Khẩu chiến xoay quanh hình hài chiếc xe điện hoàn hảo: Tự lái, thông minh như điện thoại di động hay an toàn, pin khoẻ, giá cả phải chăng?
Nhiều người đang đặt ra câu hỏi, rằng một chiếc xe điện hoàn hảo thực sự trông sẽ ra sao?
- 26-04-2023Minh chứng cho việc hàng Trung Quốc thống trị thế giới: Robot hút bụi đè bẹp hàng Mỹ, châu Âu, giá rẻ nhưng dùng chip AI, tích hợp công nghệ xe tự lái
- 06-04-2023Người Trung Quốc khiến cả thế giới kinh ngạc: 5 năm trước đã xây cao tốc thông minh lát pin mặt trời phục vụ cách mạng xe tự lái
- 05-01-2022Mưu tính của Elon Musk khi phát triển xe tự lái 100%: Để mặc tai nạn xảy ra vì không muốn các hãng khác dùng công nghệ tương tự?
Trước ngày diễn ra Triển lãm ô tô Thượng Hải 2023, hai doanh nhân công nghệ nổi tiếng nhất Trung Quốc đã có cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội. Chủ tịch BYD Wang Chuanfu gọi việc lái xe tự động là “vô nghĩa”, đồng thời so sánh nỗi ám ảnh của toàn ngành công nghiệp hiện tại với câu chuyện “Bộ quần áo mới của Hoàng đế”.
“Chúng tôi nghĩ rằng công nghệ tự lái tách biệt hoàn toàn khỏi con người là xa vời và về cơ bản là không thể”, Li Yunfei, người phát ngôn của BYD, nói thêm. “Có thể có nhiều ngành công nghiệp và doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ này, nhưng sau nhiều năm, nó sẽ chứng minh rằng mọi thứ chẳng dẫn đến đâu cả”.
Dẫn chứng thêm, BYD cũng cho biết có khoảng 2 triệu người thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông mỗi năm và trong một kịch bản công nghệ tự lái hoàn toàn, rất khó để xác định ai là người có lỗi.
“Khi xem xét công nghệ tự lái, từ đạo đức, quy định, công nghệ đến ứng dụng, chúng tôi chưa tìm ra lời giải thích hợp lý nhất. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng nó có lẽ là một đề xuất sai”, ông Li nhận định.
Được biết, thương hiệu EV hàng đầu Trung Quốc này đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực xe điện, ngay cả khi hãng không hề tập trung phát triển hệ thống lái tự động. Hồi tháng 3, BYD công bố lợi nhuận hàng quý tốt nhất nhờ vượt qua Tesla về doanh số bán xe điện.
Yu Chengdong, Chủ tịch Huawei Technologies lại có quan điểm khác biệt. Ông cho rằng giám đốc điều hành BYD “không hiểu công nghệ hoặc cố tình nói vậy để chỉ trích đối thủ”.
Tranh cãi sau đó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, rằng một chiếc xe điện hoàn hảo thực sự trông sẽ ra sao?
Theo SCMP, càng ngày, sức hấp dẫn của một xe điện càng phụ thuộc vào độ thông minh của nó. Đa số chẳng quan tâm nó đi được bao xa, hay rẻ như thế nào. Cao Hua, một đối tác tại công ty cổ phần tư nhân Thượng Hải Unity Asset Management, cho biết: “Người trẻ ở Trung Quốc không còn coi xe điện là phương tiện đơn thuần. Họ muốn chúng giống như một chiếc điện thoại thông minh, và vì vậy, cải tiến công nghệ bên trong những chiếc xe tự hành có thể thu hút nhiều người mua”.
Những cải tiến này bao gồm tính năng điều khiển bằng giọng nói, nhận dạng khuôn mặt, nâng cấp phần mềm qua mạng, liên kết điện thoại và cao hơn nữa là lái tự động. Chúng được phân loại theo 5 cấp độ, đảm bảo rằng phương tiện có thể tự di chuyển tốc độ cao mà không gây nguy hiểm cho tài xế.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 12/2022 của JD Power và Đại học Tongji của Thượng Hải, 10 mẫu xe được xếp hạng “thông minh nhất” đều được tích hợp công nghệ tự lái (Cấp độ 2, Cấp độ 3). 9/10 chiếc xe điện bán chạy nhất hồi năm ngoái cũng tính năng này.
