Khai thác "kho báu" khổng lồ: Người Trung Quốc đến với 2 bàn tay trắng, về thành tỷ phú
Tuy nhiên, quốc gia nghèo châu Phi đã trở nên cảnh giác và có thể lấy lại "kho báu" này.
- 15-12-2021Kho báu định đoạt cả tương lai: Trung Quốc "sắp hết", Việt Nam chưa khai thác là bao
- 07-12-20213 nước "hữu hảo" với Việt Nam nắm giữ kho báu kim loại đủ khuấy đảo cả thị trường thế giới
- 06-12-2021Núi nhôm 5 tỷ USD bị bỏ xó: Không bằng "hạt cát" so với kho báu 2.500 tỷ USD của Việt Nam
An toàn chỉ là tờ giấy trắng
Những chuyển biến do thay đổi quyền sở hữu mỏ Tenke Fungurume thoạt đầu dường như không đáng kể. Mỏ hoạt động liên tục trong 24 giờ và có hơn 7.000 nhân công, diện tích của mỏ tương đương với Los Angeles, có những hố sâu đang được đào bới và bụi bay lên khắp nơi do các xe chở đất gây nên.
Các quản lý mới của doanh nghiệp Trung Quốc mặc quần đùi và đi giày thể thao đến thị sát khu vực khai thác. Cảnh tượng này đã gây sốc cho các công nhân, những người từng được yêu cầu đi ủng mũi cứng và đeo kính bảo hộ.
Pierrot Kitobo Sambisaya, người đã làm việc tại mỏ trong 10 năm cho đến năm 2019, cho biết: "Khi đó, chúng tôi nghĩ là: Ồ, điều này là không thể".
Chẳng bao lâu, những ngày kỷ niệm đến rồi đi trong yên lặng, không có bất cứ hoạt động nào; cũng không còn việc mời các gia đình công nhân đến tham quan và dự tiệc ở khu mỏ như trước. Hàng chục vị trí lao công và tài xế từng do công dân Congo đảm nhiệm đã được chuyển sang tay người Trung Quốc.
Trên đường dẫn vào khu vực khai thác, một vụ tai nạn đã xảy ra giữa xe tải chở đồng và xe bồn chở axit dùng trong quá trình khai thác. Ảnh: NYT
Đây mới chỉ là khởi đầu. Theo các cuộc phỏng vấn của NYT với công nhân, thanh tra an toàn hiện tại và trước đây, nhà quản lý khai thác và các quan chức chính phủ Congo, họ cũng bắt đầu lo lắng rằng khu vực khai thác ngày càng trở nên mất an toàn.
Không được kiểm tra chất lượng không khí, các công nhân đã trèo vào bồn chứa axit để sửa chữa. Những người khác lái máy ủi và các thiết bị hạng nặng khác mà không được đào tạo, hoặc tham gia vào công việc hàn xì nguy hiểm mà không có sự giám sát thích hợp.
Năm ngoái, khi một chiếc xe tải di chuyển với một công nhân đang ngồi bên trong thì bất ngờ xe tải bị lật. Theo một báo cáo thường niên của China Molybdenum, người công nhân đã cố gắng thoát ra nhưng cuối cùng vẫn bị xe tải đè thiệt mạng.
Theo Giám đốc an toàn giàu kinh nghiệm Alfred Kiloko Makeba cùng các nhân viên, quản lý, nhà thầu hiện tại và trước đây, tất cả những điều này rất khác với cách làm của chủ sở hữu mỏ người Mỹ trước đây.
Dưới sự quản lý của người Mỹ, những nhân viên vi phạm các quy định sẽ ngay lập tức bị kỷ luật hoặc bị sa thải. NYT cho hay, trong 8 năm mà công ty Freeport-McMoRan (Mỹ) vận hành mỏ, chỉ có một công nhân thiệt mạng nhưng công ty nhiều lần thông báo về các sự cố nguy hiểm để cảnh báo công nhân.
Các công nhân và giám sát viên cho biết, khi các thanh tra viên an toàn phát hiện ra những vi phạm sau khi China Molybdenum tiếp quản, đôi khi họ bị yêu cầu bỏ qua những vi phạm này hoặc thậm chí đưa hối lộ để họ làm như vậy. Và khi họ cố gắng tuân thủ các quy tắc, bạo lực đã có lúc xảy ra.
Một nhân viên an toàn cho biết sau khi phát hiện một công nhân sử dụng thiết bị hàn không đúng cách, công nhân này đã thô bạo đẩy anh xuống đất, khiến anh bị trẹo tay, điện thoại di động và máy ảnh được công ty cấp phát còn bị đập vỡ.
