MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khám phá "miền Tây thu nhỏ" ở đất vải Hải Dương

28-06-2023 - 15:50 PM | Lifestyle

Quả vải thiều không chỉ là một loại trái cây nổi tiếng của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương mà còn là điểm nhấn trong những hành trình du lịch, khám phá vẻ đẹp giàu truyền thống văn hóa của đất và người xứ Đông.

Khám phá "miền Tây thu nhỏ" ở đất vải Hải Dương - Ảnh 1.

Những vườn vải thiều được ví như miền Tây thu nhỏ tại Thanh Hà, Hải Dương

Xưa kia, vùng đất quanh Thăng Long (Hà Nội ngày nay) được chia làm tứ trấn gồm: vùng núi phía tây được gọi là trấn Sơn Tây (hay xứ Đoài), vùng núi phía nam được gọi là trấn Sơn Nam, vùng ven biển phía đông được gọi là trấn Hải Đông (hay xứ Đông), vùng phía bắc Hà Nội được gọi là trấn Kinh Bắc. Hải Dương có tên gọi xứ Đông là vì vậy. Và Thanh Hà là một địa danh không thể thiếu khi nhắc đến xứ Đông.

"Ai có nghe tên vải Thanh Hà

Tiếng đồn vang vọng khắp gần xa

Ngọt ngon thơm thảo như lòng mẹ

Đượm nghĩa tình trái vải quê ta…"

Đến đâu ở vùng đất Thanh Hà những ngày này cũng được nghe những câu thơ về miền quê vải của tác giả Nguyễn Đình Huân. Những vườn trải dài ngút ngàn như nhuộm một màu đỏ rực lên không gian làng quê yên bình.

Thanh Hà tháng 6 không chỉ có những xe tải về thu mua vải mà còn nhộn nhịp những đoàn xe đưa khách từ nhiều tỉnh, thành phố và cả khách nước ngoài tới tham quan, du lịch. Nhiều du khách ví von Thanh Hà là "miền Tây thu nhỏ". Gọi như vậy cũng có lý, vì hiếm có nơi nào lại có sông ngòi chằng chịt và vườn tược sum suê như đất Thanh Hà. Các con sông lớn như sông Thái Bình, sông Rạng, sông Hương ôm ấp, bồi đắp dòng phù sa dịu ngọt cho Thanh Hà bốn mùa cây trái tốt tươi.

Khám phá "miền Tây thu nhỏ" của vùng đất xứ Đông - Ảnh 1.

Thanh Hà mùa vải chín đỏ thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm

Đây cũng là thời điểm khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn – Đồng Quao của gia đình chị Phạm Thị Liêm rực rỡ nhất trong năm. Khu vườn rộng 3 mẫu đẹp như tranh với những chùm vải chín đỏ mọng chạy dọc theo dòng sông, tạo thành một cảnh quan trên bến, dưới thuyền ấn tượng với du khách.

Từ năm 2015, chị Liêm đã nhen nhóm ý định làm du lịch từ cây vải thiều. Từ đó, vợ chồng chị bắt đầu quy hoạch, tạo cảnh quan cho vườn. Vải được trồng theo hàng, giữa mỗi hàng cây là con kênh nước nhỏ có hoa sen, hoa súng... Lối vào vườn được bê tông hóa thuận tiện cho khách tham quan.

Năm 2018, huyện Thanh Hà công nhận tiểu khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn - nơi có vườn vải của gia đình chị Liêm. Sau đó, vườn vải bắt đầu đón khách. Mục đích ban đầu chỉ là làm thử nghiệm nên vợ chồng chị cho khách vào tham quan miễn phí, không thu tiền. Vừa làm, chị vừa học hỏi kinh nghiệm.

"Mùa vải năm 2022, vườn chính thức mở cửa cho khách vào tham quan, trải nghiệm hái vải tươi ăn có thu phí. Giá vé 30.000 đồng/người/lượt áp dụng cho khách chỉ vào vườn check-in chụp ảnh. Còn khách vào tham quan vườn, hái vải ăn tại chỗ giá vé là 50.000 đồng/người/lượt", chị Liêm cho biết.

Khám phá "miền Tây thu nhỏ" của vùng đất xứ Đông - Ảnh 2.

Những vườn vải thiều được ví như miền Tây thu nhỏ

Được ngồi thuyền tham quan, thưởng thức trái cây ngay tại vườn là một trải nghiệm thú vị với nhiều du khách. Không chỉ thu hút khách từ các tỉnh phía Bắc, hay TP.HCM, Đà Nẵng, các miền Tây mà khu Đồng Mẩn còn là điểm dừng chân của nhiều đoàn du khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Belarus...

Mô hình làm du lịch tại vườn vải cũng được nhiều người dân tại Thanh Hà áp dụng. Ông Hoàng Văn Lượm ở thôn Thúy Lâm (Thanh Sơn, Thanh Hà) cũng thừa nhận, lượng khách đến tham quan cây vải thiều ngày càng tăng. Năm 2022, chỉ từ tháng 5 đến tháng 7, vườn vải thiều có cây vải tổ của gia đình ông đã đón hơn 30.000 lượt du khách nội địa và quốc tế. Còn những mùa khác trong năm, dù không phải chính vụ vải chín, vườn cây nhà ông vẫn đón vài chục khách du lịch mỗi ngày.

Khám phá "miền Tây thu nhỏ" của vùng đất xứ Đông - Ảnh 3.

Cây vải thiều Tổ gần 200 năm tuổi tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà

Du lịch gắn với trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa địa phương

Với hệ thống sông ngòi dày đặc kết nối làng mạc, cánh đồng và gần 7.000 ha cây ăn quả, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) những năm gần đây có một số nhà vườn mở những tour du lịch thăm vườn, trải nghiệm hái và thưởng thức vải.

"Cái thú vị là về Thanh Hà không chỉ được ngắm vườn vải bạt ngàn, đỏ rực, thưởng thức những trái vải chín tươi ngon tại cây mà còn được ngồi trên con thuyền nhỏ, khua mái chèo tận hưởng không gian sông nước thanh bình", một nữ du khách đến từ miền Nam chia sẻ.

Khám phá "miền Tây thu nhỏ" của vùng đất xứ Đông - Ảnh 4.

Một góc huyện Thanh Hà (Hải Dương) bên dòng sông Hương

Thanh Hà không chỉ rực rỡ trong sắc đỏ của vải thiều mà còn là vùng đất chứa đựng tầng sâu văn hóa với khoảng 300 di tích lịch sử văn hóa gồm đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, văn chỉ gắn với các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo. Có thể kể đến như múa rối nước Thanh Hải có lịch sử trên 300 năm; lễ hội truyền thống chùa Hào Xá có trên nghìn năm tuổi; chùa Minh Khánh - di tích lịch sử cấp quốc gia, có từ thế kỷ XIII. Năm 2022, khu sinh thái Đồng Mẩn đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế.

Thanh Hà từ lâu còn được biết đến là vùng đất có nhiều nghề truyền thống lâu đời như nghề đóng thuyền, nghề vận tải đường sông nổi tiếng cả vùng; hay làng nghề trồng vải thiều Thúy Lâm; làng nghề chiếu cói Tiên Kiều; làng nghề ấp vịt Tân An... trong đó có nhiều nghề vẫn đang thịnh hành và phát triển cho tới ngày nay như nghề chiếu cói Tiên Kiều ở xã Thanh Hồng.

Khám phá "miền Tây thu nhỏ" của vùng đất xứ Đông - Ảnh 5.

Du lịch nông nghiệp là hướng đi mới giúp nông dân tăng thu nhập, quảng bá sản phẩm

Với lợi thế của địa phương, huyện Thanh Hà đã xây dựng Đề án "Phát triển các điểm du lịch gắn với sinh thái sông Hương" giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chú trọng phát triển khu du lịch sinh thái gắn với cây đặc sản. UBND tỉnh Hải Dương đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Hải Dương sẽ đón 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 3,7 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 7.450 tỉ đồng.

Theo ông Vũ Việt Anh - Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: Thời gian qua, điểm đến Đồng Mẩn (xã Thanh Khê) đã đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm; địa điểm cây vải tổ cũng đã đón hơn 40.000 lượt khách. Có thể nói, việc làm du lịch với cây vải thiều không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập từ nguồn du khách mà đây còn là kênh quảng bá trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng.

Nguồn: (Tổng hợp)

Theo Lê Hoa

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên