MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khám phá cơ sở đông lạnh thi thể để chờ hồi sinh: Bao nhiêu người sẵn sàng chi “bộn tiền” để có một cuộc đời thứ hai?

20-03-2023 - 10:47 AM | Tài chính quốc tế

Hàng nghìn người đã đăng ký để được đông lạnh thi thể sau khi chết với hy vọng họ có thể sống lại trong tương lai.

Sinh tử là quy luật của cuộc sống. Con người từ xưa tới nay luôn tìm cách thoát khỏi cái chết do bản năng sinh tồn mạnh mẽ vốn có. Ý tưởng sống “trường sinh bất lão” ngày nay cũng được giới siêu giàu Thung Lũng Silicon đặc biệt quan tâm.

Người sáng lập công ty Amazon - Jeff Bezos, Giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman và người đồng sáng lập PayPal - Peter Thiel đều là những tinh hoa trong giới công nghệ. Họ không ngại đầu tư hàng triệu đô la để cố gắng tìm ra cách kéo dài tuổi thọ của mình.

Khám phá cơ sở đông lạnh thi thể để chờ hồi sinh: Bao nhiêu người sẵn sàng chi “bộn tiền” để có một cuộc đời thứ hai? - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman và nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos ủng hộ các công ty đông lạnh xác

Khám phá cơ sở đông lạnh thi thể để chờ hồi sinh: Bao nhiêu người sẵn sàng chi “bộn tiền” để có một cuộc đời thứ hai? - Ảnh 2.

Robert Ettinger được biết đến là "cha đẻ của kỹ thuật đông lạnh xác". Bệnh nhân đầu tiên của Viện Cryonics Institute là mẹ ông, Rhea Ettinger

Đông lạnh thi thể để chờ hồi sinh khi khoa học đã tiến bộ hơn

Một trong những phương pháp kéo dài tuổi thọ đáng hứa hẹn nhất hiện tại có tên là Cryonics, hay phương pháp đông lạnh xác. Đây là quá trình đóng băng cơ thể người sau khi chết, giữ họ ở nhiệt độ rất thấp với hy vọng sẽ hồi sinh được họ trong tương lai.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào được hồi sinh thành công sau quá trình đông lạnh lâu dài và cũng chưa có một công nghệ nào có thể hồi sinh một người trong buồng đông lạnh.

Nhiều người cho rằng đông lạnh xác chỉ đơn giản là đóng băng cơ thể của một người, nhưng thực tế quá trình này phức tạp hơn thế.

Việc bảo quản thi thể chỉ được bắt đầu sau khi một người được công nhận là đã chết hợp pháp. Theo ông Dennis Kowalski, chủ tịch của Viện Cryonics Institute, quá trình bảo quản bắt đầu càng sớm thì cơ hội thành công càng cao.

Đầu tiên, người ta bơm chất làm loãng máu để ngăn đông máu và chất làm giảm độ axit cho dạ dày. Tại viện Cryonics Institute, một chuyên gia về kỹ thuật đông lạnh xác, được gọi là "người hộ tang", thực hiện hầu hết các quy trình cần thiết.

Sau đó cần phải hạ thấp thân nhiệt của thi thể xuống hết mức có thể để phục vụ cho việc bảo quản. Ông Kowalski cho biết chuyên gia sẽ gắn một thiết bị hồi sức tim phổi tự động vào thi thể để giữ cho máu luôn lưu thông, sau đó đặt thi thể xuống bồn nước đá để hạ thân nhiệt.

Trước đây, khi kỹ thuật đông lạnh xác mới phát triển, các thi thể được "đóng băng trực tiếp", nghĩa là các thi thể chỉ đơn giản là bị đóng băng sau khi chết. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra thương tổn bên trong do sự hình thành các tinh thể băng.

Khám phá cơ sở đông lạnh thi thể để chờ hồi sinh: Bao nhiêu người sẵn sàng chi “bộn tiền” để có một cuộc đời thứ hai? - Ảnh 3.

