"Khẩu vị" mới của nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng
Trong khi bất động sản nghi dưỡng biển không còn được đầu tư rầm rộ, sôi động như trước đây thì nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở các thị trường mới vùng núi có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Khẩu vị thay đổi, nhà đầu tư lên núi săn đất
Bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã bước vào giai đoạn bùng nổ từ khoảng 3 - 5 năm trước. Điểm nóng là những địa danh du lịch truyền thống như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… Việc các doanh nghiệp đầu tư mạnh các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp đã góp phần nâng tầm trải nghiệm của du khách, tăng sức hấp dẫn của du lịch địa phương.
Tuy nhiên, chiến lược bán hàng của các nhà phát triển dự án đánh vào nhu cầu khẳng định đẳng cấp của khách đầu tư và cam kết lợi nhuận với các sản phẩm condotel, biệt thự biển, đang mất dần sức hấp dẫn. Điều này xảy ra khi nguồn cung bước vào giai đoạn bão hòa và việc cam kết lợi nhuận của nhiều chủ đầu tư không suôn sẻ, tranh chấp bắt đầu xảy ra nhiều nơi.
Bên cạnh đó, "khẩu vị" du lịch thay đổi, từ biển lên núi rừng, là yếu tố thúc đẩy những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới, đáp ứng nhu cầu thực. Phát triển "homestay", "second home" là xu hướng nóng sau làn sóng condotel những năm trước. Điều này đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, điển hình ở phía Nam là vùng ven Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và phía Bắc là thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, Hoà Bình, Sapa…
Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp đón đầu tiềm năng du lịch Tây Bắc
Ghi nhận cho thấy, để đáp ứng nhu cầu thực đang bước vào giai đoạn nở rộ, rất nhiều đơn vị phát triển dự án đã nắm bắt và triển khai hàng loạt sản phẩm đất nền nghỉ dưỡng ở các vị trí tiềm năng du lịch. Theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Lộc Hạnh, CEO Ngọc Á Châu, đất nền nghỉ dưỡng là thị trường ngách mới được phát triển mạnh trong khoảng 1 năm trở lại đây. Dòng sản phẩm này đang "làm mưa làm gió" thị trường nhờ câu chuyện "2 trong 1" vừa có thể mua để bán lại chốt lời hoặc sử dụng làm căn nhà thứ 2, điều mà các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng truyền thống trước đây khó đáp ứng được.
"Xét về thanh khoản và tăng giá, đất nền nghỉ dưỡng ở các thị trường tiềm năng về du lịch có khả năng ăn đứt condotel và biệt thự biển. Điều này có phần do yếu tố đất nền được quyền sở hữu lâu dài trong khi các sản phẩm kia vẫn là có thời hạn (thường là 50 năm). Cơ hội tăng giá và bán lại chốt lời khi đón đầu chu kỳ phát triển du lịch của địa phương là rất lớn.
Trong khi đó, việc mua condotel, biệt thự biển rồi bán lại là điều rất khó khăn trên thực tế. Ngoài ra, vốn đầu tư cho một sản phẩm đất nền nghỉ dưỡng chỉ trên dưới 1 tỷ, thấp hơn nhiều so với các bất động sản nghỉ dưỡng khác, tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Về mặt sử dụng, khách hàng cũng hoàn toàn chủ động trong việc xây dựng theo ý thích để làm ngôi nhà nghỉ dưỡng cuối tuần, kết hợp cho thuê hoặc chỉ đơn giản là đầu tư chờ tăng giá và chuyển nhượng", ông Nguyễn Lộc Hạnh phân tích.
Điểm nóng mới ở Tây Bắc
Theo báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, ở phía Bắc, một số tỉnh đang có tiềm năng phát triển tốt, được các nhà phát triển bất động sản và các nhà đầu tư cá nhân quan tâm, phải kể đến là Thái Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình. Thị trường chủ yếu là các sản phẩm đất nền đấu giá của địa phương và mua đi bán lại, trong đó những dự án có sổ đỏ thì tiêu thụ khá tốt.
Có một điểm khá trùng hợp giữa các thị trường sôi động về đất nền nghỉ dưỡng thời gian qua là khí hậu ôn hòa, tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và có cao tốc, hạ tầng trọng điểm sắp triển khai.
Theo ghi nhận ở thị xã Nghĩa Lộ, nơi được mệnh danh là "Sa Pa thứ 2" của vùng Tây Bắc, khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư ở đây, kết hợp trong những chuyến nghỉ dưỡng cuối tuần.
Vùng đất này đang được quy hoạch kết nối với cao tốc và mở rộng địa giới hành chính cùng được chấp thuận trong năm vừa qua. Cụ thể, Chính phủ thông qua quyết định bổ sung tuyến nối thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hồi tháng 2/2020.
Đầu năm 2020, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết cho phép thị xã Nghĩa Lộ sáp nhập 6 xã, 1 thị trấn từ huyện Văn Chấn. Việc điều chỉnh mở rộng thị xã Nghĩa Lộ là cơ sở để thị xã lập quy hoạch chung triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư các dự án trên địa bàn.
Nếu so sánh với thành phố Bảo Lộc ở phía Nam có quỹ đất phân lô khá lớn thì thị xã Nghĩa Lộ siết chặt, không có các khu đất cá nhân phân lô mà do nhà nước triển khai làm hạ tầng đồng bộ và đấu giá.
Việc bảo tồn di sản cánh đồng Mường Lò góp phần lưu giữ tài nguyên du lịch đặc sắc của địa phương. Điều này cũng tạo nên tính khan hiếm quỹ đất ở được chuyển mục đích từ đất nông nghiệp ở Nghĩa Lộ. Dù chưa bước vào giai đoạn bùng nổ, nhưng giá đất Nghĩa Lộ cũng đã tăng trưởng gấp 2 - 3 lần trong vòng 1 năm qua và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Các chuyên gia đánh giá, về vị trí, Nghĩa Lộ nằm ở giữa trên cung đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. So với Sa Pa, việc di chuyển từ Hà Nội lên Nghĩa Lộ chỉ mất khoảng 3 giờ, bằng một nửa thời gian, đặc biệt khi có tuyến nối thì việc di chuyển càng thuận tiện. Điều này là lợi thế trong việc hút khách du lịch. Xuất phát điểm của Nghĩa Lộ hiện nay khá tương đồng với Sa Pa khoảng 8 năm trước, hạ tầng du lịch, các cơ sở lưu trú đang bắt đầu được đầu tư bài bản. Khi giá đất Sa Pa hiện nay đã tăng hơn 10 lần so với 8 năm trước thì câu chuyện đón đầu ở Nghĩa Lộ sẽ là "cửa sáng" mà nhiều nhà đầu tư lựa chọn.