MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Khẩu vị' đầu tư chứng khoán của tân cổ đông lớn Hải Phát Invest

Ông Hoàng Văn Toàn cùng các bên liên quan đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Hải Phát Invest từ 0,23% lên 16,54% vốn điều lệ. Ảnh HPX

Ông Hoàng Văn Toàn cùng các bên liên quan đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Hải Phát Invest từ 0,23% lên 16,54% vốn điều lệ. Ảnh HPX

Trước khi trở thành cổ đông lớn tại HPX, ông Hoàng Văn Toàn cũng đã tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các doanh nghiệp niêm yết khác là AGM và DNP.

Ông Hoàng Văn Toàn vừa báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn tại CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest – mã HPX). Cụ thể, vào phiên 14/9, ông Hoàng Văn Toàn cùng các bên liên quan đã mua vào 49,6 triệu cổ phiếu HPX, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Hải Phát Invest từ 0,23% lên 16,54% vốn điều lệ. Con số này đã vượt tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải (13,9%).

Trong đó, các bên liên quan của ông Toàn gồm CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát, 2 chị gái ông Toàn là bà Hoàng Thị Ý và Hoàng Thị Như, ông Nguyễn Việt Dũng (anh rể ông Toàn), nắm giữ tổng cộng 35,12 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 11,54% vốn điều lệ.

Động thái của nhóm cổ đông liên quan đến ông Hoàng Văn Toàn diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HPX giảm sàn nhiều phiên liên tiếp sau khi nhận quyết định đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9. Ngay trong phiên diễn ra giao dịch (14/9), cổ phiếu HPX cũng giảm kịch sàn với khối lượng khớp lệnh khủng lên đến hơn 83 triệu đơn vị, tương đương gần 1/3 tổng lượng cổ phiếu lưu hành. Tạm tính theo thị giá HPX kết phiên 14/9 là 5.480 đồng/CP, nhóm nhà đầu tư này có thể đã chi hơn 270 tỷ cho thương vụ trên.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn , Toàn Tín Phát được thành lập vào năm 2021 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đến tháng 3/2022 nâng lên thành 40 tỷ. Theo giới thiệu trên website, công ty này cho biết đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; Môi giới hợp đồng hàng hóa và chứng khoán; Hoạt động quỹ tín thác, các quỹ và các tổ chức tài chính khác như: kinh doanh chứng khoán quản lý thị trường tài chính, môi giới hợp đồng hàng hóa và chứng khoán.

Thời điểm ban đầu, Toàn Tín Phát có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm ông Hoàng Văn Toàn nắm giữ 89%, 11% cổ phần còn lại được chia đều cho 2 cá nhân là Nguyễn Đức Khương và ông Vũ Hồng Sơn.

Trong đó, ông Nguyễn Đức Khương sinh năm 1966 và được biết đến là Tổng giám đốc của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP An Bình – đơn vị do Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) sở hữu 100% vốn. Còn ông Vũ Hồng Sơn sinh năm 1969, từng là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Tổng giám đốc của CTCP Chứng khoán Đại Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Chứng khoán Everest (EVS).

Về phần mình, ông Hoàng Văn Toàn sinh năm 1980, hiện là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Toàn Tín Phát. Trước khi trở thành cổ đông lớn tại Hải Phát Invest, ông Hoàng Văn Toàn còn xuất hiện trong danh sách cổ đông của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM) vào năm 2022.

Cụ thể, với lý do đầu tư cá nhân, vào ngày 30/8/2022, ông Toàn đã mua 500.000 cổ phiếu AGM, nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này từ 0% lên 2,75%. Tại thời điểm này, bố vợ ông Toàn là ông Nguyễn Văn Phúc cũng đang nắm giữ 5,49%VĐL AGM. Như vậy, tỷ lệ ông Toàn cùng người có liên quan nắm giữ sau giao dịch là 8,24%. Một tháng sau đó, ông Nguyễn Văn Phúc đã bán 23.400 cổ phiếu, hạ tỷ lệ cổ phiếu nhóm này nắm giữ xuống còn 7,14%.

Ở chi tiết ít ai biết, AGM cũng từng có một cổ đông lớn có nhiều liên hệ với Toàn Tín Phát là ông Lã Quốc Đạt với tỷ lệ nắm giữ 6,59%. Tuy nhiên vào tháng 2/2022 ông Đạt đã hạ tỷ lệ nắm giữ xuống còn 3,52%.

Trở lại với ông Hoàng Văn Toàn, đầu năm 2023, Toàn đã mua vào hơn 2,7 triệu cổ phiếu DNP, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 6,5% và trở thành cổ đông lớn của CTCP DNP Holding (mã DNP). Sang đầu tháng 6, cá nhân này đã bán bớt cổ phiếu DNP, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 4,21%.

Theo Khánh An

Nhà Đầu Tư

Từ Khóa:
Trở lên trên