MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khẳng định bước đi trong mô hình phát triển

27-02-2019 - 17:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng là một trong những đích quan trọng mà ngành Ngân hàng tiến tới để đạt được những cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng tài chính quốc tế.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước
4 bài viết

Một trong những giải pháp cho vấn đề này là phải phát triển các định chế tài chính để có thể lấp đầy các khoảng trống trên thị trường tài chính. Điển hình như các công ty tài chính, các Quỹ Tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô. Những định chế tài chính này đã được NHNN quan tâm phát triển để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân, giảm vấn nạn tín dụng đen.

Khẳng định bước đi trong mô hình phát triển - Ảnh 1.

Ảnh minh họa


Việc mở rộng cho vay tiêu dùng ở khu vực xa đô thị của các định chế tài chính đi liền với việc tuân thủ nghiêm ngặt khuôn khổ pháp lý sẽ có tác động tích cực đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống xã hội và giảm vấn nạn tín dụng đen. Chính vì vậy, tại Chỉ thị 01/2019/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019, Thống đốc NHNN  yêu cầu các TCTD phải nghiên cứu bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân.

Chẳng hạn, mô hình công ty tài chính - một loại hình TCTD phi ngân hàng - đã có hành lang pháp lý hoạt động từ khi có Pháp lệnh ngân hàng năm 1990 và đã được NHNN quan tâm phát triển mô hình từ nhiều năm nay. Từ mô hình công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn kinh tế đến độc lập và công ty con của các NHTM.

Trong lịch sử (trước năm 2007) loại hình TCTD phi ngân hàng này vẫn chỉ dừng lại ở bước đầu hình thành và chiếm một vị trí khá khiêm tốn trong hệ thống kinh doanh tiền tệ ở Việt Nam. Mức tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm không cao so với các NHTM. Thị phần nhận tiền gửi và cho vay hàng năm của các công ty tài chính chỉ chiếm từ 1,5% đến 2% trong tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống. Quy mô vốn chủ sở hữu cũng như mạng lưới kinh doanh của các công ty tài chính cũng còn hạn hẹp.

Bên cạnh đó, còn có một số công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính có tỷ lệ nợ xấu đặc biệt cao, hiệu quả sử dụng vốn thấp, vốn khả dụng chiếm tỷ lệ cao trong khi đó, tiền gửi tại các TCTD chiếm tới trên 90% vốn khả dụng. Điều này cho thấy, khung pháp lý và mô hình phát triển của loại hình này chưa phù hợp với tiềm năng phát triển.

Chính vì vậy, để phát triển TCTD phi ngân hàng này, NHNN đã có sự cải cách mạnh mẽ khung pháp lý và mô hình phát triển công ty tài chính. Từ năm 2014 cho đến nay, đặc biệt là việc ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đã tạo ra một cú hích cho các công ty tài chính mở rộng lĩnh vực cho vay cá nhân với mục đích tiêu dùng. Dư nợ tín dụng tiêu dùng tăng gấp hơn 5 lần so với dư nợ vay tiêu dùng năm 2012, chiếm gần 18% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Theo thống kê tính đến cuối năm 2018 các công ty tài chính tiêu dùng có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) với mức 13,83%, đứng top đầu trong hệ thống các TCTD. Sự phát triển này khẳng định mô hình phát triển các định chế tài chính phi ngân hàng đang phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay. Đồng thời, đáp ứng tốt yêu cầu tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân và phục vụ nhu cầu đời sống xã hội ngày càng nâng cao của người dân.

Thế nhưng, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện nay vẫn cần được kiểm soát tốt hơn nữa để tạo niềm tin cho người dân vào hệ thống ngân hàng nói chung đi đôi với đó là thông tin truyền thông đến người vay tiêu dùng.

Theo TS.Nguyễn Thị Kim Thanh

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên