MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khấp khởi với đường ven kênh dài nhất TP HCM

Sau 6 tháng thi công, nhiều đoạn kè trên tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã thành hình. Toàn dự án hứa hẹn liên tiếp cán mốc tiến độ nhân 2 sự kiện quan trọng.

"Thấy công trường nhộn nhịp, bà con ở khu phố ai cũng phấn khởi vì tin một ngày không xa, dòng kênh đen trước nhà sẽ thay da đổi thịt". Bà Phan Thị Mai - ngụ đường số 1, khu phố 3, phường 13, quận Gò Vấp, TP HCM - vui vẻ khi nói tới dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đoạn qua nơi gia đình bà ở.

Khấp khởi với đường ven kênh dài nhất TP HCM - Ảnh 1.

Công nhân tất bật thi công tại gói thầu XL-08

Thi công bất kể mưa gió

Chỉ vào đoạn kè bê-tông vừa được làm xong, bà Mai kể trước đây, bên kênh toàn cỏ dại. Từ khi nhà thầu mang máy móc đến thi công thì bụi rậm được phát quang, muỗi mòng giảm hẳn.

Ba Mai cho hay hôm nào cũng vậy, cứ đi chợ, cơm nước cho con cháu xong là bà ra ngắm nghía công trường và thoải mái đi bộ tập thể dục. Không riêng bà, nhiều người hàng xóm cũng thế. Họ còn vui vẻ cho công nhân câu nhờ điện, nước chạy máy móc, thắp sáng mỗi khi cần.

Đoạn kênh đi qua nơi gia đình bà Mai sinh sống thuộc gói thầu XL-08 (từ cầu Chợ Cầu đến cầu Trường Đai, thuộc 2 quận 12 và Gò Vấp) dài khoảng 2,4 km. XL-08 cũng là gói thầu đang có tỉ lệ thi công kè cao nhất. Hạng mục kè tại đây đạt khoảng 45% từ lúc khởi công. Tại đây, sà lan chở máy móc liên tục hoạt động đóng hạ cừ bê-tông dự ứng lực để xây dựng.

Ông Mai Văn Lâm, tư vấn giám sát của Công ty Nhật Minh (gói thầu XL-08), cho biết nhà thầu đã huy động tất cả vật tư, máy móc, thi công bất kể ngày lễ hay mưa gió nhằm đưa gói thầu về đích như kế hoạch. Hiện nhà thầu thi công hạng mục kè, tiếp đó sẽ là hạng mục sau kè, đường ống thoát nước, hạ tầng kỹ thuật...

Ngoài gói thầu XL-08, không khí làm việc khẩn trương cũng diễn ra trên công trường gói thầu XL-09 (đoạn từ cầu Trường Đai đến sông Sài Gòn) với nhiều cần cẩu đang chuyển cừ bê-tông từ sà lan, sẵn sàng đóng xuống kênh. Anh Tuấn, công nhân làm việc tại gói thầu này, cho biết đã theo công trình 5 tháng. Xa vợ con, ăn ngủ cùng máy móc, công việc phải làm ngoài trời rất vất vả với nắng mưa thất thường nhưng được bù đắp bằng sự nhiệt tình hỗ trợ cũng như niềm hào hứng của người dân. Thêm nữa, khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến kênh dài nhất TP HCM, đẹp không thua gì kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ý nghĩa ấy càng giúp anh và mọi người có thêm động lực.

Khấp khởi với đường ven kênh dài nhất TP HCM - Ảnh 2.

Hạng mục kè tại XL-08 đạt khoảng 45%

Kỳ vọng xong trước lễ 30-4-2025

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bao gồm xây kè bê-tông hai bờ, nạo vét lòng kênh, xây đường chạy dọc hai bên rộng 7-12 m, vỉa hè 3 m, với tổng chiều dài 2 bên là hơn 63 km. Trên tuyến cũng được xây 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền, 3 cây cầu cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh...

Dự án này gồm 10 gói thầu chính. Trong đó, 9 gói có mặt bằng sạch được các nhà thầu khẩn trương thi công với việc huy động hơn 100 thiết bị, máy móc các loại cùng hàng trăm công nhân trên công trường.

Đề cập tiến độ thi công, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Quản lý dự án - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, cho biết sau gần 6 tháng xây dựng, dự án đã giải ngân gần 261 tỉ đồng trong tổng số 1.650 tỉ đồng vốn giao năm nay. Số vốn còn lại sẽ giải ngân xong vào cuối năm. Đến nay, các đơn vị đã đóng hơn 7.200 cừ bê-tông cốt thép dự ứng lực để xây dựng kè bờ kênh. Ở hạng mục thi công xử lý nền, hơn 23.000 cọc xi-măng đã được đóng...

Khấp khởi với đường ven kênh dài nhất TP HCM - Ảnh 3.

Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dự kiến hoàn thành dịp 30-4-2025

"Từ nay đến năm 2024, các nhà thầu sẽ tập trung hoàn thành những hạng mục công trình trên, cùng với đó là hệ thống thoát nước, công trình nền hạ đường giao thông, nền hạ của công viên và hệ thống chiếu sáng toàn tuyến. Nếu mọi việc suôn sẻ, 2 gói thầu XL-07 và XL-08 sẽ hoàn tất dịp lễ 30-4-2024 và hoàn thành toàn bộ dự án dịp lễ 30-4-2025" - ông Tùng thông tin.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án, quá trình thi công khá thuận lợi nhưng sẽ tốt hơn nếu vướng mắc về pháp lý liên quan bãi tiếp nhận bùn, đất dư từ quá trình nạo vét được giải quyết. Đơn vị vẫn chờ Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ để có nơi đổ bùn thải.

Dự án này có chiều dài tuyến gần 32 km, đi qua địa bàn 7 quận, huyện. Đây là dự án đi trong lòng đô thị, có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu khác như cầu giao thông, đường ống cấp nước, lưới điện cao thế cần phải được xử lý để di dời. Một số trường hợp hộ dân tái lấn chiếm dù đã được bồi thường mặt bằng từ giai đoạn 1 cũng là vấn đề. Để không ảnh hưởng tiến độ dự án, rất cần các địa phương vận động các hộ này, giúp nhà thầu có mặt bằng thi công.

"Chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công và đơn vị liên quan đang phối hợp khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ dự án" - ông Lê Thanh Tùng nêu quyết tâm. 

Phát triển giao thông thủy và bộ

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được khởi công tháng 2-2023, dự kiến hoàn thành vào dịp 30-4-2025. Dự án có tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn trung ương và địa phương. Trong đó, chi phí xây dựng gần 6.400 tỉ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng và các khoản dự phòng.

Khi hoàn thành, đây là trục động lực phát triển phía Tây TP HCM. Theo đó, dự án không chỉ kết nối giao thông đường bộ, giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1 mà còn hình thành các tuyến giao thông thủy kết nối với các quận, huyện cũng như kết nối TP HCM đi các địa phương miền Tây và miền Đông.

Cuộc sống đổi thay

Không chỉ người dân sống gần con kênh, những hộ đã bàn giao đất để dự án đi qua cũng phấn khởi không kém.

Bà Nguyễn Thị Búp - ngụ khu phố 1, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 - cho hay 20 năm trước đã nghe nói đến dự án này. Chờ đợi tới khi "niềm tin sắp cạn" thì bà biết tin dự án khởi công. Đến khi cần cẩu, máy móc tập kết trước nhà, bà tin chắc cuộc sống của người dân nơi đây sẽ có nhiều đổi thay.

"Giai đoạn 1 dự án đã thực hiện từ hơn 10 năm trước nên giá bồi thường cho người dân khá thấp. Dù vậy, bà con đã chấp nhận, chỉ mong một ngày không xa, đôi bờ kênh được cải tạo làm đường, xây kè, trồng cây xanh, tạo cơ hội cho người dân làm ăn, có kế mưu sinh" - bà Búp bày tỏ.

Theo Thu Hồng

Người lao động

Trở lên trên