MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Khai tử” Bưu điện Hà Nội: Đại biểu Quốc hội đề nghị doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trong phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa

31-10-2018 - 09:18 AM | Xã hội

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Tổ Quốc, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: Doanh nghiệp cũng phải có nghĩa vụ trong việc phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa.

Đề cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp

- Thưa ông, chúng tôi vừa có bài phản ánh về việc tòa nhà Bưu điện Hà Nội đã bị chuyển tên thành VNPT Hà Nội. Trong khi, đây là một địa điểm du lịch, một biểu tượng để lại dấu ấn đậm nét với du khách mỗi lần đến Thủ đô, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Bưu điện Hà Nội giờ đã đổi tên thành VNPT trên địa điểm của trụ sở Bưu điện Hà Nội cũ có nguyên nhân về mặt tổ chức của đơn vị.

Trước hết chúng ta thấy, các cơ quan chung này gốc gác là Bưu điện Hà Nội, sau này tách thành hai cơ quan: bưu điện làm về mảng bưu chính và một mảng nữa là viễn thông. Viễn thông thì có tên là VNPT, sau này doanh nghiệp khi phân chia tài sản thì trụ sở Bưu điện cũ về cơ bản thuộc về VNPT.

Tất nhiên, về tài sản khi chuyển giao về cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền chọn tên phù hợp với quy định của pháp luật. Và tên đó được pháp luật cho phép.

“Khai tử” Bưu điện Hà Nội: Đại biểu Quốc hội đề nghị doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trong phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa - Ảnh 1.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ Quốc.

Tuy nhiên, ở đây có một khía cạnh mà tôi cho rằng có điều đặc biệt. Thứ nhất, trụ sở này nằm ở vị trí rất thiêng liêng của Hà Nội – hồ Hoàn Kiếm. Thứ hai nữa là Bưu điện của Hà Nội nói riêng và Bưu điện của nhiều tỉnh, thành nói chung trước đây luôn nằm ở vị trí trung tâm, như là biểu tượng của địa phương, nằm trong ký ức, suy nghĩ của rất nhiều người dân.

Tôi nghĩ rằng, ở đây, chúng ta cần tiếp cận thêm ở một góc độ nữa đó là doanh nghiệp rất cần phải lưu ý, là doanh nghiệp cũng phải có nghĩa vụ trong việc phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa.

Thực ra ta vẫn có thể để tên Bưu điện Hà Nội và ở dưới, có thể để một tên nhỏ: Công ty viễn thông Hà Nội. Chữ "Bưu điện Hà Nội" đã có sức sống trong lòng rất nhiều người dân Hà Nội và bạn bè quốc tế… Với cách làm này, nó sẽ đạt được yêu cầu cả về mặt kinh tế và cả về mặt văn hóa.

Tất nhiên đây là quyền lựa chọn của doanh nghiệp nhưng rõ ràng, trách nhiệm của doanh nghiệp bao gồm cả thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của doanh nghiệp mình cũng như của cộng đồng.

Doanh nghiệp cùng bàn với địa phương để "trả lại tên cho em"

+ Vậy chúng ta có nên quy hoạch Bưu điện Hà Nội thành điểm du lịch không khi đồng thời đây còn là cột mốc số 0 trong lòng người dân Thủ đô, thưa ông?

- Chúng ta không biến thì nơi đây vốn dĩ đã trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch. Chỉ có điều bây giờ giải quyết như thế nào khi mà thời gian vừa qua nó đã có biển tên mới là VNPT.

“Khai tử” Bưu điện Hà Nội: Đại biểu Quốc hội đề nghị doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trong phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa - Ảnh 2.

Bưu điện Hà Nội giờ đây mang tên VNPT Hà Nội. Ảnh: Minh Khánh

Tôi nghĩ là với trách nhiệm của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể cùng bàn với chính quyền địa phương để có thể "trả lại tên cho em", để chúng ta có một Bưu điện Hà Nội vẫn như thế.

Trong thời đại phát triển như hiện nay chúng ta vẫn giữ được hồn cốt, giá trị, dấu ấn riêng của Hà Nội, để Hà Nội đẹp hơn. Tôi nghĩ rằng, khi Hà Nội đẹp hơn thì chắc chắn cơ hội kinh doanh, phát triển của các doanh nghiệp cũng sẽ tốt hơn.

+ Giữa câu chuyện phát triển kinh tế và văn hóa mà các Đại biểu Quốc hội đã đặt ra trong phần chất vấn với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện vào sáng 30/10, cộng với câu chuyện về VNPT này, ông có suy nghĩ gì trong việc Hà Nội cần nhấn mạnh yếu tố phát triển văn hóa hay phát triển kinh tế hơn?

- Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, công nghệ. Trước hết Hà Nội thực hiện chức năng đầu tiên của mình là chức năng văn hóa trên cơ sở một nền tảng kinh tế phải phát triển.

Tuy nhiên, trong câu chuyện kinh tế đó phải hướng tới việc tạo nên giá trị văn hóa tốt đẹp cho cộng đồng, là nơi hội tụ cho tinh hoa cho văn hóa cả nước, thậm chí văn hóa thế giới để từ đó lan tỏa giá trị tinh thần văn hóa quốc gia.

Tôi nghĩ rằng, đối với Hà Nội, khi chúng ta tác động tới một cái cây, một con phố cần có sự cân nhắc, tính toán rất là kỹ, cân nhắc rất sâu sắc cả hai lợi ích: kinh tế và văn hóa.

Và tôi cho rằng là: kinh tế có thể nhiều địa phương có thể thay thế được Hà Nội nhưng giá trị văn hóa Thủ đô thì Hà Nội vẫn phải gánh vác nhiệm vụ này. Và trong sự lựa chọn đó, chúng ta phải đề cao và ưu tiên cho văn hóa.

+ Chân thành cảm ơn ĐBQH Ngọ Duy Hiểu!

Theo Song Đào

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên