Khánh Hòa đồng bộ hạ tầng giao thông, kỳ vọng 'kéo' dòng vốn đầu tư
Với loạt dự án giao thông trọng điểm đã, đang và sẽ được triển khai, Khánh Hòa sẽ không chỉ đồng bộ hạ tầng, phát triển kinh tế mà còn kỳ vọng sẽ "kéo" dòng vốn đầu tư đến tỉnh này.
- 15-04-2023Singapore công bố kết quả tăng trưởng quý 1/2023, cao hay thấp hơn so với Việt Nam?
- 15-04-2023FPT đóng góp vào ngân sách ra sao?
Nhiều dự án giao thông được đầu tư
Khánh Hòa có mạng lưới giao thông vận tải khá phong phú, hội tụ đầy đủ các loại hình vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không.
Trong những năm gần đây, nhiều công trình giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng với mục đích phát triển kinh tế không chỉ cho Khánh Hòa, mà còn cho các tỉnh lân cận.
Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã đưa vào khai thác dự án đường giao thông từ Quốc lộ 1 đi Đầm Môn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Tuyến đường này dài khoảng 14,3km, nền đường rộng 34m (mặt đường rộng 24m, dải phân cách giữa rộng 3m, lề đất rộng 7m) với 6 làn xe (mỗi bên 3 làn xe).
Dự án kết nối giao thông từ Quốc lộ 1 đến trung tâm bán đảo Hòn Gốm tạo sự thuận lợi về hạ tầng giao thông trong khu vực, kết nối đảo Hòn Lớn với các đảo khác, từng bước hoàn thành về hạ tầng khu vực phía Bắc Khu kinh tế Vân Phong, nâng cao sức hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển của Khu kinh tế Vân Phong.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống giao thông Khánh Hoà gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, hàng không và cảng ICD.
Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông gồm xây dựng và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn trên địa bàn tỉnh (gồm 4 đoạn tuyến, dài 145 km), cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (dài 118 km). Tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương dài 34 km sẽ được triển khai sau năm 2030.
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng nâng cấp, duy tu, bảo trì 5 tuyến quốc lộ hiện hữu là Quốc lộ 1, Quốc lộ 26, Quốc lộ 26B, Quốc lộ 27B, Quốc lộ 27C…
Về quy hoạch giao thông tuyến đường bộ ven biển, tỉnh Khánh Hòa có điểm đầu tại Vạn Thọ (Vạn Ninh), điểm cuối tại Cam Lập - Cam Ranh, giáp ranh tỉnh Ninh Thuận, dài 154 km, trong đó đầu tư xây dựng mới đoạn từ Vạn Giã đến Ninh Hòa (theo quy hoạch tuyến ĐT.651B).
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phân bổ nguồn vốn Trung ương để hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông ven biển từ Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) đến thị xã Ninh Hòa (gần 40 km) với nguồn vốn 3.000 tỷ đồng.
Gần đây nhất, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng (từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707).
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ và tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng chiều dài dự án gần 57km (29,3km thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh, 27,6km thuộc địa phận huyện Khánh Sơn). Tổng mức đầu tư dự án là 1.929 tỷ đồng.
Tuyến đường được xây dựng sẽ góp phần xóa bỏ tính độc đạo của đường tỉnh lộ 9 nối Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cam Ranh đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn.
Dự án tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, kết nối liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn diện giữa 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.
Khởi công cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa trước tháng 6
Đầu tháng 4 vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, địa phương phải phát triển đột phá trong những năm tới, trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng và cả nước với 5 yếu tố.
Cụ thể, có vị trí đặc biệt, chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, kết nối các vùng trên cả nước; có hạ tầng tương đối đồng bộ với 5 phương thức vận tải; có tương đối đầy đủ, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; có điều kiện phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với bảo vệ vững chắc quốc phòng an ninh; có bề dày lịch sử hào hùng, truyền thống và bản sắc văn hóa phong phú, con người cần cù, chịu khó và thông minh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các địa phương trong, ngoài nước, các tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính, phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, lợi thế và bổ trợ, cộng hưởng lẫn nhau.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình cấp thiết, trọng điểm theo hướng kết nối, liên thông và đa mục tiêu, nhất là các dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa.
Cùng với đó, tỉnh cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về bảo đảm vật liệu cho các dự án. "Dứt khoát phải khởi công cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa trước tháng 6/2023", Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng gợi ý Khánh Hòa cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP), tập trung thu hút vào 3 vùng động lực kinh tế của tỉnh (Khu kinh tế Vân Phong, TP. Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh).
Nhà đầu tư