Khẩu vị "xác sống" của Shark Vương và ẩn số tăng trưởng 26% lợi nhuận tại SAM Holdings
Là yếu tố hỗ trợ đà tăng trưởng đáng kể về lợi nhuận trong năm 2017, danh mục đầu tư chứng khoán của SAM Holdings trong năm 2018 sẽ "làm ăn" như thế nào trước biến động khó lường của thị trường chứng khoán?
SAM được biết đến là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng dây cáp, cáp điện và điện tử khác, thiết bị viễn thông… với hơn 30 tuổi đời. Bên cạnh đó, SAM còn là một đơn vị kinh doanh bất động sản với những kế hoạch táo bạo từ thuở 10 năm về trước. Và, bắt đầu tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, với định hướng sẽ là công ty chuyên đầu tư tài chính, SAM đã quyết định đổi tên thành CTCP SAM Holdings, đồng thời tăng vốn lên hơn 2,400 tỷ đồng và đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 20-30% từ năm 2017.
Sự "lột xác" trên bước đầu không chỉ không khiến nhà đầu tư thất vọng mà còn rất hài lòng khi mang về cho Công ty khoản doanh thu tài chính đột biến, đẩy lãi ròng tăng hơn 447% lên 114 tỷ đồng trong năm qua. Tiếp đà thắng lợi, năm 2018 SAM Holdings đặt trọng tâm kinh doanh dựa trên tảng của hoạt động đầu tư tài chính và bất động sản, với tỷ lệ tăng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 26% lên 180 tỷ đồng.
Song, nhìn lại thì một trong hai yếu tố đầu não là bất động sản vẫn còn ghi nhận lỗ, đồng thời dự án đình đám SAM Tuyền Lâm đến cuối năm 2018 vẫn chưa mang về kết quả đáng kể. Đối với danh mục đầu tư tài chính, mặc dù năm qua làm ăn khá tốt nhưng với biến động thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay, chưa kể hiện SAM Holdings cũng đang trích lập dự phòng kha khá cho nhiều mã chiếm tỷ trọng lớn, thì xác suất thành công trong năm 2018 vẫn là điều còn bỏ ngỏ.
Một điều đáng bận tâm khác, người cầm cương SAM Holdings là 1 trong 4 vị "cá mập" của chương trình Shark Tank Việt Nam 2017 có khẩu vị đầu tư tương đối mạo hiểm, từng phát ngôn "Cứu sống một doanh nghiệp có khi còn tốt hơn tạo ra một doanh nghiệp mới". Tức, Shark Vương gần như hứng thú với những công ty "xác sống", bởi theo ông thì đơn vị có kết quả kinh doanh tốt chưa hẳn là tốt!
Danh mục "xác sống" ngắn hạn với giá trị dự phòng hơn 40 tỷ đồng
Được biết, Shark Vương từng chia sẻ tiêu chí đầu tư Công ty dựa trên 2 định hướng, một là đầu tư để nhận lợi nhuận ngay, và thứ hai là đầu tư dựa trên kỳ vọng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp, hiện danh mục chứng khoán ngắn hạn của SAM Holdings toàn là những tên tuổi đình đám trên thị trường.
Tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng đầu tư ngắn hạn của SAM đạt hơn 544 tỷ đồng, tăng gấp đôi đầu kỳ và chiếm đến 21% tổng tài sản ngắn hạn. Trong đó, 3 đơn vị chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của SAM bao gồm:
(1) Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN): Giá gốc 283 tỷ, dự phòng gần 35 tỷ đồng; đây cũng là mã chứng khoán chiếm tỷ trọng đầu tư cao nhất hiện tại của SAM.
(2) Gỗ Trường Thành (TTF): Tổng giá trị 154 tỷ đồng; được biết ngày 5/4 vừa qua, SAM đã bán 13,33 triệu cổ phiếu TTF giảm sở hữu xuống còn gần 7.5 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 3.48%;
(3) Đất Xanh Group (DXG): Tổng giá trị đạt 160 tỷ đồng;
Ngoài ra, SAM còn đầu tư một số cổ phiếu tăng tốt hiện nay như PVD với 422 triệu, Phân lân nung chảy Văn Điển (VAF) với 2,3 tỷ đồng và Alphanam (ALP) với giá trị xấp xỉ 2 tỷ đồng…
Nói về DVN, SAM cho biết đây là công ty dược lâu đời nhất tại Việt Nam, có 3 công ty con và 23 đơn vị liên kết. Khi đầu tư vào đây, có lúc giá cổ phiếu DVN lên hơn 130,000 đồng/cp nhưng SAM không bán mà quyết định đầu tư lâu dài bởi kỳ vọng vào dư địa tăng trưởng trong tương lai của ngành. Cùng với đó, theo thông tin được biết năm nay Bộ Y tế sẽ thoái hết vốn tại DVN, khi đó hoạt động tại đơn vị này sẽ rõ ràng hơn và giá cổ phiếu không có lý do gì không trở lại mức cao đã từng, ban lãnh đạo SAM khẳng định.