“Các công ty Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng công nghệ xe tự lái, sau đó bán những chiếc ô tô thông minh này trên quy mô lớn”, nhà phân tích Paul Gong của UBS nói, đồng thời cho biết 2022 là năm đánh dấu nhiều bước ngoặt khi ngày càng nhiều các nhà sản xuất ô tô hiện thực hóa giấc mơ tự lái.
Công nghệ phức tạp nhất là cảm biến LiDAR giúp vẽ bản đồ 3D về không gian xung quanh xe. Tesla từng hoài nghi công nghệ này vì chi phí lắp đặt cũng như ứng dụng của chúng, nhất là sau các vụ kiện liên quan đến Autoplot. Trước đó, một phiên toà tại Palm Beach County đã được ấn định nhằm xem xét chính xác đối tượng cần chịu trách nhiệm, sau khi một chiếc Tesla Model 3 lao vào gầm xe tải và khiến tài xế thiệt mạng.
Tháng 10 năm ngoái, Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia NTSB cũng tuyên bố phạt Tesla vì đã không trang bị đầy đủ các tính năng hỗ trợ tài xế, bao gồm việc kích hoạt Autopilot và đảm bảo người lái xe phải chú ý khi sử dụng tính năng này.
“Vấn đề ở chỗ, không có bất kỳ bài kiểm tra tiêu chuẩn nào để biết liệu một chiếc ô tô không người lái có an toàn hay không”, Ramsey, nhà phân tích của Gartner cho biết. “Mọi người chỉ biết đến nó như một giai thoại”.
Hiện tại, Trung Quốc đang cấm lưu hành những chiếc xe điện tự động hóa Cấp độ 5. Chúng không cần sự can thiệp của con người, ngoại trừ các tuyến đường được chỉ định và được cho là không an toàn bằng Cấp độ 2 và Cấp độ 3.
Thực tế, trong hơn một thập kỷ qua, các bản demo xe tự lái hào nhoáng của Google, GM, Ford, Tesla hay Zoox đều hứa hẹn về một viễn cảnh tươi sáng, nơi những chiếc xe băng qua đường cao tốc, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mà không cần đến bất kỳ sự giám sát hay can thiệp nào từ con người. Sau khi các tai nạn hy hữu được khắc phục, đây được kỳ vọng trở thành giải pháp mới cho mạng lưới các phương tiện giao thông, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, 6 năm sau khi các công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ xe tự hành và gần 20 năm sau các bản demo đầu tiên về xe tự lái được ra mắt, người ta thấy chúng xuất hiện rất ít trên đường. Một số khu vực gần vành đai mặt trời thì gần như không có xe tự lái do điều kiện thời tiết ở đây chủ yếu nhiều mây và công nghệ trang bị chưa đủ thông minh để xử lý toàn bộ. Ngoài ra, xe tự lái cũng không thể phát hiện mọi vật cản bất ngờ, chẳng hạn như công trình xây dựng, động vật, nút giao giao thông hay người đi đường.
“Đó là một trò lừa đảo. Những công ty này đã lãng phí hàng chục tỷ USD”, George Hotz, nhà sáng lập công ty chuyên về hệ thống hỗ trợ xe tự lái Comma.ai nhận xét.
Wang Xiaogang, đồng sáng lập công ty AI SenseTime, nhà cung cấp chính công nghệ lái xe tự động ở Trung Quốc, thì cho rằng: “Sẽ mất một thời gian trước khi những chiếc xe tự động hoàn toàn được thương mại hóa. Chúng sẽ an toàn hơn những chiếc có tài xế đằng sau”.
Được biết, SenseTime cung cấp một hệ thống trực quan giúp hỗ trợ khả năng tự động lái của xe. Nó cũng phát triển các công nghệ phân tích ô tô và phát hiện hành vi để đảm bảo an toàn cho tài xế, chẳng hạn như công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho biết người lái xe đang tỉnh táo hay không.
Theo các chuyên gia, tình trạng giao thông tắc nghẽn, dân số đông và quãng đường di chuyển xa trong đô thị Trung Quốc sẽ giúp xe tự lái sớm trở thành xu hướng nhờ công nghệ hiện đại. Chẳng hạn hệ thống hoa tiêu dẫn đường (X-NGP) được lắp đặt trên xe thể thao đa dụng cỡ trung G6 của Xpeng có thể nhận biết đèn giao thông tại các giao lộ, chuyển làn, vượt phương tiện và rẽ trái phải. Theo Brian Gu, chủ tịch hãng xe Quảng Châu, các kỹ sư Xpeng sẽ giúp X-NGP trở nên “phù hợp hơn” với “các tình huống phức tạp trên đường phố”.
Baidu, nhà điều hành công cụ tìm kiếm internet, đã tạo ra nền tảng lái xe tự động mã nguồn mở vào năm 2017. Trong tương lai, ước tính khoảng 400 triệu chiếc ô tô thông minh có thể tự chạy trên đường cao tốc cũng như tự đỗ xe với sự can thiệp rất ít của con người. Baidu có trụ sở tại Bắc Kinh và hiện đang triển khai dịch vụ taxi hoàn toàn tự động trên các tuyến đường chỉ định ở Vũ Hán, Trùng Khánh và Bắc Kinh.
“Vào năm 2026, những chiếc xe thông minh trở nên phổ biến. Khách hàng sẽ cân nhắc với những chiếc xe không được tích hợp công nghệ lái thông minh”, Li Zhenyu, phó Chủ tịch Baidu kiêm người đứng đầu bộ phận kinh doanh lái xe thông minh Apollo cho biết. “Các nhà sản xuất ô tô phải lên kế hoạch để đối mặt với một cuộc cạnh tranh mới”.
Rob Chu, tổng Giám đốc của Apollo, cho biết công ty đã chuẩn bị đầy đủ để cạnh tranh: “Sẽ mất 12 đến 18 tháng để công nghệ thích nghi với điều kiện giao thông ở Trung Quốc. Chúng tôi vẫn còn thời gian tinh chỉnh công nghệ và hệ thống của mình để cải thiện khả năng lái xe tự động”.
Tiến bộ trong công nghệ pin và các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng sạc đã giúp một chiếc xe điện có thể di chuyển xa hơn bao giờ hết chỉ sau một lần sạc. Tập đoàn CATL trước đó còn tiết lộ một loại pin được kỳ vọng có thể sớm cung cấp năng lượng cho một chiếc máy bay hạng nhẹ. Nio, một trong những công ty khởi nghiệp mạnh nhất Trung Quốc, cũng trang bị bộ pin 150 kWh cho dòng ET7 với khả năng đi được quãng đường dài 1.000 km chỉ sau 1 lần sạc. Các mẫu xe cao cấp ‘sinh sau đẻ muộn’ cũng được trang bị loại pin này.
Theo SCMP, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã thống trị triển lãm xe hơi Thượng Hải năm nay nhờ một loạt các dòng xe tiên tiến mới. Các gian hàng đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, trước đây từng là những thế lực thống trị thị trường, song giờ đã không còn gây được tiếng vang.
Cụ thể, tổng doanh số bán hàng trong quý đầu tiên của liên doanh Volkswagen tại Trường Xuân và Thượng Hải đã giảm 15,4% xuống còn 607.412 xe. Ông Joerg Wuttke, trưởng đại diện của công ty hóa chất BASF của Đức kiêm chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết các nhà sản xuất ô tô khu vực này đang phải chịu hậu quả nặng nề sau khi bị tụt lại phía sau.
“Triển lãm ô tô lần này đã giúp mọi người mở mang tầm mắt. Chúng tôi phải đứng dậy và tiếp tục”, ông Wuttke nói.
Theo: SCMP, Bloomberg
Nhịp sống thị trường