Khám phá "kho báu" 35.000 tấn đang náu dưới sông ở Hải Dương - sự thật bất ngờ từ chủ nhân
Hiện "kho báu" 35.000 tấn mỗi năm trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang được người dân và các ban ngành chức năng của tỉnh tìm cách khai thác hiệu quả nhất.
Đầu tháng 12/2021, trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp Tổng cục Thủy sản, Sở NN-PTNT Hải Dương và nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tổ chức diễn đàn "Phát triển nuôi cá lồng bè bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái" với mục đích nhằm tạo điều kiện cho người dân nâng cao kiến thức, trao đổi thảo luận với các nhà qua học, nhà quản lý, các doanh nghiệp... Đồng thời để đánh giá và nhân rộng mô hình hiệu quả này của Hải Dương.
Qua thống kê, kiểm tra tới thời điểm cuối tháng 5/2021, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 9 huyện, thị xã, thành phố nuôi cá lồng với 7.040 lồng nuôi/451 hộ nuôi. Ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, sản lượng cá lồng tại tỉnh đạt khoảng 35.000 tấn mỗi năm. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nuôi cá lồng tập trung phát triển chủ yếu trên sông Thái Bình, sông Luộc và sông Kinh Thầy thuộc địa bàn huyện Nam Sách, Thành phố Hải Dương, Thị xã Kinh Môn, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng và Thành phố Chí Linh. Một số địa phương có số lượng lồng nuôi lớn là Thành phố Hải Dương, Tứ Kỳ, Nam Sách.
Theo ghi nhận của PV vào cuối tháng 12/2021, các hộ dân tại địa bàn huyện Tứ Kỳ và TP Hải Dương tập trung vào nuôi các loài bản địa có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá bỗng, chép, chép giòn, trắm đen.
Trên sông Luộc, đoạn qua địa bàn xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) có 28 hộ nuôi cá với hơn 300 lồng cá. Được thừa hưởng nhiều yếu tố thuận lợi từ thiên nhiên nên sông Luộc qua địa bàn thôn Hữu Trung, xã Hà Thanh là địa điểm lý tưởng để người dân tiến hành nuôi cá lồng. Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cá đã đến ngày bán, nhưng không có thương lái đến thu mua, khiến các hộ dân nuôi cá tại đây bị thua lỗ trong năm 2021.
Ông Phạm Văn Huấn (66 tuổi, trú thôn Hà Trung, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ) cho biết, gia đình ông có 5 lồng cá lăng và trắm trắng, ước tính sản lượng hơn 10 tấn cá. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng ông mất gần 4 triệu tiền thức ăn cho cá. "Nuôi cá lồng đến thời điểm này nói chung là thua lỗ nặng do giá cá năm nay giảm mạnh so với những năm trước nhưng giá cám lại tăng cao, cùng với đó con cá đến ngày xuất lại không có thương lái đến thu mua...", ông Huấn cho biết.
Hiện tại các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngoài cho cá ăn cám là thức ăn chủ yếu còn bổ sung các loại thức ăn khác như cỏ, chuối.... Theo đánh giá của ông Huấn, một lồng cá có kích thước là 54m2 sẽ nuôi từ 6-7 tấn cá. Trung bình mỗi ngày gia đình mất 12 bao cám cho 5 lồng cá, (hơn 400.000 đồng/bao cám).
Ngoài các loại cá chủ đạo như trắm trắng, lăng, chép thì cá diêu hồng cũng là một loại được nhiều hộ nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương chọn nuôi. Là một trong những hộ nuôi nhiều cá lồng trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, chị Nguyễn Thị Nhàn (40 tuổi, ở thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh) cho biết, trong năm 2021 cá diêu hồng là loại cá dễ nuôi và thua lỗ ít nhất. Theo chị, cá diêu hồng lớn nhanh, thương lái thu mua đều đặn mặc dù giá năm nay có giảm so với mọi năm nhưng nếu tính về mặt thua lỗ thì loại cá này thua lỗ ít nhất.
Hiện gia đình chị Nhàn có 28 lồng nuôi cá với sản lượng từ 80-100 tấn. Thời điểm không bị dịch như các năm trước, một thương lái có thể đến mua từ 1 đến 2 tấn, trong vòng 1 ngày có thể bán hết 1 lồng cá, những lồng nhiều bán lâu nhất là 3 ngày. Tuy nhiên, hiện tại có khi 10 ngày gia đình chị vẫn chưa bán hết 1 lồng. Hiện gia đình chị Nhàn đang có 3 lồng cá lăng đến ngày xuất nhưng chưa có thương lái tới thu mua.
Chị Nhàn chia sẻ, việc nuôi cá lồng năm nay thua lỗ có nhiều yếu tố. Trong đó có việc cá con khi mới thả bị chết nhiều, một số hộ không nắm được chính xác sản lượng cá trong lồng nhà mình có bao nhiêu tấn để điều phối cám cho phù hợp.
Các lồng nuôi cá đều được làm cẩn thận, chắc chắn không khác gì nhà nổi trên sông. Tại mỗi góc lồng đều có dây thừng khoá chặt trên bờ. Theo nhiều người thôn Hữu Trung, sông Luộc chảy qua địa bàn xã Thanh Hà sâu từ 10-15 mét. Mặc dù ở gần bờ nhưng mực nước cũng sâu từ 5-7 mét rất thuận lợi cho việc nuôi cá lồng.
Các lồng cá nổi được kết nối bằng thùng phi có thể chịu sóng, gió. Theo đánh giá, nuôi cá lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi truyền thống trong ao đất do giảm được chi phí đầu vào. Tận dụng được dòng chảy của nước nên nuôi cá lồng bè trên cùng 1 đơn vị diện tích sẽ nuôi được mật độ cao hơn gấp 20 lần so với nuôi trong ao đất. Việc nuôi cá lồng bè đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân Hải Dương trong thời gian gần đây.
Ông Phạm Văn Huấn cho biết, các lồng cá được thiết kế khoảng 54-55 mét2, sâu khoảng 4-5 mét, lồng được quây bằng 3 lớp lưới. Trong đó lớp ngoài cùng chống chịu va đập hoặc tác động từ bên ngoài còn 2 lớp trong cùng là để giữ không cho cám, thức ăn thoát ra ngoài.
Theo đánh giá của ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương, ngành nuôi cá lồng tại địa bàn còn nhiều hạn chế. Năng suất nuôi cá lồng của tỉnh Hải Dương mới chỉ ở mức trung bình đạt 4 tấn/lồng, thấp hơn so với mặt bằng chung của vùng Trung du Miền núi phía Bắc (4,5 tấn/lồng), thấp hơn khá nhiều so với những địa phương người dân có điều kiện kinh tế đầu tư, kỹ thuật nuôi thâm canh cao như tỉnh Bắc Ninh (7,2 tấn/lồng), Hà Nội (5,1 tấn/lồng)...
Doanh nghiệp và tiếp thị