Mức giá mục tiêu Shark Vương dự đoán lên đến 30,000 đồng/cp, căn cứ cho con số trên dựa vào tiềm lực DVN đang có đến từ tài sản, kinh nghiệm và hệ thống phân phối, vị cá mập này cho biết.
Tuy nhiên, thực tế hiện ROE năm 2017 của DVN khoảng 4.5-4.6% là khá thấp, kế hoạch 2018 khoảng 180 tỷ, tương ứng ROE cũng chỉ trên 6%. Thị giá thì một lần nữa rơi mạnh sau đợt phục hồi cuối năm 2017, hiện giao dịch tại mức 16.600 đồng/cp. Được biết, SAM Holdings mua DVN vào thời điểm vùng giá 24.000, như vậy khoản đầu tư này Công ty đang lỗ gần 95 tỷ đồng.
Tương tự tại TTF, giá mua bình quân theo SAM Holdings khoảng 7,000 đồng/cp. Mới đây SAM đã thoái và không còn là cổ đông lớn vì đánh giá đây là khoản đầu tư ngắn hạn. Với thị giá cổ phiếu TTF đang loanh quanh vùng đáy 6.000 đồng/cp, việc thoái vốn gần đây khiến SAM Holdings lỗ khoảng 4 tỷ đồng. Thua lỗ còn ghi nhận tại khoản đầu tư vào PVD (trích lập dự phòng hơn 70 triệu đồng) và Alphanam (ALP) với giá trị dự phòng gần 5,5 tỷ đồng.
Một mã chứng khoán được SAM Holdings giao dịch năm 2017 còn có DXG, mặc dù Công ty chưa phải trích lập dự phòng cho đơn vị này, song nhiều chuyên gia nhận định đây là cổ phiếu khá rủi ro khi đầu tư, đặc biệt trong thời buổi VN-Index liên tục "nhảy múa" như hiện nay.
Đầu tư dài hạn 2017 ghi nhận giảm giá trị về 647,5 tỷ đồng
Với xác định là công ty đầu tư tài chính và sẽ tích cực tìm kiếm các cơ hội từ đây, trong khoản đầu tư dài hạn, SAM Holdings đang trọng tâm vào Công ty Du lịch Phú Thọ với ưu điểm sở hữu Công viên Đầm Sen. Du lịch Phú Thọ hiện đã trình UBCK để niêm yết và dự kiến sẽ sớm được chấp thuận cũng được SAM Holdings đánh giá cao vào khả năng trăng trưởng sắp đến. Thông tin thêm, năm 2017 do phần lớn doanh nghiệp cổ phần hóa đều đang bị thanh tra lại do đó Du lịch Phú Thọ chưa thể niêm yết.
Song song với đó, các khoản đầu tư dài hạn của SAM Holdings còn phải kể đến các đơn vị như Capella Việt Nam (nắm 31,48% vốn), Đầu tư và Phát triển Hạ tầng An Việt (45%), Vật liệu điện và Viễn thông Sam Cường (nắm 33,74% vốn)…
Liên quan đến mảng bất động sản, mặc dù đầu tư tài chính sẽ là mũi nhọn, SAM vẫn kỳ vọng BĐS nghỉ dưỡng sẽ tạo ra kinh doanh đột biến. Nổi bật trong đó có dự án đầu tư 1.000 tỷ đồng vào Tuyền Lâm cách đây 10 năm. "Các công trình hiện tại nếu bán sẽ có lãi", ông Vương nhấn mạnh. Đồng thời theo kế hoạch, SAM sẽ ưu tiên BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại đây với 300 ha.
Ở mảng nông lâm nghiệp, SAM Agritech vừa khánh thành nhà máy sản xuất hồ tiêu xuất khẩu, hứa hẹn mang lại doanh thu xuất khẩu cho SAM. Hay mảng dây điện từ năm 2018 SAM Holdings cũng kỳ vọng biên lãi gộp dự kiến 5%, định hướng đến 2020 đạt khoảng 5-7%.
Tựu trung lại, việc SAM Holdings tận dụng tối đa cơ hội tăng nguồn thu từ các hoạt động tài chính, động thái này được nhà đầu tư đánh giá cao trong việc nắm bắt các cơ hội thị trường trường và sử dụng các nguồn vốn nhàn rỗi. Tuy nhiên, bước sang năm 2018, không ai dám chắc vào sự thắng lợi bởi cơ hội này có còn duy trì hay không là một câu trả lời còn bỏ ngỏ, khi mà chỉ số VN-Index đã tăng rất mạnh trong năm 2017, đạt 48%.
Trí Thức Trẻ