Khát vốn
Dòng tiền từ nguồn lực tự thân NH, nhà đầu tư nội đang ngày càng hạn chế, trong khi ngân sách nhà nước sẽ không bơm thêm cho các NH TMCP có vốn nhà nước. Mới đây, NHNN mở đường kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia vào tái cơ cấu NH Việt Nam. Liệu việc huy động vốn từ bên ngoài vào NH có dễ hơn?
- 23-11-2016“Bộ 3 quyền lực” Sacombank – ACB – Eximbank: Ngày ấy, bây giờ
- 23-11-2016Cung cầu ngoại tệ vẫn trong thế cân bằng
Cầu vốn mỗi NH mỗi khác
Tại Hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội NH châu Á (ABA), ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết NH đang có cổ đông ngoại nhiều năm nay là Mizuho và đã được Chính phủ, NHNN phê duyệt cho tăng vốn thông qua bán cổ phần riêng lẻ cho NĐTNN. Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) đưa ra giá hấp dẫn nhất, nhưng do giá tổ chức này đưa ra vẫn thấp hơn giá cổ phiếu của Vietcombank trên thị trường đang chờ Chính phủ và NHNN phê duyệt
Muốn thu hút vốn nước ngoài, các NH trước hết phải minh bạch số liệu, có định hướng chiến lược và đem lại giá trị gia tăng cho NĐTNN. Như vậy việc “mở đường” của NHNN là chưa đủ, mà cần thêm những nỗ lực từ phía NH để tăng cường sự minh bạch và thêm các chính sách hỗ trợ khác từ phía Nhà nước.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank
Trước đó, vào cuối tháng 8-2016, GIC đã ký thỏa thuận ghi nhớ sẽ mua 7,7% cổ phần của Vietcombank với giá xấp xỉ 400 triệu USD, tương đương 29.300 đồng/CP, bằng một nửa so với thị giá của Vietcombank tại thời điểm đó.
Theo giới phân tích, Vietcombank là một trong số ít NH có tính hấp dẫn đối với NĐTNN, bởi chi phí trích lập dự phòng nợ xấu giảm dần trong thời gian tới, do chất lượng nợ của NH này khá tốt và con số trên báo cáo gần với con số thực tế nhất. Hơn nữa, Vietcombank cũng là NH dễ dàng chuyển đổi theo yêu cầu của Basel 2. Dù vậy, qua trường hợp gọi vốn từ NĐTNN của Vietcombank, có ý kiến cho rằng sự trì hoãn kéo dài cho thấy việc phát hành vốn cấp 1 và xin chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp của các NH có vốn nhà nước không hề dễ.
Hay room cho NĐTNN của VietinBank hiện gần chạm ngưỡng 30% và tỷ lệ sở hữu nhà nước ở 64,46%. Do đó nhiều nhận định VietinBank sẽ không thể phát hành thêm cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, trừ khi Nhà nước cho phép nới các giới hạn này. Với BIDV, room dành cho NĐTNN vẫn còn nhưng NH lại gặp khó khăn khi tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong nhiều năm qua.
Đối với nhóm NHTMCP, nhu cầu vốn thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau vì hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm này tương đối cao hơn. Chẳng hạn NH Quân Đội (MB) luôn nêu ý định tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa có ứng viên nào. Tuy nhiên đối với MB cho thấy chưa cần thiết phải tăng vốn chủ sở hữu cho đến năm 2019 nhờ hệ số CAR vào cuối tháng 9-2016 là 12,2%.
Ảnh: LONG THANH
NH nội có gì hấp dẫn?
Cũng tại Hội nghị lần thứ 33 ABA, Thống đốc NHNN tiếp tục khẳng định Việt Nam mong muốn các NĐTNN tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu NH. Trong thời gian tới, ngành NH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới, không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các NĐTNN tham gia vào thị trường.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo NH châu Á lần thứ 17 vào tháng 5-2016, Thống đốc NHNN cũng đã từng nhấn mạnh mong muốn này. Rõ ràng, trước khi tham gia vào việc tái cơ cấu NH Việt, bước đầu mở rộng và tăng cường hiện diện của NĐTNN tại các NH phải được thuận lợi. Trong khi đó, Chính phủ chấp thuận cho việc tăng tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại công ty niêm yết tối đa lên 100% vốn điều lệ, nhưng đối với lĩnh vực NH do mang tính đặc thù nên độ mở cho NĐTNN như thế nào, mức độ và thời điểm ra sao do Chính phủ quyết định.
Quan sát các NH niêm yết, room còn lại cho NĐTNN khác nhau. Đối với MB room còn lại là 21%, BIDV 27%, ACB 4%, SHB 19%, Eximbank 4%, Sacombank 26% nhưng chưa được phép huy động vốn từ thị trường cho đến khi xác định rõ phương án xử lý các vấn đề tồn đọng.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là tỷ lệ sở hữu dành cho các NĐTNN tại NH tối đa chỉ ở mức 30%, được đánh giá không nhiều hấp dẫn. Do nếu nhà đầu tư trong nước vẫn chiếm đa số và nắm quyền phủ quyết, NĐTNN tham gia sâu vào vấn đề tái cấu trúc, quản trị sẽ không dễ dàng. Điều này cũng dễ hiểu khi NĐTNN xem việc thành lập một NH mới 100% vốn nước ngoài hấp dẫn hơn việc góp vốn vào một NH trong nước. Đó là chưa kể đến tình hình cho vay và nợ xấu tại các NH nội hiện rất phức tạp, càng làm giảm sự hấp dẫn đối với các NĐTNN.