Một khâu được thực hiện để tiếp cận hệ thống mạch máu của bệnh nhân, ngăn chặn các tinh thể băng hình thành

Ngày nay, sau khi được chuyển đến cơ sở đông lạnh, thi thể được lấy ra khỏi bể nước đá để trải qua một quá trình gọi là "thủy tinh hóa", nghĩa là thi thể được bơm đầy "dung dịch chống đóng băng". Theo ông Kowalski, quá trình này được lấy ý tưởng từ tập tính ngủ đông của các loài vật trong thời tiết lạnh giá.

Bước tiếp theo là đặt thi thể vào một hộp đặc biệt có chức năng làm lạnh. Chiếc hộp này sẽ làm giảm nhiệt độ của thi thể từ từ xuống tới nhiệt độ của Nitơ lỏng, tức là -196°C. Ông Kowalski cho biết, việc bảo quản ở nhiệt độ thấp như vậy sẽ giữ cho thi thể luôn ở trạng thái ổn định.

Cuối cùng, sau khi quá trình này hoàn tất, thi thể được bảo quản trong một căn buồng giống như một “bình giữ nhiệt khổng lồ”. Các thi thể được đặt vào trong bình và tiếp tục bổ sung thêm nitơ lỏng vào các buồng theo định kỳ để đảm bảo nitơ lỏng luôn đầy.

Khám phá cơ sở đông lạnh thi thể để chờ hồi sinh: Bao nhiêu người sẵn sàng chi “bộn tiền” để có một cuộc đời thứ hai? - Ảnh 4.

Hình ảnh về buồng lạnh

Kowalski cho biết những người đăng ký bảo tồn cơ thể bằng đông lạnh xác có xu hướng lạc quan về những đột phá mới của khoa học trong tương lai. Trong số đó có những người yêu thích khoa học viễn tưởng.

Thành viên của viện Cryonics Institute phải trả phí 28.000 đô (660 triệu VND) cho quá trình xử lý và bảo quản thi thể sau khi họ qua đời và khoản phí này có thể được thỏa thuận trả bằng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Alcor Life Extension Foundation, một công ty đông lạnh xác khác có trụ sở tại Hoa Kỳ, tính phí 200.000 đô (4.7 tỉ VND) cho việc bảo quản toàn bộ thi thể và 80.000 đô (1.8 tỉ) cho việc bảo quản riêng bộ não của một người, theo Reuters.

Tiến sĩ Max More, cựu Giám đốc điều hành của Alcor, từng nói rằng dự định của ông chỉ là lưu trữ bộ não của mình vì đối với ông, cơ thể hoàn toàn “có thể thay thế được”.

Khám phá cơ sở đông lạnh thi thể để chờ hồi sinh: Bao nhiêu người sẵn sàng chi “bộn tiền” để có một cuộc đời thứ hai? - Ảnh 5.

Tiến sĩ Max More, cựu Giám đốc điều hành của Alcor

Ông Kowalski cũng cho biết thêm, để hồi sinh một người đã bị đóng băng có thể phải cần đến quá trình đảo ngược sự lão hóa và phục hồi bất kỳ tổn thương hoặc bệnh tật nào trong cơ thể của một người.

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa tìm ra phương pháp nào đảo ngược quá trình lão hoá và hồi phục những thương tổn từ các loại bệnh như Alzheimer và ung thư, và hơn hết không ai dám chắc liệu một ngày nào đó có thể hồi sinh cơ thể của một người trong buồng bảo quản hay không.

Ông Kowalski cho biết viện Cryonics Institute cũng đầu tư tiền một cách thận trọng để đảm bảo công ty có đủ tài chính duy trì hoạt động cho tới khi khoa học và công nghệ phát triển đủ mạnh để tìm ra những giải pháp cho công nghệ đông lạnh xác.

Kowalski nhận định: “Chúng tôi không biết liệu nó có hiệu quả hay không, nhưng chắc chắn mọi nỗ lực cho việc này đều đáng giá”.

Theo Hạ Khương

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên