MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khảo sát 27 nước với 13 tiêu chí, vì sao hãng trang sức số 1 thế giới quyết định đầu tư khủng vào Việt Nam?

Khảo sát 27 nước với 13 tiêu chí, vì sao hãng trang sức số 1 thế giới quyết định đầu tư khủng vào Việt Nam?

Hãng trang sức lớn nhất thế giới Pandora vừa động thổ nhà máy 150 triệu USD tại Việt Nam, dự án lớn nhất của họ.

Chiều 16/5, Pandora, thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới đã tổ chức lễ khởi công nhà máy chế tác nữ trang trị giá 150 triệu USD tại tỉnh Bình Dương. Đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử của hãng này. Nhà máy mới sẽ sản xuất 60 triệu món đồ trang sức mỗi năm khi vận hành vào đầu năm 2026 và hỗ trợ sự phát triển lâu dài của Pandora cũng như gia tăng năng lực sản xuất của công ty lên khoảng 50%.

Trong năm 2023, Pandora đã bán ra trên toàn cầu 107 triệu món trang sức được sản xuất tại ba nhà máy ở Bangkok và Lamphun, Thái Lan. Mỗi món trang sức đều được hoàn thiện bằng tay bởi các thợ thủ công lành nghề.

Trang sức của Pandora được bán tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua 6.700 điểm bán hàng, bao gồm hơn 2.600 cửa hàng ý tưởng.

Khảo sát 27 nước với 13 tiêu chí, vì sao hãng trang sức số 1 thế giới quyết định đầu tư khủng vào Việt Nam?- Ảnh 1.

Pandora đã khởi công nhà máy 150 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP 3 Bình Dương.

Trao đổi với phóng viên bên lề sự kiện, Chủ tịch kiêm CEO Pandora, Alexander Lacik cho biết đã nghiên cứu tại 27 quốc gia với 13 tiêu chí khác nhau và cuối cùng quyết định chọn xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Cụ thể, "điều quan trọng đối với chúng tôi trước hết là khả năng tiếp cận nguồn lao động và văn hóa thợ bạc ở Việt Nam. Thứ hai là sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan chính phủ cũng như sự tập trung vào phát triển bền vững. Và tiêu chí thứ ba là khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng tốt. Việt Nam đang đầu tư rất nhiều vào đường sá và tiếp cận vận tải đường biển và đường hàng không. Vì vậy, đó là những lý do chính khiến chúng tôi xây dựng nhà máy tại Việt Nam", ông Alexander Lacik cho biết.

Việt Nam là thị trường quan trọng với các hãng trang sức toàn cầu

Theo Chủ tịch kiêm CEO Pandora, tại Việt Nam cũng như nhiều thị trường khác tương tự trên thế giới, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.

"Vì vậy, chúng ta cũng có thể nhận thấy nhu cầu mua sắm trang sức nói chung ngày càng tăng hàng năm. Tôi không có số liệu thống kê cụ thể nào ngoài việc nhìn vào sự tăng trưởng của chúng tôi. Và ở Việt Nam trong 6-7 năm qua, các bạn (thị trường Việt Nam - PV) đã tăng trưởng với tốc độ nhân đôi. Vì vậy, trong 5, 10, 15 năm tới, Việt Nam sẽ là một thị trường khá quan trọng đối với các nhà sản xuất trang sức trên thế giới", lãnh đạo Pandora dự đoán.

Khảo sát 27 nước với 13 tiêu chí, vì sao hãng trang sức số 1 thế giới quyết định đầu tư khủng vào Việt Nam?- Ảnh 2.

Chủ tịch kiêm CEO Pandora Alexander Lacik cho rằng Việt Nam là thị trường trang sức quan trọng toàn cầu.

Nói về câu chuyện thành công của Pandora, ông Alexander Lacik cho rằng: "Nhiều người sẽ chọn mua vàng để đầu tư hoặc đất, cổ phiếu, xe… Còn chúng tôi, khi nói với người tiêu dùng, chúng tôi không nói về chất liệu. Chúng tôi nói về câu chuyện đằng sau các thiết kế, đó là cách chúng tôi thúc đẩy thương hiệu. Từ đó, người tiêu dùng mua trang sức (của Pandora - PV) như sự cần thiết. Chính điều này đưa thương hiệu trở nên độc nhất trên thị trường".

Đầu năm nay, Pandora đã thông báo sẽ sử dụng bạc và vàng tái chế hoàn toàn trong sản xuất trang sức, một động thái sẽ tránh được 58.000 tấn CO2 mỗi năm.

Giám đốc Chuỗi cung ứng Pandora Jeerasage Puranasamriddhi cho biết: "Vậy nên tất nhiên khi chúng tôi vào Việt Nam thì điều này vẫn sẽ được thực hiện. Chúng tôi cũng sẽ sử dụng 100% bạc và vàng tái chế để sản xuất tại Việt Nam".

Trước câu hỏi nguồn cung ứng 100% bạc và vàng tái chế có thể lấy ở đâu, ông Jeerasage Puranasamriddhi nói: "Chúng tôi đang sử dụng nguồn cung ứng từ các nhà máy lọc nổi tiếng toàn cầu và họ cũng được chứng nhận RJC (Hội đồng Trang sức có trách nhiệm). Và tất cả những điều này có thể được truy xuất nguồn gốc và thực sự đạt tiêu chuẩn cao nhất về vật liệu tái chế, đặc biệt là bạc và vàng".

Trụ sở chính tại Copenhagen, Đan Mạch, Pandora có 33.000 nhân viên trên toàn thế giới và sản xuất trang sức tại ba nhà máy ở Thái Lan, chủ yếu sử dụng bạc và vàng tái chế. Pandora cam kết dẫn đầu trong lĩnh vực bền vững và đang tìm nguồn cung ứng bạc và vàng tái chế cho tất cả trang sức của mình, cũng như đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải nhà kính trên toàn chuỗi giá trị vào năm 2030.

Công ty được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq Copenhagen và đạt doanh thu 28,1 tỷ DKK (3,8 tỷ EUR) vào năm 2023.

Dy Khoa

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên