MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khát năng lượng, nhiều nước trở lại với nguồn nhiên liệu 'ô nhiễm nhất thế giới'

23-07-2022 - 12:37 PM | Thị trường

Giá than tương lai tại cảng Newcastle của Australia ở mức 403 USD/tấn, cao hơn cùng thời điểm năm ngoái 63%.

Theo Trading Economics, giá than tương lai tại cảng Newcastle của Australia, nhà cung cấp chính cho châu Á, ở mức 403 USD/tấn, thấp hơn so với đỉnh lịch sử 13/7 khoảng 7% nhưng cao hơn cùng thời điểm năm ngoái 63%. So với đầu năm, giá hiện tại cũng cao hơn 60%.

Khát năng lượng, nhiều nước trở lại với nguồn nhiên liệu ô nhiễm nhất thế giới - Ảnh 1.

Diễn biến giá than tại Australia. Nguồn: Trading Economics

Theo WSJ, thiếu khí đốt tự nhiên và dầu do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine, nhiều quốc gia trở lại với than đá - nhiên liệu được coi là "ô nhiễm nhất thế giới". Sở dĩ gọi là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhát vì tính trong năm 2020, lượng CO2 từ than là 14 tỷ tấn, trong khi dầu là khoảng 11 tỷ tấn và khí đốt là hơn 7 tỷ tấn. Như vậy, so với khí đốt, lượng CO2 phát thải ra môi trường từ than gần gấp đôi so với khí đốt. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh toàn cầu về mặt hàng này, vốn bị sụt giảm nguồn cung do nhiều năm qua các mỏ thiếu đầu tư, đã đẩy giá lên cao kỷ lục trong năm nay.

Khát năng lượng, nhiều nước trở lại với nguồn nhiên liệu ô nhiễm nhất thế giới - Ảnh 2.

Lượng khí phát thải của than, dầu và khí đốt. Nguồn: Our World In Data


Cuộc chiến tại Ukraine cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thế giới. Theo tính toán của World Top Exports, Nga là quốc gia xuất khẩu than lớn thứ ba thế giới với kim ngạch 17,6 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng lượng toàn cầu.

Nhiều nước quay trở lại với nhiên liệu bẩn

Bộ Năng lượng Pháp tuyên bố ngày 27/6 rằng nhà máy điện than ở Saint-Avold, Moselle, có thể được đưa vào sử dụng trong mùa đông năm nay “như một biện pháp phòng ngừa, với tình hình chiến sự tại Ukraine” và căng thẳng trên thị trường năng lượng. Nhà máy này trước đó đã đóng cửa vào ngày 31/3.

Bộ Năng lượng nước này cho biết dù cơ sở hoạt động trở lại, điện được sản xuất bằng than sẽ vẫn ở mức dưới 1% trong tổng lượng được sử dụng tại Pháp. Bên cạnh đó, Pháp sẽ không sử dụng mặt hàng này từ Nga.

Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan, ông Rob Jetten, ngày 20/6 thông báo, nước này dỡ bỏ tất các các hạn chế với các nhà máy điện than để giảm tiêu thụ khí đốt. Bộ trưởng Jetten cũng kêu gọi kêu gọi khẩn cấp với các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng càng nhiều càng tốt trước khi mùa đông đến.

Ông Jetten cho biết Hà Lan đã kích hoạt giai đoạn "cảnh báo sớm" để đối phó với khủng hoảng năng lượng, trong bối cảnh khí đốt có thể bị thiếu hụt trong mùa đông năm nay.

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 19/6 cho biết nước này sẽ hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện do nguồn cung từ Nga bị cắt giảm. Động thái này diễn ra sau khi Moscow giảm mạnh dòng khí đốt tự nhiên trong các đường ống dẫn đến châu Âu, khiến giá năng lượng tăng.

Cùng ngày 19/6, Áo cho biết sẽ làm việc với tập đoàn Verbund, doanh nghiệp cung cấp điện chính của quốc gia này, để vận hành trở lại nhà máy nhiệt điện than Mellach. Cơ sở Mellach là nhà máy điện than cuối cùng của Áo và đã đóng cửa vào năm 2020 khi quốc gia này loại dần việc sử dụng loại nhiên liệu này.

Trong khi đó, Ấn Độ, nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, đã chứng kiến lượng than nhiệt nhập khẩu cao kỷ lục vào tháng 6 năm nay. Cụ thể, Ấn Độ đã nhập 19,2 triệu tấn trong tháng 6 năm nay, tăng 35% so với tháng trước đó và 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong vài năm qua, Ấn Độ đã giảm lượng mua từ Australia. Trong khi đó, nước này tăng cường nhập khẩu rẻ hơn, chất lượng thấp hơn từ Indonesia.

Do những biến động thế giới, các quốc gia trên thế giới đang đổ xô tìm kiếm nguồn than để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo Đỗ Loan

Người đồng hành

Trở lên trên