Một giám đốc điều hành của Tổng công ty khai thác mỏ và mỏ đá quốc doanh Congo, cổ đông thiểu số của mỏ Tenke Fungurume, nói rằng nhân viên của khu vực khai thác đã phàn nàn với ban giám đốc của tổng công ty về các xung đột và những vấn đề an toàn. Các vấn đề an toàn giờ đây đã trở thành một phần của đánh giá rộng hơn về hoạt động của China Molybdenum.
Tuy nhiên, người phát ngôn của China Molybdenum Vincent Zhou phủ nhận việc có bất kỳ thanh tra nào bị hành hung. Theo ông, những cáo buộc này có lẽ là do những nhân viên bị sa thải bịa đặt.
Chia sẻ với NYT, Zhou nói rằng, mỏ có "cơ chế an toàn và sức khỏe nghề nghiệp mạnh mẽ và tiếp tục thực hiện các quy định không khoan nhượng". Ông này nói, trên thực tế, "số liệu thống kê nội bộ" được công bố trong báo cáo của công ty trong năm nay cho thấy rằng kể từ khi công ty tiếp quản khu vực khai thác, số vụ tai nạn lao động đã giảm hẳn.
Nhưng theo các nhân viên, họ đã nhiều lần được yêu cầu không báo cáo thương tích liên quan đến công việc, họ tin rằng công ty đã sửa đổi dữ liệu trong nỗ lực che đậy những rủi ro ngày càng gia tăng.
Những túi lớn chứa đầy quặng coban được đặt trên xe máy. Ảnh: NYT
Ông Makeba kể lại, năm ngoái, ông đã nhận được một cuộc gọi khẩn trong đêm khiến vấn đề lộ ra. Ông cho biết, một công nhân tại khu vực khai thác đã không thắt dây an toàn theo yêu cầu khi leo núi khiến anh này bị rơi từ trên cao xuống.
Sau khi Makeba kịp đến hiện trường, ông đã bị sốc khi biết rằng người công nhân bị gãy chân đã được đưa đến một phòng khám tư thay vì một phòng khám trong khu vực khai thác.
Makeba cho biết người công nhân này nói với ông rằng người giám sát đã đưa tiền cho anh ta để giữ im lặng để sự việc không được báo cáo với ban quản lý và sẽ không xuất hiện trong thống kê thương tật trong công việc của công ty.
Makeba nói rằng khi ông trao đổi với cấp trên về điều này nhưng người sếp yêu cầu ông đừng để tâm đến việc đó.
Vincent Zhou bác bỏ chia sẻ của Makeba và nói “bất kỳ hình thức che giấu nào đều vi phạm các quy định và giá trị của công ty”.
"An toàn giờ đây chỉ là tờ giấy trắng", Makeba nói.
Các vấn đề của mỏ Tenke Fungurume không chỉ giới hạn ở những phàn nàn của nhân viên trong khu vực khai thác.
Trước đây, doanh nghiệp Mỹ đã phải cảnh giác những người xâm nhập trái phép vào khu vực khai thác và lấy đi các bao quặng coban. Thậm chí, đã có trường hợp người dân đào hầm trộm vào khu vực khai thác đã tử vong do hầm bị ngập hoặc sập.
Sau khi China Molybdenum tiếp quản khu vực khai thác, cuộc xung đột này trở nên nghiêm trọng hơn.
Một giám đốc điều hành làm việc trong khu vực khai thác vào thời điểm đó nói với NYT rằng, đối mặt với hàng nghìn người thâm nhập bất hợp pháp, doanh nghiệp Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ Congo cử quân đội để giúp kiểm soát tình hình.
Sau khi quân đội đến, họ bắt đầu tuần tra mỏ Tenke Fungurume và các khu vực khai thác khác ở địa phương, đồng thời phá hủy nhà kho nơi những kẻ trộm bán quặng coban cho các thương gia.
Quân đội đã đóng quân trong khu vực khai thác trong vài tháng, điều này cuối cùng đã dẫn đến một sự cố chết người. Một người lính đã bắn chết một người vào mỏ đào quặng trái phép.
Sau khi người bạn của người quá cố đưa xác anh ta về nhà, bạo loạn đã nổ ra ở đó. Theo các quan chức địa phương và nhân viên của khu vực khai thác nói trên, một người biểu tình đã bị trúng đạn và chết trong cuộc bạo loạn.
