Khát vọng thông minh của Bình Dương
Với đề án thành phố thông minh, Bình Dương vươn đến khát vọng đổi mới, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
- 19-01-2023Bình Dương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cao nhất cả nước
- 12-01-2023Bình Dương: Kỳ vọng tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng
- 11-01-2023Top 5 tỉnh thành có GRDP bình quân đầu người cao nhất Việt Nam 2022: Hải Phòng vượt qua Bình Dương
Được triển khai từ tháng 3-2016, Đề án thành phố thông minh Bình Dương không áp dụng cách tiếp cận thông thường là ứng dụng công nghệ hiện đại để giải quyết một số vấn đề như giao thông, năng lượng, hành chính điện tử… mà quyết định nghiên cứu mô hình đột phá của các thành phố thông minh trên thế giới đã thành công, đặc biệt là thành phố kết nghĩa Eindhoven, Hà Lan.
Ứng dụng mô hình 3 nhà
Tại Hội nghị thành phố thông minh năm 2017 do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam diễn ra tại Bình Dương, bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đã phát biểu, cách đây 20 năm, Eindhoven chỉ là vùng đất phát triển công nghiệp nhỏ lẻ và truyền thống, vì không có những lợi thế vốn có của các thành phố khác như sân bay, cảng biển...
Tuy nhiên, sau đó họ đã mạnh dạn đưa ra một mô hình phát triển mới gọi là Triple Helix (3 vòng xoắn). Trên nền tảng công nghệ, họ từng bước xây dựng Eindhoven không chỉ là một nơi đáng làm việc mà là một nơi đáng sống. Eindhoven hiện nay lọt vào danh sách một trong những thành phố thông minh nhất thế giới.
Từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao và môi trường sống lành mạnh (Trong ảnh: KCN VSIP II tại TP Thủ Dầu Một)
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về tiềm năng và những nét tương đồng của 2 địa phương, Bình Dương công bố khởi động Đề án thành phố thông minh Bình Dương, áp dụng mô hình "3 nhà" (Nhà nước- Nhà trường- Nhà doanh nghiệp) của thành phố Eindhoven.
Theo đó hướng tới đặt những nền tảng cơ bản đầu tiên cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh trước năm 2021. Từ đó tạo tiền đề để Bình Dương tiến lên nền kinh tế tri thức, đón xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng Ban Điều hành thành phố thông minh, cho biết với góc nhìn từ Bình Dương, thành phố thông minh có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó tất cả thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa.
Hiện nay những việc Bình Dương đã làm được đó là quy hoạch khu công nghiệp khoa học công nghệ thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, cùng với đó là sẽ xây dựng một tuyến đường sắt chuyên dùng để giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa, container kết nối các nhà máy, cảng, sân bay... của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đặc biệt, trong Đề án thành phố thông minh, Bình Dương nêu cao tinh thần "khởi nghiệp" của giới trẻ, đã có một "vườn ươm khởi nghiệp" tại Đại học Quốc tế Miền Đông và tạo nên một môi trường đổi mới và sáng tạo để các bạn trẻ, các nhà khoa học, các doanh nhân và bất cứ ai có tâm huyết đều có thể tham gia đóng góp vào quá trình phát triển…
Eindhoven cam kết tiếp tục hỗ trợ Bình Dương
Mới đây, giữa tháng 12-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm khu Công nghệ cao Brainport ở tỉnh Bắc Brabant, mô hình hợp tác giữa Eindhoven và Bình Dương được dẫn chứng như một điển hình của hợp tác thành công. Ông Joost Helms, Giám đốc Văn phòng Dự án quốc tế Eindhoven (EIPO), cho biết dự án hợp tác giữa Eindhoven và Bình Dương bắt đầu từ năm 2014.
Bắt đầu từ đó, Eindhoven hỗ trợ Bình Dương đưa ra chiến lược phát triển thành phố thông minh thông qua nhiều quy mô khác nhau, nhấn mạnh hợp tác giữa các tổ chức và cá nhân theo mô hình hợp tác 3 nhà: Nhà nước - doanh nghiệp - trường/viện nghiên cứu.
Ông Daniel Stork, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại TP HCM cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương chủ trì buổi đối thoại với doanh nghiệp Hà Lan đầu tư tại Bình Dương
Kết quả cho những nỗ lực hợp tác của hai địa phương là trong hai năm liền (2021-2022), Bình Dương lọt vào Top 7 các cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh trên thế giới, theo đánh giá của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF).
Bước đi tiếp theo, ông Joost Helms khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ, đóng góp đưa Bình Dương vào nhóm tỉnh, thành phố thông minh nhất thế giới. Eindhoven cũng cam kết đầu tư và kêu gọi đầu tư vào Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao hợp tác chặt chẽ giữa Eindhoven với Bình Dương trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, giúp Bình Dương đạt nhiều kết quả quan trọng trong triển khai định hướng xây dựng thành phố thông minh. Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Brabant nhân rộng mô hình hợp tác với các địa phương khác của Việt Nam.
Phó thống đốc Martijn van Gruijthuisen cũng khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tỉnh Bình Dương và mở rộng hợp tác với các địa phương khác của Việt Nam. Ông cam kết sẽ khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Brabant đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh.
Theo UBND tỉnh, hiện Bình Dương đang mở rộng không gian phát triển từ Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương với trọng tâm Vùng đổi mới sáng tạo, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng để xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao và môi trường sống lành mạnh.
Hiện Tổng Công ty Becamex IDC đang hoàn thành xây dựng giai đoạn đầu Trung tâm sản xuất thông minh 4.0, nơi đặt ra đề bài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thu hút các chuyên gia trong nước và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hiệu quả hơn.
Người lao động