hồi sử dụng thực phẩm Halal (những thực phẩm “được cho phép”, “hợp pháp” được sử dụng theo Luật Hồi giáo- PV) đa dạng với nhiều sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống, sản phẩm từ sữa, thực phẩm hữu cơ, thảo dược, mỹ phẩm, dược phẩm…
“Thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới được đánh giá lên tới 1.500 tỷ USD, nhưng năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khiêm tốn. Vì vậy, đây là cơ hội cho Gia Bảo nói riêng và nhiều DN xuất khẩu tại Việt Nam nói chung” - ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Công ty kỳ vọng.
Công nhân mừng vì có nhiều việc làm
Vui mừng khi được nhận vào dạy nghề may và giữ lại sau thời gian thử việc tại Công ty Top Royal Flash Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM), chị Hồ Thị Thùy (43 tuổi, quê Sóc Trăng) bộc bạch: “Thời buổi khó tìm việc, lại còn gặp vấn đề tuổi tác nhưng tôi và nhiều đồng nghiệp khác đã được công ty nhận. Có việc làm, có thu nhập… gần 8 triệu đồng/tháng, chúng tôi có thêm động lực bám trụ thành phố kiếm tiền gửi về quê lo cho gia đình”.
Trước đây, chị Thùy là công nhân da giày tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân). Sau gần 10 năm làm việc, cuối năm 2022, chị và hầu hết công nhân đã bị công ty chấm dứt hợp đồng do không có đơn hàng.
Do đó, khi tìm được việc làm mới, nhiều công nhân mừng rơn và quyết tâm sẽ làm việc thật tốt ở công ty đã “dang tay” với họ trong lúc khốn khó.
Nhiều doanh nghiệp bội thu đơn hàng đến hết năm 2023 (ảnh Công nhân may mặc Công ty Top Royal Flash Việt Nam) ảnh: U.P |
Tại Công ty may V.N.F (quận Bình Tân), công nhân còn được công ty cho tăng ca, hỗ trợ tiền nhà trọ, xăng xe và còn bảo lãnh để công nhân được vay tiền trang trải cuộc sống. Chị Lã Thị Hương (36 tuổi, quê Phú Yên) đã có hơn 5 năm gắn bó với công ty tâm sự, khi thấy nhiều DN dệt may, da giày không có đơn hàng, cắt giảm lao động hàng loạt, nhiều công nhân đều cũng “lo đứng lo ngồi”.
Tuy nhiên, ban giám đốc công ty đã gặp gỡ, động viên người lao động yên tâm làm việc. Công nhân cũng được thông báo tình hình đơn hàng và biết những phương án cụ thể của doanh nghiệp nếu tình huống xấu nhất xảy ra.
“May mắn, giai đoạn căng thẳng nhất đã qua và công ty vẫn sản xuất tốt, lao động không ai bị sa thải, giảm việc. Hiện, hợp đồng đã có đủ đến cuối năm 2024, chúng tôi còn được tăng ca mỗi ngày thêm 2 tiếng đồng hồ để kịp đơn hàng xuất khẩu” - chị Hương nói.
Làm việc tại Công ty CP Tôn Đông Á (Bình Dương) hơn 10 năm, anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi, quê Nam Định) cho biết, từ năm 2021 đến nay, công ty gặp khó khăn về đơn hàng song người lao động vẫn làm việc thường xuyên. “ Với tình hình khó khăn của DN, công nhân có việc làm thường xuyên, không bị thất nghiệp là tốt rồi”- anh Bình chia sẻ.
Tiền phong