Khát vọng tạo nên “kỳ tích U23” của ngành sáng tạo Việt
“Hoàng Xuân Vinh mất 63 năm để đưa Việt Nam lên bản đồ Olympics quốc tế. Bầu Đức mất hơn chục năm để đưa U23 Việt Nam lên bảng vàng Châu Á. Do đó chúng tôi luôn tin ngày các bạn trẻ trong ngành Tiếp thị - Truyền thông ghi dấu Việt Nam trên bản đồ sáng tạo thế giới sẽ không còn xa”…
Đó là những chia sẻ tâm huyết của chị Diệu Anh, Giám đốc Điều hành AIM Academy - Trưởng ban tổ chức (BTC) cuộc thi Vietnam Young Lions 2018 (VYL). Đây là cuộc thi vòng loại quốc gia nhằm tìm kiếm những tài năng sáng tạo trẻ, đại diện cho ngành Tiếp thị - Truyền thông của Việt Nam tranh tài tại Cannes Young Lions - cuộc thi hội tụ hơn 400 tài năng sáng tạo trẻ đến từ khắp các quốc gia trên thế giới. Cùng lắng nghe câu chuyện về khát vọng của họ trong hành trình đưa tài năng sáng tạo Việt ra thế giới.
Được biết, VYL từng được tổ chức tại Việt Nam từ năm 2007, nhưng đã tạm dừng một thời gian và năm 2016 được AIM Academy làm “sống lại”. Lý do nào khiến AIM làm việc này?
Khi AIM Academy ra đời, chúng tôi đặt ra sứ mệnh cho mình là nâng tầm chuẩn mực ngành Tiếp thị - Truyền thông Việt Nam để sánh ngang với những chuẩn mực quốc tế, mà trong đó Cannes Lions và Spikes Asia được xem là thước đo danh giá nhất. Mong muốn này không thể làm một sớm một chiều, nhưng việc cần phải làm ngay đó là nuôi dưỡng và phát triển tài năng trẻ vì họ là thế hệ tiếp nối và là động lực tạo sự thay đổi. Chính vì vậy, năm 2016 chúng tôi quyết định “vực dậy” VYL.
Trải nghiệm của các “chú sư tử trẻ” về thành công tại VYL 2017: https://www.youtube.com/watch?v=aED1UmRNxWs
Qua 2 mùa tổ chức và hiện đã bước vào mùa thứ 3, AIM đã phải đối mặt với những khó khăn gì?
Dù là cuộc thi nhưng VYL không cấm đoán, soi xét hay "giam lỏng" thí sinh để ngăn chặn gian lận. Một số thí sinh của năm đầu tiên đã vi phạm quy chế khi tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ 3 và bị truất giải. Đó là trải nghiệm buồn nhưng là bài học đắt giá cho các thí sinh hiểu được tính nghiêm túc và kỷ luật của một cuộc thi quốc tế.
Một thách thức khác của chúng tôi là làm sao để VYL được phổ biến rộng rãi hơn. Để công chúng biết rằng cuộc thi tìm kiếm tài năng sáng tạo trẻ cũng đóng góp cho xã hội nhiều như những cuộc thi khác đang diễn ra trong ngành giải trí hay khởi nghiệp…
Vậy còn những “quả ngọt” mà VYL đã gặt hái được thì sao?
VYL đã tạo cơ hội cho những tài năng trẻ Việt Nam được thử sức tại một sân chơi toàn cầu như Cannes Lions. Và tự hào hơn, chúng tôi đã kết nối cũng như nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhiều đơn vị, cá nhân tâm huyết với ngành như Unilever, Infinity Blockchain Labs, BlueR Studio, Coca-Cola, Chợ Tốt, Oppo,… Những đóng góp của họ không chỉ về vật chất mà còn về mặt tổ chức, tinh thần như tham gia vào đội ngũ ban giám khảo (ClickMedia, Ki Saigon, Ogilvy, TPG, Leo Burnett, DNA, TBWA,…) hay hỗ trợ về mặt truyền thông (BrandsVietnam, rgb.vn, GAM7,…). Điều này là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục tin tưởng và dành trọn tâm huyết cho con đường mình đã chọn.
Một thành quả khác mà chúng tôi đạt được là cuộc thi ngày càng mở rộng về quy mô lẫn số lượng thí sinh tham dự. Trước đây VYL chỉ dành cho các bạn ở bộ phận creative (sáng tạo), nhưng nay VYL mở rộng cho tất cả các chuyên viên trong ngành Tiếp thị - Truyền thông làm việc tại các agency (công ty cung cấp dịch vụ tiếp thị - truyền thông) và client (công ty khách hàng). Số lượng thí sinh cũng tăng đáng kể từ 100 đội vào năm 2016 và năm 2018 số đội đã lên đến 245.
Chị có thể chia sẻ kế hoạch của AIM về VYL trong những năm tới?
AIM sẽ tiếp tục “đại chúng hoá” VYL để cuộc thi không chỉ bó hẹp là sân chơi của các công ty đa quốc gia mà còn chạm đến các publisher (đơn vị phát hành nội dung), các cộng đồng thiết kế, các cá nhân và tập thể sáng tạo nội dung, công ty bản địa... Họ đã và đang đóng góp rất nhiều vào sự tiến bộ của ngành Tiếp thị - Truyền thông nhưng còn xa lạ với một sân chơi sáng tạo mang tầm cỡ quốc tế, nơi có thể mang tên tuổi của họ và Việt Nam ra thế giới.
Trước thềm VYL 2018, AIM mong chờ và kỳ vọng điều gì ở thí sinh năm nay?
Chúng tôi mong muốn tìm được những quán quân xuất sắc để đại diện Việt Nam thi đấu tại đấu trường sáng tạo quốc tế Cannes Young Lions lần thứ 65 (18 - 22/06/2018). Qua 2 mùa đem chuông đi đánh xứ người, dù chưa giành được thành tích nhưng chúng tôi không cảm thấy nản lòng. Hoàng Xuân Vinh mất 63 năm để đưa Việt Nam lên bản đồ Olympics quốc tế. Bầu Đức mất hơn chục năm để đưa U23 Việt Nam lên bảng vàng Châu Á. Do đó chúng tôi luôn tin ngày các bạn trẻ trong ngành Tiếp thị - Truyền thông ghi dấu Việt Nam trên bản đồ sáng tạo thế giới sẽ không còn xa.
Cám ơn chị về những chia sẻ này!
Presentation Day - Vòng chung kết VYL 2018 lần đầu tiên sẽ được mở cửa cho công chúng. Đừng bỏ lỡ tấm vé tham dự để được chứng kiến màn tranh tài nảy lửa giữa các “sư tử trẻ” khi đối mặt với các chuyên gia đầu ngành.
Thời gian: Ngày 14/04/2018
Địa điểm: Dreamplex 2, 195 Điện Biên Phủ, Bình Thạnh, TP.HCM
Link đặt vé ngay tại đây.
Thông tin chi tiết về cuộc thi xem tại: http://vietnamyounglions.net/.