Năm nay, các binh sĩ với AK-47 đã được bố trí bên ngoài khu mỏ, cùng với các nhân viên bảo vệ được thuê từ một công ty do Erik Prince - cựu lính hải quân Mỹ thành lập.
China Molybdenum đã bắt đầu hoạt động tại Kisanfu, nơi có trữ lượng coban khổng lồ nhưng vẫn chưa được khai thác. Ảnh: NYT
Đến với hai bàn tay trắng, ra đi thành tỷ phú
Song song với việc đối phó nạn xâm nhập bất hợp pháp, nhà quản lý mới của Tenke Fungurume cũng đang tìm cách để cắt giảm chi phí những vẫn phải tăng sản lượng.
China Molybdenum đang tăng dần sản lượng. Vào tháng 12 năm ngoái, công ty đã chi 550 triệu USD để mua Kisanfu từ Freeport-McMoRan, được coi là một trong những mỏ coban chưa khai thác lớn nhất thế giới.
Vào tháng 8, China Molybdenum đã thông báo sẽ đầu tư 2,5 tỷ USD vào mỏ Tenke Fungurume nhằm tăng gấp đôi sản lượng trong hai năm tới. Sau khi hoàn thành việc mở rộng, sản lượng coban hàng năm của mỏ sẽ đạt gần 40.000 tấn. Trong khi đó, Mỹ chỉ sản xuất 600 tấn coban trong năm ngoái. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng rất thận trọng trong việc công bố trữ lượng coban của mỏ Kisanfu.
Tuy nhiên, sự gấp rút mở rộng này đã thu hút sự chú ý chặt chẽ của các quan chức cấp cao của chính phủ Congo và thậm chí cả Tổng thống Tshisekedi.
Theo hai quản lý cấp cao của Tổng công ty khai thác mỏ và mỏ đá quốc doanh Congo tham gia vào các cuộc thảo luận bí mật và một quan chức chính phủ, phía tổng công ty Congo đã thảo luận về việc buộc ban quản lý của mỏ Tenke Fungurume phải từ chức, thậm chí sẽ lấy lại mỏ từ tay doanh nghiệp Trung Quốc.
Một ủy ban của Tổng thống Tshisekedi vẫn đang điều tra những cáo buộc liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc và bản thân Tổng thống gần đây đã chủ trì một cuộc họp với các lãnh đạo điều hành công ty. Cuộc họp kéo dài sáu giờ diễn ra căng thẳng.
Tổng thống Tshisekedi đã thừa nhận trong chuyến thăm tới một khu vực khai thác coban năm nay rằng sự tham nhũng hoặc kém năng lực của các quan chức chính phủ Congo có thể là một phần trách nhiệm trong việc đạt được một thỏa thuận khiến đất nước rơi vào cảnh thua lỗ.
"Các hợp đồng khai thác được đàm phán bởi một số đồng hương của chúng tôi thật khủng khiếp", ông nói. "Tôi rất nghiêm khắc với những nhà đầu tư chỉ biết kiếm tiền cho bản thân. Lúc họ đến chỉ với hai bàn tay trắng nhưng khi rời đi, họ đã là tỷ phú".
Các quan chức chính phủ Trung Quốc khẳng định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Congo vẫn bình thường và Trung Quốc đã mang lại lợi ích to lớn cho Congo.
Tổng thống Tshisekedi đã thị sát hoạt động khai thác của doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: NYT
Hai nước có “tình hữu nghị lâu đời và sự hợp tác thực tế song phương đã mang lại kết quả đôi bên cùng có lợi và có triển vọng rộng lớn”, ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo vào tháng 9.
Tổng thống Tshisekedi cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Kinshasa rằng, ông không quan tâm đến việc thế lực nước ngoài nào kiểm soát hoạt động khai thác ở Congo, mà là cách đất nước ông có thể chia sẻ sự giàu có do cuộc cách mạng năng lượng sạch mang lại.
“Chúng ta có một tiềm năng đáng kinh ngạc về năng lượng tái tạo, dù là về kim loại chiến lược hay các dòng sông", ông đề cập đến khai thác mỏ và thủy điện. “Suy nghĩ của chúng tôi là, làm thế nào chúng ta có thể cung cấp nguồn tài nguyên tuyệt vời này cho cả thế giới, nhưng vẫn đảm bảo rằng nó có lợi trước tiên cho người Congo và nó mang lại lợi ích cho người châu Phi?”.
Doanh nghiệp và tiếp thị